Mã vùng điện thoại cố định tạm thời áp dụng theo mã tỉnh, thành cũ

Đại diện Cục Viễn thông cho biết, trong khi chờ quy hoạch mã vùng điện thoại mới sau khi sáp nhập các tỉnh, thành thì khách hàng tạm thời sử dụng song song các mã vùng điện thoại cố định của các tỉnh, thành phố như trước ngày 1/7.
Đại diện Cục Viễn thông cho biết, để đảm bảo hoạt động cho thuê bao điện thoại cố định khi có sự sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, Bộ KH&CN đã đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại trên mạng viễn thông cố định mặt đất, di động mặt đất thực hiện kể từ ngày 1/7.
Cụ thể mã vùng điện thoại cố định của 11 tỉnh, thành phố không có sự biến động, bao gồm TP Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Lại Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Quảng Ninh, Sơn La giữ nguyên hoạt động theo quy về định tuyến, nguyên tắc quay số, khai báo tính cước...
Mã vùng điện thoại cố định của 23 tỉnh, thành phố mới được sắp xếp từ 2 tỉnh/thành phố trở lên bao gồm Tuyên Quang, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đăk Lắk, TP HCM, Đồng Nai, Tây Ninh, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau, An Giang sẽ tạm thời sử dụng song song các mã vùng điện thoại cố định của các tỉnh/thành phố được sắp xếp.
Ví dụ tỉnh Tuyên Quang mới được sắp xếp từ tỉnh Tuyên Quang (mã vùng 207) và tỉnh Hà Giang (mã vùng 219) thì được sử dụng song song mã vùng 207 và mã vùng 219 theo quy định pháp luật hiện hành cho đến khi có thông báo mới của Bộ KH&CN.
Bộ KH&CN yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông áp dụng nguyên tắc quay số trực tiếp đối với thuê bao điện thoại cố định cùng mã vùng và quay mã vùng đối với số thuê bao điện thoại khác mã vùng trong cùng 1 tỉnh, thành phố.
Các doanh nghiệp viễn thông áp dụng mức cước nội hạt cho các thuê bao cùng mã vùng và thuê bao khác mã vùng trong 1 tỉnh, thành phố mới.
Trường hợp thuê bao điện thoại cố định thuộc tỉnh, thành phố mới quay số tới thuê bao thuộc tỉnh/thành phố khác và ngược lại thì quay mã vùng và áp dụng mức cước liên tỉnh theo quy định pháp luật hiện hành.
Ví dụ, tỉnh Tuyên Quang mới (bao gồm 2 mã vùng 207 và 219) thì thuê bao cùng mã vùng 207 hoặc mã vùng 219 được quay số trực tiếp và áp dụng mức cước nội hạt.
Thuê bao thuộc mã vùng 207 quay mã vùng khi quay số tới thuê bao thuộc mã vùng 219 hoặc ngược lại và áp dụng mức cước nội hạt.
Thuê bao thuộc mã vùng 207 hoặc mã vùng 219 quay mã vùng khi quay số tới thuê bao thuộc mã vùng của tỉnh/thành phố khác (hoặc ngược lại) và áp dụng mức cước liên tỉnh.
Bộ KH&CN cũng đề nghị các doanh nghiệp viễn thông chủ động tuyên truyền khách hàng của mình, đồng thời lưu ý trong quá trình cung cấp dịch vụ, phát triển thuê bao mới cần theo định hướng quy hoạch mã vùng điện thoại cố định.
Hiện VNPT đang là nhà cung cấp dịch vụ điện thoại cố định có thị phần lớn nhất. Hồi năm 2015, Bộ TT&TT (nay là Bộ KH&CN) đã thực hiện đổi mã vùng điện thoại.
Lý giải về việc quy hoạch này, Bộ TT&TT cho biết, theo thống kê, trong những năm vừa qua số lượng thuê bao điện thoại di động ngày càng tăng, ngược lại số lượng thuê bao điện thoại cố định ngày càng giảm.
Theo quy hoạch cũ thì số đầu mã làm mã vùng cho mạng cố định là 7 và làm mã mạng cho mạng di động là 2. Điều này bộc lộ sự thiếu hiệu quả trong quy hoạch, sử dụng kho số giữa mạng cố định và mạng di động.
Về lâu dài, với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường viễn thông di động sẽ dẫn đến thiếu số cho di động trong khi thừa số cho cố định. Vì vậy, việc quy hoạch này sẽ dành được đầu số để phát triển dịch vụ di động.