Mì chính không rõ nguồn gốc tràn ngập, sức khỏe người dân bị ảnh hưởng

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phanh phui nhiều vụ việc liên quan đến thực phẩm giả, kém chất lượng, trong đó có cả các sản phẩm mì chính.
Thiếu minh bạch xuất xứ hàng thực phẩm, dân lãnh đủ
Với sự ra quân triệt để của cơ quan chức năng, nhiều vụ việc liên quan đến thực phẩm giả đã được phanh phui. Một trong số đó là vụ việc các sản phẩm thực phẩm giả bị bắt tại Phú Thọ, bao gồm dầu ăn, mì chính giả, mì chính san chia, đóng gói lại... đe dọa sức khỏe người dân.
Cụ thể, sáng 24/4, Công an tỉnh Phú Thọ bất ngờ đột kích, khám xét khẩn cấp xưởng sản xuất và kho hàng của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam tại địa chỉ Khu Đồng Đồi, xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Tại đây, cơ quan công an phát hiện, tạm giữ hơn 71 nghìn lít dầu ăn, khoảng 40 tấn mì chính, 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh giả.
Ngoài ra, cơ quan Công an còn tạm giữ gần 84 tấn phụ gia các loại dùng để sản xuất, san chiết các loại mì chính, hạt nêm, bột canh giả nói trên và hơn 1.593.513 vỏ bao bì, can nhựa đựng sản phẩm cùng dây chuyền sản xuất đóng gói. Cơ quan điều tra bước đầu xác định, Công ty TNHH Famimoto Việt Nam đã tiêu thụ ra thị trường 144 tấn dầu ăn; 118 tấn bột canh, 363 tấn hạt nêm giả. Ngoài ra, cơ quan Công an còn làm rõ hơn 1.220 tấn mì chính có dấu hiệu vi phạm về chỉ dẫn tem mác.
Theo khai nhận của Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Famimoto Việt Nam, mì chính nguyên liệu đơn vị này mua của Công ty TNHH thương mại Quang Thanh (ở Hà Nội) sau đó tiến hành san chia, đóng gói cho vào 2 loại bao bì mang nhãn hiệu “Mì chính Boat Brand - thương hiệu xuất xứ Singapore”, và “Mì chính Famimoto - nhãn hiệu Mì chính hàng đầu Việt Nam, công nghệ Nhật Bản”.
Trước đó, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đã yêu cầu tạm dừng lưu thông 4 lô sản phẩm mì chính của Công ty Liên Sen tại TP.HCM ghi “đóng gói tại Việt Nam” nhưng không rõ xuất xứ.
Theo cơ quan chức năng, đơn vị này không sản xuất mì chính tại Việt Nam mà chỉ nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc và đóng gói lại, nhưng trên bao bì lại không thể hiện rõ ràng điều này. Sự việc trên gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng ghi nhãn mập mờ của sản phẩm mì chính, gia vị nhập khẩu không rõ xuất xứ nhưng được “khoác áo” Việt Nam.
Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các Bộ ngành, cơ quan liên quan về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ.
Thủ tướng yêu cầu cương quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng này, trước mắt là mở đợt tấn công cao điểm trên phạm vi cả nước, trong vòng 1 tháng từ ngày 15/5 – 15/6, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, góp phần phục vụ xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, kinh tế phát triển, đảm bảo an ninh an toàn, chăm sóc sức khỏe, tính mạng Nhân dân.
Mì chính không rõ xuất xứ tràn lan, người tiêu dùng và doanh nghiệp đều ảnh hưởng
Ngoài hai nhãn hiệu mì chính Famimoto và Boat Brand đã bị xử lý, trên thị trường vẫn còn có những nhãn hiệu mì chính không ghi xuất xứ, không rõ nguồn gốc. Các sản phẩm này được các tổ chức, cá nhân tự ý pha trộn, san chia, sang chiết và đóng gói lại, sau đó bán ra thị trường, không chỉ tại các chợ, cửa hàng tạp hóa...
Việc thiếu minh bạch thông tin khiến người tiêu dùng dễ nhầm tưởng các loại mì chính này được sản xuất tại Việt Nam. Do không rõ quy trình sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng, người tiêu dùng có thể bị ảnh hưởng quyền lợi, đặc biệt là rủi ro sức khỏe khi sử dụng lâu dài.
Tình trạng san chia, đóng gói lại mì chính tràn lan, không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp sản xuất chân chính. Mì chính san chia, đóng gói lại thường thể hiện cụm từ Đóng gói tại, hoặc Cơ sở đóng gói, hoặc Phối trộn tại, hoặc Hoàn tất tại, trên bao bì.
Mì chính sản xuất trực tiếp tại Việt Nam, mặt sau bao bì chỉ thể hiện một trong các thông tin Xuất xứ: Việt Nam, hoặc Sản xuất tại: Tên và địa chỉ công ty tại Việt Nam.
Với chiến dịch truy quét mạnh mẽ tới đây của Chính phủ, hy vọng không chỉ mì chính mà tất cả các mặt hàng không ghi xuất xứ, không rõ nguồn gốc sẽ sớm được xử lí, góp phần thanh lọc thị trường, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, doanh nghiệp.
Trong lúc đó, người tiêu dùng cũng nên tự bảo vệ bản thân và gia đình bằng việc kiểm tra kĩ thông tin sản phẩm trước khi mua để tránh mua phải các mặt hàng san chia, đóng gói lại không rõ nguồn gốc, xuất xứ.