Nhảy đến nội dung

Mẹ bỉm sữa 'dính đạn' vì tin review trên mạng

Mỗi ngày trên TikTok có hàng nghìn tài khoản chuyên bán tã giấy livestream, kèm theo các video review trải nghiệm để tạo lòng tin. Đằng sau những video review triệu view tưởng như khách quan đó chính là tình trạng "dìm hàng" đối thủ, bán hàng kém chất lượng trên các nền tảng số.

Tã giấy trẻ em thành mục tiêu mới 

Sau vụ việc Hằng Du mục, Quang Linh Vlogs bị cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố, bắt tạm giam vì tội lừa dối khách hàng, nhiều người tiêu dùng nghi ngờ về chất lượng hàng hóa bán trong các phiên livestream không như lời quảng cáo. 

Một trong những mặt hàng từng được Hằng Du mục và Quang Linh Vlogs nhiều lần quảng cáo là sản phẩm bỉm trẻ em (còn gọi là tã giấy) đến từ Hàn Quốc, nhưng trên thực tế lại được sản xuất tại Trung Quốc, mỗi lần livestream đều nhận về lượt bán "khủng".

Video review bỉm khá "hot" trên TikTok trong thời gian gần đây. Mỗi ngày trên nền tảng này có tới hàng nghìn tài khoản chuyên bán tã, bỉm livestream, thậm chí các KOC (người tiêu dùng chủ chốt) đua nhau sản xuất các video review để tạo lòng tin cho khách hàng.

Đầu tháng 3, tài khoản A.B.T đã đăng tải video có tiêu đề "60 dòng bỉm". Video đưa ra thử nghiệm đánh giá khả năng thấm hút của các sản phẩm bỉm trẻ em đang bán trên thị trường.

TikToker này đã tiến hành đổ 1 lít nước lên sản phẩm và để qua đêm 12 tiếng, sau đó dùng tay và giấy để kiểm tra bề mặt sản phẩm và đưa ra nhận xét liên quan đến khả năng thấm hút của các sản phẩm. Video thu hút gần 2 triệu lượt xem và hàng nghìn bình luận, đánh giá xung quanh chất lượng các loại bỉm.

Sau video này, tài khoản A.B.T còn đăng một số video liên quan đến nội dung này như: thử nghiệm 70 loại bỉm với 450 ml, đậy kín sau 8 tiếng để xem khả năng dàn đều, tốc độ thấm hút và khả năng thoáng khí của từng loại; hậu trường test bỉm triệu view cũng thu hút rất nhiều lượt xem và tương tác.

TikToker M.X với các video có tiêu đề "Bật mí độ thấm hút của 25 dòng tã dán", "Test 46 dòng bỉm quần". Để kiểm chứng độ thấm hút loại bỉm, tài khoản này sử dụng chất lỏng đổ vào bỉm, sau đó đưa ra nhận xét, đánh giá mức độ thấm hút của từng sản phẩm. Những loại bỉm có thương hiệu, tên tuổi thì bị chê tơi tả với lời nhận xét: "Ôi bỉm này ướt lắm, ướt giấy, nước còn nguyên, in hằn dấu tay"...

Một tài khoản khác là N.B cũng cho ra video test 23 dòng bỉm đang phổ biến trên thị trường. Vẫn là thử nghiệm độ thấm hút sau khi đổ nước 30 giây và sau 8 tiếng qua đêm, tài khoản này đưa ra những lời nhận xét đầy cảm tính như "con này khô nha", "con này bị dồn 1 cục"; "con này bị thấm", "con này ấn xuống hơi ẩm". 

Trong các video review này, một cách cố tình, hàng loạt thương hiệu bỉm trẻ em có uy tín như Bobby, Huggies, Merries, Moony, Pampers... bất ngờ trở thành "nạn nhân", nhẹ thì bị chê không thấm hút, nặng thì dùng lời lẽ "dìm hàng" không thương tiếc.

Điểm đáng lo ngại nhất của trào lưu review "dìm hàng" này chính là phương pháp thử nghiệm hoàn toàn mang tính "cảm tính" và thiếu cơ sở khoa học. 

Là người có kinh nghiệm trên sàn thương mại điện tử, anh Lê Hải Vũ, Giám đốc kiêm nhà sáng lập Velasboost, nhìn nhận với sự phát triển của internet và mạng xã hội, hoạt động review ngày càng phổ biến, khái niệm review không còn xa lạ, được hiểu theo nghĩa là một dạng đánh giá sản phẩm, chất lượng dịch vụ của người dùng. Tuy nhiên, khi chia sẻ lên mạng xã hội, liệu rằng review hay đánh giá sản phẩm có được đi theo đúng hướng hay bị lợi dụng, biến tướng để phục vụ mục đích bán hàng.

"Các video review bỉm đều mang cảm tính nhiều hơn. Muốn xác định sản phẩm đạt chuẩn phải yêu cầu nhiều chuyên môn, công cụ kiểm tra đo, thử nghiệm hoặc được cấp chứng nhận. Kiến thức vô biên, phải hiểu sâu hơn và là chuyên gia mới có thể đưa ra kết luận chính xác", anh Hải Vũ nêu ý kiến.

Theo anh Vũ, để thẩm định 1 sản phẩm không thể sử dụng tính cảm quan cá nhân, thậm chí có nhiều trường hợp kết quả sai rất nhiều, đôi khi review lại trở thành phiến diện. Anh Hải Vũ cho biết: "Nhiều hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cố gắng giống hàng thật nhất có thể, đôi khi bài kiểm tra, thử nghiệm thông thường không phản ánh được. Ví dụ, nhiều khi đồ xịn lại nhanh hư hỏng hơn đồ dởm; đồ xịn sử dụng nguyên vật liệu bảo vệ môi trường, dễ phân hủy hơn. Người tiêu dùng không biết lại tưởng rằng là đổ đều".

Có cùng quan điểm trên, anh Nguyễn Nhân, sáng lập Nhân Nguyễn Sharing nhận thấy các video review bỉm có sự "lấn cấn" trong cách thức thử nghiệm. 

"Trải nghiệm của người dùng chỉ mang tính chất tham khảo, không thể xem như là bằng chứng, 1 yếu tố khoa học để đánh giá sản phẩm. Tuy nhiên, đại đa số người dùng ở ta lại dễ dàng đặt niềm tin vào những video trải nghiệm này", anh Nhân nói.

Các chuyên gia trong ngành hàng tã trẻ em khẳng định, các thử nghiệm cá nhân trong các video review hoàn toàn không phải là phương pháp có giá trị kiểm nghiệm để đánh giá chất lượng tã trẻ em. Để đánh giá một cách chính xác khả năng thấm hút và các đặc tính khác của tã, cần phải tuân thủ các quy trình kiểm nghiệm nghiêm ngặt, mô phỏng sát với điều kiện sử dụng thực tế.

Với các thương hiệu tã uy tín luôn phải trải qua quá trình kiểm chứng nghiêm ngặt trên người  do bên thứ ba độc lập, có chức năng và thẩm quyền thực hiện trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Quá trình này đảm bảo rằng các tính năng được thiết kế của tã phù hợp với nhu cầu, khả năng vận động theo từng giai đoạn phát triển của trẻ em Việt Nam, cũng như khuyến khích các mẹ thay tã thường xuyên đảm bảo vệ sinh cho bộ phận sinh dục của trẻ. Đây là điều mà các sản phẩm gia công, không rõ nguồn gốc thường bỏ qua.

"Dính đạn" vì tin review

Để tạo lòng tin, các KOC này thường không công khai rằng mình đang bán chính loại bỉm được khen. Nhưng đằng sau những video review triệu view tưởng như khách quan, trung thực, chính là hình thức quảng cáo trá hình, được dàn dựng một cách có chủ đích nhằm hướng người tiêu dùng đến các loại tã ít tên tuổi, không rõ nguồn gốc.

Song, điều khiến người tiêu dùng hoang mang là các sản phẩm được khen lại là các loại bỉm được quảng cáo của Hàn, Nhật nhưng được gia công tại Trung Quốc, và giá rẻ so với các sản phẩm trong nước.

Chị Lê Ngọc Dung (P.Bạch Mai, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang nuôi con nhỏ 2 tháng tuổi lo lắng: "Tôi có thói quen trước khi mua sản phẩm gì đó thường hay lên mạng xem review, xem loại nào được đánh giá 5 sao thì mua. Với sản phẩm bỉm, tôi chọn mua có thương hiệu, nhưng mới đây xem review trên TikTok sản phẩm tôi mua cho con lại bị đánh giá thấp. Trong khi những thương hiệu khác chưa nghe tên bao giờ lại được đánh giá cao về độ hút ẩm. Điều này khiến những bà mẹ nuôi con nhỏ như tôi không biết đâu mà lần".

Chị Dung thừa nhận, các bà mẹ bỉm sữa đều là thế hệ từ 9X, 2K thông thạo công nghệ nên thường bị ảnh hưởng bởi review trên mạng xã hội và lựa chọn theo xu hướng đám đông. Tuy nhiên, điều chị Dung thực sự băn khoăn là sau những video review đó, các TikToker này cũng quảng cáo, bán các sản phẩm bỉm từng dính "lùm xùm" hàng không rõ nguồn gốc nhưng được nhắc đến trong các video review với hết lời khen ngợi.

Trong Hội "Review bỉm cho bé" với hơn 230.000 thành viên trên Facebook, đề tài này cũng nhận được sự quan tâm của các bà mẹ bỉm sữa. Tài khoản tên C.M bức xúc: "Toàn thấy thử nghiệm độ thấm hút. Dùng cả chai nước đổ vào, bé nào tè được cả chai như vậy, hay thật. Trong khi những cái quan trọng như kiểm nghiệm chất tẩy trắng, hàm lượng formaldehyde, hàm lượng amin thơm...lại không đề cập".

Từng tin mua bỉm theo review trên mạng, Chị L.T chia sẻ: "Đúng là hàng thấm hút nhanh, khô ráo, dàn đều. Nhưng form bỉm chán lắm, ọp ẹp, sơ sài, chun lưng cũng ít, có cũng như không mặc toàn bị tụt. Tôi mua 2 bịch nhưng chỉ dùng được nửa bịch là không muốn dùng nữa".

Sau khi mua bỉm G. được nhiều KOL, KOC quảng cáo, review là thương hiệu của Hàn Quốc, chị Hồng Kiều (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) tá hỏa phát hiện ra, mặc dù bao bì toàn tiếng Hàn, nhưng "tôi nhờ người nhà bên Hàn tìm trên sàn thương mại điện tử thì không có kết quả, chứng tỏ sản phẩm này bên Hàn không có, vậy sản phẩm này được sản xuất ở đâu, có kiểm định không, vào Việt Nam bằng đường nào, không ai biết". 

(Còn tiếp)