Mất trắng 200 triệu đồng vì cho em trai vay nợ bằng miệng

Chú tôi (em trai bố) vay của bác tôi (anh trai bố) 200 triệu đồng từ cách đây 10 năm để sửa nhà. "Giao dịch" cho vay và nhận tiền chỉ bằng miệng giữa chú và bác, không ai làm chứng, nên gần đây, bác tôi đòi tiền nhưng chú tôi không những không trả mà còn cãi ngược: "Tôi vay bác khi nào, ai làm chứng?".
Nghe vậy, bác tôi "nổi cơn tam bành", làm ầm ĩ khắp xóm làng lên. Hậu quả là hai bên gia đình nhà chú và bác cãi vã, chửi nhau, cuối cùng từ mặt nhau luôn vì không thể dàn xếp ổn thỏa. Chuyện cúng giỗ giờ cũng tách riêng, nhà ai nấy làm, xem như không còn quan hệ.
Rất nhiều người trong dòng họ, và cả hàng xóm "bênh" bác, nói bác "dại" khi cho vay mà không viết giấy tờ gì cả nên mới xảy ra nông nỗi vừa mất tiền vừa mất tình cảm anh em. Mọi người cũng quay ra quở trách chú tôi "ăn ở thất đức", chối bỏ nợ nần một cách trắng trợn, ăn chặn cả của anh trai mình mà không biết hổ thẹn với lương tâm...
Với riêng mình, tôi chỉ nghĩ rằng: "Tiền bạc bao nhiêu rồi cũng sẽ ăn tiêu hết và rồi cũng sẽ có thể làm ra thêm, nhưng tình cảm máu mủ ruột thịt một khi đã mất đi thì không bao giờ có thể lấy lại được. Nghĩ mà buồn cho gia đình bác và chú".
>> Anh em ruột cho tôi vay 16 triệu đồng nhưng đòi trả một cây vàng
Chuyện cho vay bằng miệng như trên thực tế có rất nhiều, bởi với những người thân quen, nhất là những người trong gia đình, dòng họ, bạn bè thân thiết..., người ta vẫn tin tưởng nhau là chính. Vậy nhưng, "lời nói gió bay", dẫn tới những câu chuyện tiền mất tật mang, dở khóc dở cười. Với những người đi vay có tâm, biết giữ chữ tín thì không nói làm gì, nhưng trên thực tế có không ít "con nợ" sống theo kiểu "Chí Phèo". Họ chỉ biết lúc đi vay thì ngon ngọt năn nỉ, còn sau đó phủi tay, không chịu trả, hoặc có trả thì cũng dây dưa, khất lần khất lượt, trả nợ nhát gừng.
Chẳng nói đâu xa, cô gái sống bên cạnh nhà tôi cũng cho một người bạn thân, học chung từ hồi ở quê vay nợ, có thỏa thuận bằng miệng. Số tiền khá lớn, khoảng 150 triệu đồng. Vì là chỗ thân tình, coi nhau như người trong nhà nên cô chẳng mảy may suy nghĩ, cứ thế giúp bạn hết mình. Sau 5 năm, cô gái nhiều lần đòi nợ, vậy nhưng người bạn thân kia cứ khất lần khất lượt. Mới đầu chỉ là cãi vã qua lại, sau đó căng thẳng leo thang, họ chửi nhau, thậm chí suýt đánh nhau... nhưng "con nợ" vẫn trây ỳ không chịu trả.
Người bạn kia còn cãi cùn theo kiểu chày cối: "Có vay đâu mà phải trả, bằng chứng đâu?". Cô hàng xóm nhà tôi nghe vậy, bực tức, uất ức mà không biết phải làm sao, chẳng biết đòi lại số tiền cho vay kia bằng cách nào, bởi giao dịch cho vay chỉ bằng miệng, không có giấy tờ ghi nợ nào, cũng như không có bất cứ ai làm chứng.
Và còn rất nhiều trường hợp vay nợ bằng miệng khác mà tôi không thể kể hết trong bài viết này. Nói vậy để thấy thực tế cho vay mượn mà không có giấy tờ chứng minh luôn rất rủi ro và phức tạp.
Chính vì vậy, để tránh những tình huống tương tự, khi cho vay mượn tiền bạc, ngoài việc bắt buộc phải có người làm chứng, thì dù thân thiết, ruột thịt cỡ nào, cũng cần lập văn bản ghi nhớ khoản vay để giúp bảo vệ quyền lợi của cả hai bên. Văn bản nên ghi rõ số tiền vay, thời hạn vay, lãi suất (nếu có) và chữ ký của các bên liên quan.
Bên cạnh đó, các chứng cứ hợp pháp như tin nhắn, email hoặc ghi âm cuộc nói chuyện về việc vay nợ cũng rất quan trọng. Đây là những chứng cứ giúp chứng minh khoản vay trong trường hợp xảy ra tranh chấp...
Trong cuộc sống hàng ngày mỗi chúng ta thường khó tránh khỏi việc đi vay khi những lúc rơi vào hoàn cảnh túng thiếu. Tôi không phản đối chuyện cho người thân, bạn bè vay mượn tiền bạc vì giúp nhau lúc khó khăn là việc nên làm. Có điều, lòng tốt phải đi kèm với kiến thức và hiểu biết. Đừng cho vay bằng miệng, "tin nhau là chính", không hề nghĩ tới những rủi ro, hậu quả có thể phát sinh ngoài ý muốn, để rồi nhận lấy trái đắng về sau mà chẳng biết kêu ai.
Nguyễn Gia Long