Mất cân bằng giới tính tại Việt Nam ngày càng nghiêm trọng

"Như vậy, một trong những giải pháp để cải thiện tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là nghiên cứu thực hiện các chính sách tập trung nhiều hơn ở khu vực phía Bắc, thay vì đầu tư diện rộng trên khắp cả nước", Cục thống kê khuyến cáo.
Bác sĩ Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Truyền thông - Giáo dục, Tổng Cục Dân số, nay là Cục Dân số (Bộ Y tế), cho hay nhiều người Việt vẫn mang tâm lý chuộng con trai trong bối cảnh mức sinh giảm mạnh, hiện chỉ còn 1,91 con/phụ nữ trong khi con số lý tưởng là 2,1. Nhiều gia đình, khi chỉ sinh một con, đã tìm mọi cách để lựa chọn giới tính thai nhi.
Ngoài ra, văn hóa Nho giáo với quan niệm cần con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, cùng sự đánh giá thấp vai trò của nữ giới trong gia đình, xã hội, càng làm gia tăng chênh lệch giới tính. Việc tiếp cận dễ dàng các dịch vụ y tế để chẩn đoán hoặc lựa chọn giới tính thai nhi cũng dẫn đến tình trạng nạo phá thai vì lý do giới tính.
Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn, tại lễ phát động Tháng hành động Quốc gia về Dân số năm 2024, cảnh báo Việt Nam đang đối mặt với tình trạng "giảm sinh, thừa nam thiếu nữ". Nếu mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục ở mức cao, đến năm 2034, Việt Nam sẽ thừa 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi 15-49, con số này sẽ tăng lên 1,8 triệu vào năm 2059.
Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam đặt mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, dưới 109 bé trai/100 bé gái vào năm 2030. Các chuyên gia nhấn mạnh cần thay đổi nhận thức và hành vi của người dân, khuyến khích sinh con theo quy luật tự nhiên. Đồng thời, cần xây dựng chính sách hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng, xã hội.
Bên cạnh đó, cần thực thi nghiêm các quy định pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, đồng thời khuyến khích sinh hai con, đặc biệt là bé gái, để cân bằng tỷ lệ giới tính.
Lê Nga