Miễn, hỗ trợ học phí: Người giàu là chuyện của họ, với trẻ phải công bằng

(Dân trí) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Xã hội cho rằng học phí một năm có thể không nhiều, miễn giảm cũng không bõ bèn vì với gia đình có mức thu nhập cao, song với người nghèo, khoản đó rất quan trọng.
Chiều 22/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về 2 dự thảo nghị quyết liên quan đến giáo dục, trong đó có chính sách miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa nhận định, học phí một năm có thể không nhiều, nhưng với gia đình nghèo, khoản đó rất quan trọng. Còn gia đình có mức thu nhập cao, sống khá giả, phần học phí Nhà nước hỗ trợ không bõ bèn gì, nhưng "đó là chuyện của họ, còn với trẻ em phải đối xử công bằng". Đây là trách nhiệm của Nhà nước, theo lời bà Hoa.
Ủng hộ chính sách miễn và hỗ trợ học phí, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) cho rằng việc miễn học phí rộng rãi sẽ giảm gánh nặng chi phí cho nhiều gia đình, khuyến khích những học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đi học, qua đó nâng cao mặt bằng học vấn và nguồn nhân lực trong tương lai.
Tuy nhiên, nữ đại biểu lưu ý cần làm rõ mức độ và cơ chế "hỗ trợ học phí" với học sinh dân lập, tư thục.
Theo bà Hà, nếu Nhà nước hỗ trợ, có thể hiểu ngân sách sẽ cấp một khoản tiền để bù đắp một phần hoặc toàn bộ học phí mà lẽ ra học sinh phải đóng cho trường tư thục, dân lập. Song vấn đề đặt ra là học phí tại các cơ sở ngoài công lập rất đa dạng và cao so với cơ sở giáo dục công lập.
Để đảm bảo công bằng và hiệu quả, nữ đại biểu đề nghị giao Chính phủ quy định rõ mức hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập, có thể quy định mức hỗ trợ không thấp hơn mức trần học phí công lập tại địa phương hoặc mức ngân sách Nhà nước chi bình quân cho một học sinh công lập.
Dự thảo nghị quyết của Quốc hội nêu rõ mức hỗ trợ học phí ở địa phương do HĐND tỉnh quyết định, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa lưu ý phải làm sao công bằng tương đối giữa các địa phương, bảo đảm trẻ em ở miền núi, đồng bằng, thành thị hay nông thôn đều được tiếp cận ở mức công bằng nhất.
Dự thảo nghị quyết quy định "ngân sách Trung ương hỗ trợ ngân sách địa phương chưa cân đối được ngân sách", nhưng đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) cho rằng nếu quy định không cụ thể dễ dẫn đến việc hỗ trợ không công bằng giữa các địa phương.
Bà đề nghị với các tỉnh tự cân đối ngân sách thì giao HĐND cấp tỉnh ban hành nghị quyết hỗ trợ học phí theo nguyên tắc không thấp hơn so với mức hỗ trợ học sinh công lập.
Còn tỉnh chưa cân đối được ngân sách, vẫn phụ thuộc vào Trung ương, theo bà Hà, không phải ban hành nghị quyết vì Trung ương sẽ chi trả.
Nhận định kinh phí dự kiến mỗi năm "không nhỏ", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng quy định "HĐND cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ" là cần thiết, nhưng cần có khung hướng dẫn thống nhất từ Trung ương để đảm bảo công bằng giữa các địa phương, nhất là những tỉnh còn khó khăn về ngân sách.
Theo nữ đại biểu, học phí của trường dân lập thường cao hơn rất nhiều so với trường công lập, nên cần quy định rõ nguyên tắc "mức tiền hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập không vượt quá mức học phí được miễn tại các cơ sở giáo dục công lập tương ứng về cấp học và địa bàn".