Máy bay Boeing 737 chở 191 người rơi tự do hơn 7.000m, hành khách viết di thư trong hoảng loạn

Một chuyến bay thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã gặp sự cố nghiêm trọng khi bất ngờ giảm độ cao hơn 7.000m chỉ trong vòng 10 phút, khiến mặt nạ dưỡng khí bung ra và nhiều hành khách viết thư trăn trối trong hoảng loạn.

(Ảnh minh họa: People)
Tối 30/6, chuyến bay mang số hiệu JL8696/IJ004, do hãng Spring Airlines Japan vận hành theo liên danh với Japan Airlines, khởi hành từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến sân bay Narita (Nhật Bản), đã phải chuyển hướng hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Kansai (Osaka) sau khi phi công phát hiện dấu hiệu bất thường từ hệ thống điều áp của máy bay.
Theo các phương tiện truyền thông Nhật Bản và Trung Quốc, chiếc Boeing 737-800 đang bay ở độ cao hành trình khoảng 11.000m thì hệ thống cảnh báo về áp suất buồng hành khách đột ngột phát tín hiệu cảnh báo. Ngay lập tức, cơ trưởng đã phát tín hiệu khẩn cấp và bắt đầu hạ độ cao nhanh chóng xuống khoảng 3.200m - mức an toàn cho việc hô hấp bình thường mà không cần hệ thống oxy bổ sung.
Dữ liệu theo dõi hành trình của máy bay được trang Jimu News công bố cho thấy, chiếc 737-800 này đã mất tới hơn 7.000m độ cao chỉ trong vòng 10 phút - một con số gây sốc và có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng nếu không xử lý kịp thời.
Một hành khách kể lại: "Ban đầu tôi không nghĩ có chuyện gì nghiêm trọng. Nhưng rồi tôi thấy các tiếp viên mặt tái mét, mắt như sắp khóc. Khi mặt nạ oxy bung xuống, mọi người lặng lẽ đeo vào. Không ai nói gì, không một tiếng động, khoang máy bay yên tĩnh một cách đáng sợ".
Một người khác cho biết đã hoảng loạn đến mức vội vàng lấy điện thoại ghi lại lời trăn trối: "Tôi viết thư dặn chồng lo cho mẹ tôi, rồi nói mật khẩu ngân hàng và bảo hiểm. Tôi nghĩ rằng mình sẽ không sống sót".
Sau khi hạ cánh an toàn tại Kansai lúc 20h48 (giờ địa phương), toàn bộ 191 hành khách và phi hành đoàn đều được xác nhận không bị thương và không ai gặp vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên, nỗi ám ảnh trong khoang máy bay vẫn còn ám ảnh nhiều hành khách.
Các chuyên gia hàng không nhận định rằng ở độ cao từ 9.000m đến 12.000m, áp suất khí quyển rất thấp, không đủ để con người có thể hô hấp bình thường. Do đó, máy bay thương mại phải sử dụng hệ thống điều áp để duy trì áp suất và nhiệt độ thích hợp trong khoang. Nếu hệ thống này trục trặc, buồng hành khách có thể bị "giảm áp suất đột ngột", đe dọa tính mạng hành khách.
Một cơ trưởng kỳ cựu được Jimu News trích lời cho biết: "Trong trường hợp mất áp, phi công buộc phải hạ độ cao xuống khoảng 3.000m trong thời gian ngắn nhất. Hệ thống cung cấp oxy dự phòng trên máy bay chỉ hoạt động trong khoảng 15-22 phút, vừa đủ để phi công đưa máy bay xuống độ cao có thể hô hấp bình thường".
Dư luận dấy lên lo ngại về dòng Boeing 737-800
Chiếc máy bay gặp sự cố lần này là một chiếc Boeing 737-800, có tuổi đời 7,2 năm, đã thực hiện 28 chuyến bay chỉ trong vòng 30 ngày gần nhất. Dòng 737-800 vốn được xem là một trong những mẫu máy bay phổ biến nhất thế giới với hơn 5.000 chiếc đang hoạt động toàn cầu, đặc biệt phổ biến trong các hãng hàng không giá rẻ.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, dòng máy bay này liên tục vướng vào các vụ việc liên quan đến mất áp suất, hạ cánh khẩn cấp và các vấn đề kỹ thuật khác, làm dấy lên không ít nghi ngại về mức độ an toàn.
Trước đó, nhiều hãng hàng không ở Mỹ và châu Á cũng từng ghi nhận sự cố tương tự, trong đó có các vụ mất áp suất khiến máy bay buộc phải hạ độ cao khẩn cấp, dù không gây thiệt hại về người.
Ngay sau sự cố, hãng Spring Airlines Japan đã đưa ra thông báo chính thức trên website ngày 1/7, xác nhận việc chuyến bay bị chuyển hướng do phát hiện bất thường trong hệ thống điều áp, đồng thời tuyên bố mở cuộc điều tra nội bộ để xác định nguyên nhân chính xác.
Hãng cũng tuyên bố bồi thường 15.000 Yen (tương đương gần 3 triệu đồng) chi phí di chuyển cho mỗi hành khách và hỗ trợ nơi nghỉ qua đêm tại Osaka.
Ngoài ra, do ảnh hưởng từ sự cố và lý do "điều phối năng lực vận hành", một loạt chuyến bay của Spring Japan đã bị hủy trong ngày 1 và 2/7, bao gồm các tuyến khứ hồi giữa Tokyo và Thượng Hải - một trong những đường bay quốc tế bận rộn nhất khu vực với hơn 20 lượt bay mỗi ngày.
Spring Airlines - công ty mẹ của Spring Japan - cũng đã lên tiếng khẳng định họ chỉ nắm giữ 33% cổ phần trong liên doanh và không trực tiếp tham gia vận hành hãng bay tại Nhật Bản. Phần lớn cổ phần còn lại thuộc Japan Airlines.
Vụ việc JL8696/IJ004 một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác kiểm tra, bảo trì định kỳ hệ thống điều áp và các bộ phận quan trọng của máy bay, đặc biệt là đối với các hãng hàng không giá rẻ thường có tần suất khai thác cao.
Dù không có thương vong hay tai nạn xảy ra, trải nghiệm đáng sợ trong chuyến bay lần này đã khiến nhiều người không khỏi rùng mình khi nghĩ đến viễn cảnh máy bay có thể mất kiểm soát chỉ trong vài phút nếu không được xử lý đúng lúc.
Sự việc cũng đặt ra yêu cầu ngày càng cao với các hãng hàng không trong việc đảm bảo an toàn kỹ thuật và huấn luyện phản ứng tình huống khẩn cấp cho phi hành đoàn - yếu tố then chốt giúp cứu vãn một chuyến bay khỏi thảm họa.
Hiện, cuộc điều tra về nguyên nhân trục trặc hệ thống điều áp trên chuyến bay JL8696/IJ004 vẫn đang được Cục Hàng không Nhật Bản và các bên liên quan tiến hành.