Nhảy đến nội dung
 

Mái đá Ngườm - nơi sử dụng lửa và chế tác công cụ đá sớm nhất Đông Nam Á

Công bố mới về mái đá Ngườm (Thái Nguyên) cho thấy vị trí đặc biệt của địa điểm này trong dòng chảy lịch sử Đông Nam Á.

Sử dụng lửa, chế tác công cụ đá sớm nhất

Cuộc khai quật năm 2025 của Viện Khảo cổ học đã mang đến nhận thức rất mới về cấu trúc địa tầng của di chỉ mái đá Ngườm (xã Thần Xa, tỉnh Thái Nguyên). Nếu như các cuộc khai quật trước đó chỉ xác định được từ 3 - 6 lớp văn hóa thì ở cuộc khai quật mới, tổng số lớp văn hóa lên tới 10. Thêm vào đó, quá trình khai quật phát hiện các công cụ đá và mảnh tước cùng với di cốt động vật.

Theo TS Phạm Thanh Sơn, người phụ trách khai quật, lớp văn hóa LX có trầm tích màu đỏ cam, chứa các hạch đá vôi đa dạng về kích thước. Trầm tích này cũng chứa nhiều công cụ mảnh, mảnh tước, công cụ hạch, hạch đá nguyên liệu, xương động vật và vỏ nhuyễn thể nước ngọt. "Đặc biệt, đã phát hiện một số mẫu than tro cùng với vài mảnh xương cháy. Diễn biến như vậy tương tự các kết quả nghiên cứu từ cuộc khai quật năm 2024. Đây có thể là các bằng chứng rõ nhất về sự xuất hiện của lửa lần đầu tiên trong giai đoạn trung kỳ Đá cũ ở VN với niên đại từ 124.500 tới 100.000 năm cách ngày nay", TS Sơn cho biết.

Theo nhóm nghiên cứu, nhiều mảnh xương cháy, mẫu nhuyễn thể hai mảnh vỏ là loài sống ở sông suối, một số mẫu than và số lượng đáng kể công cụ đá là dấu tích minh chứng trực tiếp cho sự có mặt của con người. Đồng thời đây cũng là bằng chứng cho thấy lửa đã được sử dụng tại mái đá Ngườm từ những thời điểm cách ngày nay trên 100.000 năm.

Nhiều hạt quả của cây cơm nguội cũng được phát hiện trong lần khai quật năm 2025. Theo Viện Khảo cổ học: "Đây có thể là bằng chứng rõ nhất về hành vi tìm kiếm và tiêu thụ hạt quả thực vật lần đầu tiên được ghi nhận ở nước ta trong một di chỉ có niên đại trên 124.500 năm cách ngày nay. Trong tình hình tư liệu hiện nay, Ngườm cũng là nơi ghi nhận bằng chứng sử dụng lửa sớm nhất ở VN và toàn bộ khu vực Đông Nam Á".

Bên cạnh đó, nhóm khai quật cũng đưa ra giả thuyết niên đại cư trú sớm nhất tại Ngườm chắc chắn hơn 124.590 năm. Niên đại dự đoán có thể từ 140.000 tới 150.000 năm. Và cho đến nay, với tuổi tuyệt đối chưa phải thuộc mức sâu nhất trong diễn biến của tầng văn hóa tại mái đá Ngườm, chúng ta có thể khẳng định đây là loại hình di tích hang động/mái đá đầu tiên ghi nhận các bằng chứng về quá trình chế tác, sử dụng công cụ đá sớm nhất trên toàn lãnh thổ VN và khu vực Đông Nam Á lục địa. Đây cũng là di chỉ thứ hai có niên đại tuyệt đối trên 130.000 năm ở toàn bộ khu vực Đông Nam Á.

Khả năng trở thành di sản UNESCO

PGS-TS Bùi Văn Liêm, Phó chủ tịch Hội Khảo cổ, đánh giá cao những nghiên cứu ở mái đá Ngườm. Theo ông, đây là cuộc khai quật lớn, sử dụng nhiều kỹ thuật nghiên cứu hiện đại.

Về kết quả nghiên cứu, TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết bảo tàng sẽ tiếp cận và từ đó có thể điều chỉnh nội dung trưng bày về mái đá Ngườm về niên đại, loại hình di vật đá cùng di tích động thực vật phát hiện từ cuộc khai quật 2024 - 2025. Theo đó, niên đại cư trú cổ nhất trước đây chỉ xác định là 23.000 năm thì nay đã có thể lên tới trên 125.000 năm. "Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ tiếp cận kết quả nghiên cứu mới để điều chỉnh trưng bày", TS Đoàn cho biết.

Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Khắc Sử (Viện Khảo cổ học) cho rằng đây là một di tích điển hình của Đông Nam Á lục địa, xứng đáng trở thành di tích quốc gia đặc biệt. Đây cũng là lý do nhóm nghiên cứu đề xuất làm hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt cho di tích này. Theo PGS-TS Nguyễn Khắc Sử, chúng ta có thể nghĩ đến việc làm hồ sơ di sản UNESCO cho mái đá Ngườm. Trước đây, ông Sử thuộc nhóm chuyên gia đã làm hồ sơ UNESCO cho di sản hỗn hợp Tràng An.

Nghiên cứu của Viện Khảo cổ học cũng cảnh báo về sự an toàn của di tích. Theo đó, mái đá Ngườm là địa điểm không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà những giá trị của nó còn mang tầm châu lục, là trung tâm lớn về tiến hóa người và kỹ năng kỹ nghệ đồ đá ở Đông Nam Á, nên việc bảo vệ hiện trạng di tích mang tính cấp bách. Hiện nay, bên cạnh việc thiếu sự giám sát, kiểm tra thì tình trạng khách du lịch đến tham quan di tích thường di chuyển xuống hố khai quật, thắp hương không đúng nơi quy định sẽ khiến cảnh quan di tích mất đi vẻ đẹp tự nhiên. Do vậy, trước mắt, các cơ quan quản lý cần dựng thêm bảng chỉ dẫn để giới thiệu về giá trị của di tích, đồng thời có hướng dẫn cụ thể để tránh những tác động và xâm hại không mong muốn.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn