Nhảy đến nội dung

Mật nghị bầu giáo hoàng dài nhất trong lịch sử

Sau khi Giáo hoàng Clement IV qua đời ngày 29/11/1268, Giáo hội Công giáo triệu tập các hồng y tới thành Viterbo, miền trung Italy, để bầu chọn người kế nhiệm theo quy trình.

Tuy nhiên, trong suốt gần ba năm tiếp theo, chính xác là 1.006 ngày, các hồng y mới có thể chọn ra Giáo hoàng mới là Gregory X vào tháng 9/1271, biến đây trở thành hội nghị bầu giáo hoàng dài nhất trong lịch sử Giáo hội Công giáo.

Trong quá trình này, các hồng y không thể đi đến thống nhất do những chia rẽ bắt nguồn từ lòng trung thành của họ với những phe phái đối địch. Điều này càng trở nên phức tạp hơn do các mối quan hệ cá nhân và gia đình, khiến việc thỏa hiệp trong quyết định lựa chọn giáo hoàng trở nên cực kỳ khó khăn.

Cuộc bầu chọn kéo dài khiến dân chúng địa phương, những người vào thời điểm đó phải trả chi phí ăn ở cho các hồng y, phải dùng đến những biện pháp quyết liệt.

Người dân khóa trái căn phòng nơi các hồng y bỏ phiếu tại Cung điện Giáo hoàng ở Viterbo, khiến họ rơi vào cảnh bị "giam lỏng". Từ đây, thuật ngữ "mật nghị" (conclave) ra đời, bắt nguồn từ các tiếng Latin "cum" (với nhau) và "clavem" (chìa khóa).

Khi hội nghị tiếp tục kéo dài, người dân Viterbo quyết định hạn chế bữa ăn của các hồng y, chỉ cung cấp bánh mì và nước nhằm thúc đẩy họ tăng tốc. Khi cách làm này cũng không hiệu quả, họ bắt đầu tháo một phần mái của căn phòng lớn nơi các hồng y tập trung, khiến họ phải chịu nắng mưa.

"Các hồng y đã để lại cho chúng ta lời chứng rất quan trọng viết trên một mảnh da đề ngày 8/6/1270, trong đó ghi rằng họ bị nhốt bên trong một 'palazzo discoperto', tức cung điện không có mái che", nhà khảo cổ học Elena Cangiano cho hay.

Cangiano lưu ý theo những câu chuyện truyền miệng ở Viterbo, do mái nhà đã bị dỡ, để tránh mưa nắng, các hồng y đã phải dựng lều bên trong cung điện. "Điều đó được chứng minh bằng một số lỗ trên sàn cung điện, có thể do các cột dựng lều để lại", bà giải thích.

Sau khi chịu đựng những điều kiện khắc nghiệt này trong ba tuần, các hồng y được phép vào những căn phòng khác bên trong cung điện, nhưng vẫn không thể rời khỏi tòa nhà. Phải mất thêm 15 tháng nữa, họ mới thống nhất bầu ra Giáo hoàng Gregory X.

Đó là cuộc bầu chọn giáo hoàng dài nhất từ trước đến nay. Để tránh tình trạng tương tự xảy ra lần nữa, Giáo hoàng Gregory X đã ban hành một hiến pháp tông tòa mới, gọi là "Ubi Periculum", quy định chặt chẽ về quy trình các hồng y bầu người lãnh đạo mới của Giáo hội.

Đây là lý do mật nghị Viterbo được các nhà sử học xem như sự kiện đặt nền móng cho các cuộc bầu chọn giáo hoàng về sau. Các quy tắc và thông lệ được thiết lập vào thời điểm đó đã tạo cơ sở cho nhiều thủ tục mà những mật nghị bầu giáo hoàng hiện tại vẫn sử dụng.

Trong số các quy tắc mới, Giáo hoàng Gregorio X đã ra lệnh rằng các hồng y chỉ được cung cấp "một bữa ăn mỗi ngày" trong quá trình tham gia mật nghị, rồi sau đó chỉ còn bánh mì, nước và rượu, để thúc đẩy việc đưa ra quyết định nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, Giáo hoàng Adrian V vào năm 1276 đã bãi bỏ quy tắc này.

Cristina Giusio, du khách đến từ miền bắc Italy, cho biết cô đặc biệt hứng thú với lịch sử về mật nghị Viterbo sau chuyến tham quan Cung điện Giáo hoàng. "Thật tuyệt vời. Tôi không biết rằng mật nghị đầu tiên diễn ra ở đây, vì vậy, với tôi, đó là một bất ngờ", cô nói.

Những chuyên gia về lịch sử Vatican nhấn mạnh các mật nghị hiện đại vẫn có một số đặc điểm chính giống như mật nghị Viterbo. Di sản của Viterbo có thể một lần nữa đóng vai trò quan trọng đối với mật nghị sẽ bắt đầu vào ngày 7/5 tới đây tại Nhà nguyện Sistine ở Rome nhằm bầu ra người kế nhiệm Giáo hoàng Francis.

"Thời gian sẽ là yếu tố gần như chắc chắn được tôn trọng, nhờ tất cả những gì đã xảy ra ở Viterbo", nhà khảo cổ học Cangiano nói. "Trong những lần bầu giáo hoàng gần đây, các hồng y thường không mất quá nhiều thời gian để chọn người lãnh đạo mới".

Vũ Hoàng (Theo AP, Reuters)