Màn kịch 'sầu riêng giá rẻ' khiến tôi mất oan 100.000 đồng

Chiều qua, khi đi làm về qua một con đường ven thành phố, tôi thấy có sạp bán sầu riêng ở lề đường khá đông khách ghé mua. Nhìn tấm bìa carton có ghi giá bán 1 kg sầu riêng chỉ 50.000 đồng, tôi hơi giật mình vì giá hiện tại của loại trái cây này đang ở mức từ 70.000 - 90.000 đồng, tùy loại. Thậm chí, các sạp trái cây lớn thường bán giá cao tới 100.000 - 130.000 đồng.
Tò mò vì mức giá bán quá rẻ tại đây, tôi ghé vào xem. Nhìn những trái sầu riêng căng tròn, có vẻ rất ngon mắt nên tôi cũng lựa mua hai trái. Khi tôi thắc mắc " sao ở đây lại có giá mềm vậy?", người bán trả lời rằng: "Do nhập được nguồn hàng rẻ, bán lời ít cho nhanh hết". Nghe cách giải thích của chị bán hàng khá hợp lý, tôi chấp nhận cứ mua liều. Không chỉ riêng tôi, nhiều người khác cũng mua mỗi người 2-3 trái, thậm chí có người mua hẳn 5 trái.
Sau một hồi cân đo, người bán hàng đưa cho tôi chiếc túi đựng hai trái sầu riêng và báo giá 370.000 đồng cho 7,4kg. Cầm bịch sầu riêng, tôi có chút hoài nghi vì thấy quả không quá to, cầm cũng không nặng tay tới vậy nên có hỏi lại: "Liệu có cân đủ không?". Người bán liến thoắng đáp: "Rẻ thì nài nỉ, chứ không ai cân thiếu, cân điêu đâu! Chị cứ đi cân thử đi, thiếu 1 đền 10". Tất nhiên, tôi làm gì có cân mà đối chứng, nên nghĩ bụng "đã mua giá rẻ thì lệch một chút cũng đành chịu, tin nhau là chính".
>> Cú lừa của gã khách 'sộp' khiến bà chủ tiệm sững sờ
Khi về tới nhà, tôi đặt thử hai trái sầu riêng lên chiếc cân đĩa trong nhà bếp. Kết quả hiển thị là đúng 5,4 kg, nghĩa là hao hụt tới 2 kg trọng lượng so với người bán thông báo. Lúc này, sự nghi ngờ bị cân thiếu của tôi đã đúng. Tôi vô cùng bực bội, bởi cảm giác như mình vừa bị lừa một cách trắng trợn. Với 2 kg sầu riêng bị cân thiếu, tự nhiên tôi mất khoảng hơn 100.000 đồng. Như vậy, chẳng khác nào tôi mua sầu riêng với giá bình thường 70.000-80.000 đồng một kg như bao chỗ khác.
Thực ra đây không phải là lần đầu tôi bị cân thiếu. Cách đây mấy tháng, khi mua xoài bên lề đường, tôi cũng từng bị người bán cân thiếu từ 1 kg chỉ còn có 700 g. Do tin tưởng, không cân thử lại để đối chiếu, nên tôi từ mua giá rẻ thành giá cao. Người bán hàng rong bên lề đường cũng lợi dụng tâm lý chủ quan này mà thả sức cân điêu, cân thiếu nhằm lừa người mua.
Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần phải vào cuộc, thường xuyên kiểm tra vật dụng đo lường của những người kinh doanh buôn bán ở lề đường (kể cả trong các chợ truyền thống). Nếu phát hiện người bán chỉnh sửa cân để cố tình làm sai, cân thiếu cho khách hàng thì cần phải phạt thật nặng. Có như vậy thì tình trạng cân điêu, cân thiếu mới giảm, người tiêu dùng mới không bị thiệt thòi.
Nguyễn Gia Long