Mất sạch hàng trăm triệu đồng trong tài khoản sau một lần xác thực khuôn mặt

"Tôi mới bán cà phê, tính dành dụm chi tiêu hàng ngày, ai ngờ bị lừa mất, tôi và con buồn lắm", nạn nhân bị lừa đảo kể lại.
Công an tỉnh Gia Lai thông tin, chỉ tính năm 2024 và quý I năm 2025, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh đã tiếp nhận 125 tin báo tố giác của công dân trên địa bàn tỉnh, tố giác bị các đối tượng sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền hơn 55 tỷ đồng. Riêng trong quý I năm 2025, số tiền người dân bị lừa đảo là hơn 15 tỷ đồng.
Xác thực khuôn mặt qua Zalo - mất 126 triệu đồng trong tài khoản
Theo trình báo của ông R.C.R., trú tại xã Ia Kênh, TP. Pleiku, ngày 22/4 vừa qua, một người tự xưng là nhân viên điện lực liên hệ, hướng dẫn ông R. tải ứng dụng "Epoint" để liên kết thanh toán tiền điện qua tài khoản ngân hàng, tránh chậm trễ dẫn đến bị cắt điện.
Tưởng thật, ông R. tải ứng dụng này và cung cấp thông tin ngân hàng của con gái mình. Tiếp đó, đối tượng gửi mã QR qua tài khoản Zalo của con gái ông R. để quét và gọi video, hướng dẫn con gái ông R. áp sát khuôn mặt vào camera xác thực. Khi kiểm tra lại tài khoản ngân hàng, toàn bộ số tiền hơn 126 triệu đồng trong tài khoản của con gái ông đã bị rút sạch.
Ông R. buồn bã kể: "Tôi không có tài khoản ngân hàng nên thường gửi tiền cho con gái giữ hộ trên ngân hàng điện tử. Tôi mới bán cà phê, tính dành dụm chi tiêu hàng ngày, ai ngờ bị lừa mất, tôi và con buồn lắm. Chỉ mong Công an sớm bắt được kẻ lừa đảo để những người khác không bị chiếm đoạt tài sản như tôi".
Qua phân tích của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, 70% nạn nhân bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản công nghệ cao là phụ nữ; 66% các vụ việc xảy ra tại địa bàn TP. Pleiku; trên 90% bị hại bị dẫn dụ thông qua mạng xã hội facebook; tài khoản ngân hàng các đối tượng nhận tiền chiếm đoạt của bị hại có đến 80% là tài khoản đứng tên công ty, doanh nghiệp.
Do thường xuyên đặt hàng và thanh toán online, mới đây, một người phụ nữ ở TP. Pleiku bị đối tượng giả danh shipper lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hơn 161 triệu đồng.
Nạn nhân kể lại: "Lần đó tôi chuyển tiền thì shipper nhắn tin nói tôi đã chuyển tiền nhầm số tài khoản và gửi cho tôi một link facebook có tên "Bưu điện Việt Nam". Tôi nhắn tin cho trang Facebook đấy thì họ gửi thêm một đường link khác và gọi điện cho em hướng dẫn để lấy lại tiền. Sau khi chuyển tiền xong thì bên đó lại bảo là sai cú pháp, tôi chuyển lại nhiều lần, lúc biết bị lừa thì đã mất tiền rồi".
Người dân cần làm gì để tránh “bẫy lừa” trên không gian mạng?
Thượng tá Đinh Văn Sơn - Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Gia Lai cho biết: “Để tránh bị các đối tượng tiếp cận, lợi dụng để lừa đảo, Công an tỉnh đã tuyên truyền, cảnh báo và đề nghị người dân tuyệt đối không chia sẻ, cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng của mình và người thân cho người lạ; bình tĩnh khi nhận được các cuộc gọi tự xưng là cán bộ Công an, kiểm soát viên…
Không làm theo yêu cầu của các đối tượng, liên hệ với cán bộ Công an phường, xã để được tư vấn; không kết bạn và trao đổi thông tin với người lạ mà chưa xác định được danh tính; không nhận lời mời tham gia vào các hội nhóm mà không rõ tôn chỉ, mục đích; không truy cập, đăng nhập vào các đường dẫn, liên kết, website, ứng dụng hay mở tệp đính kèm đến từ người gửi không xác định, không rõ nguồn gốc...
Khi tương tác trên môi trường mạng, người dân cần trang bị cho mình các kỹ năng nhận biết, phát hiện, phòng tránh, xử lý và tự bảo vệ mình trước những nguy cơ, những “bẫy lừa” trên không gian mạng.