Nhảy đến nội dung
 

Mất tiền tỷ chuyển đất vườn sang đất ở: Mức thu cần linh hoạt, không quy định ‘cứng’

Liên quan đến tiền đất khi chuyển mục đích sử dụng, chuyên gia cho rằng, mức thu cần linh hoạt, không thể quy định một con số cố định. Không thể cào bằng, đưa ra một 'đôi giày' vừa cho tất cả.

“Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Điều 8 Nghị định 103/2024/NĐ-CP nhằm quy định cụ thể mức thu tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở trong một số trường hợp đặc thù. Cụ thể:

Chuyển mục đích từ đất nông nghiệp (đất vườn, ao) trong cùng thửa đất có nhà ở nhưng chưa được công nhận là đất ở, sang đất ở;

 Chuyển từ đất có nguồn gốc là đất vườn, ao gắn liền nhà ở, nhưng người sử dụng đất tách ra để chuyển quyền sử dụng đất hoặc do đơn vị đo đạc khi đo vẽ bản đồ địa chính từ trước ngày 1/7/2004 đã tự đo đạc tách thành các thửa riêng sang đất ở.

Chuyển từ đất được công nhận là đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có nhà ở theo quy định tại Luật Đất đai năm 2024 sang đất ở thì tiền sử dụng đất được tính bằng 30% mức chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở và tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tính theo giá đất nông nghiệp đối với diện tích đất trong hạn mức giao đất ở.

Đối với diện tích đất vượt hạn mức giao đất ở, được tính bằng 50% mức chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở và tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tính theo giá đất nông nghiệp.

Liên quan đến đề xuất sửa đổi này, chia sẻ với PV VietNamNet, TS. Trần Xuân Lượng, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam, bày tỏ sự ủng hộ việc Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 103.

Tuy nhiên, ông Lượng cho rằng các trường hợp trên thực sự chưa lấp đầy được khoảng trống trước các vấn đề thực tế của xã hội.

“Phương án mà Bộ Tài chính đưa ra chỉ giải quyết được bài toán trước mắt, chưa thể bao trùm toàn bộ các trường hợp trong thực tiễn. Điều gì không bao trùm được thực tiễn sẽ dẫn đến tình trạng đúng chỗ này, sai chỗ kia, tạo ra sự bất công trong xã hội.

Mức thu tiền sử dụng đất cần linh hoạt, không thể quy định 'cứng' một con số cố định vì có rất nhiều biến số cần thẩm định, đánh giá. Không thể cào bằng, lấy một ‘đôi giày’ dùng chung cho tất cả mà cần phải ‘đóng giày’ riêng theo từng hoàn cảnh cụ thể”, TS. Trần Xuân Lượng lưu ý.

Ông cũng nêu vấn đề, giá đất ở đang định giá tiệm cận thị trường, trong khi đất nông nghiệp lại gần như “đứng yên”, tạo ra một khoảng trống rất lớn, mà “thang đo” này lại áp cho tất cả các đối tượng thì rất bất công. 

“Chúng ta phải xét đến đối tượng, mục đích xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thời gian sử dụng, lịch sử hình thành đất... để đưa giải pháp tối ưu”, ông Lượng nhấn mạnh.

Theo Phó Viện trưởng, vấn đề này liên quan đến nhiều bộ, ngành, trong khi Nghị định 103 chỉ điều chỉnh ở góc độ tài chính và giá của Bộ Tài chính. Do đó, cần có sự phối hợp liên ngành để nghiên cứu, xây dựng tiêu chí đánh giá phù hợp, bao quát các vấn đề về giá đất.

Giá đất từ lâu đã là một trong những vấn đề phức tạp nhất, đòi hỏi phải có dữ liệu đầy đủ và minh bạch.

Theo kinh nghiệm quốc tế, để xác định giá đất, cần có hệ thống dữ liệu lịch sử giá qua nhiều năm. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi chính sách với nhiều lần điều chỉnh, Việt Nam vẫn chưa hình thành được cơ sở dữ liệu giá đất đầy đủ. Hiện nay, việc quản lý chủ yếu mang nặng tính hành chính, trong khi thiếu nền tảng dữ liệu cụ thể.

Ông Lượng cho rằng, cần phải mã số hóa và phân loại đầy đủ theo từng đối tượng. Thông tin về quyền sử dụng đất của từng cá nhân, tổ chức cần được mã định danh rõ ràng và chuyển thành dữ liệu số. Từ đó, mới ra được dữ liệu giá. Chỉ cần tra mã định danh, có thể biết mỗi người dân sở hữu bao nhiêu mét vuông đất ở, mua vào thời điểm nào, với giá bao nhiêu... Đây là cơ sở để đánh giá đúng đối tượng và xác định mức giá sát thực tế.

Ở nhiều nước, giá đất được cập nhật hàng năm và trở thành cơ sở quan trọng trong các chính sách thuế, chuyển đổi mục đích sử dụng, bồi thường. Do đó, Việt Nam cần sớm hoàn thiện hệ thống dữ liệu đất đai và dữ liệu giá đất, làm nền tảng để triển khai các chính sách liên quan một cách hiệu quả và minh bạch.

"Chúng ta cứ đưa ra chính sách thuế nhưng thiếu dữ liệu thì sẽ không sát thực tiễn, dẫn đến áp dụng sai. Điển hình là trường hợp một hộ dân ở Nghệ An phải nộp tới 4,5 tỷ đồng tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích cho 300m2", ông Lượng nói.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn