Nhảy đến nội dung
 

Lý giải việc "một số chức danh lãnh đạo Nhà nước phải tuyên thệ hai lần"

(Dân trí) - Do nhiệm kỳ Quốc hội cách xa thời gian Đại hội Đảng nên Quốc hội thường tiến hành kỳ họp để kiện toàn các chức danh Nhà nước trước. Sau bầu cử, Quốc hội khóa mới lại tiến hành bầu các chức danh này.

Đây là công việc được thực hiện trong một số nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, song theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XVI sẽ tiến hành bầu cử Quốc hội sớm hơn để một chức danh lãnh đạo không phải tuyên thệ đến hai lần.

Tại phiên thảo luận tổ sáng 5/5 về đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh việc sửa đổi Hiến pháp lần này đã được Bộ Chính trị và Trung ương thảo luận rất kỹ, để phục vụ chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy.

Ông Mẫn cho biết trong giai đoạn 1 của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, Quốc hội đã sửa Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Quốc hội đồng thời ban hành 11 nghị quyết, trong đó có 4 nghị quyết liên quan tới công tác tổ chức, tinh gọn bộ máy của các ban đảng, Chính phủ, Quốc hội và các địa phương.

Ở giai đoạn 2, Quốc hội tiếp tục thảo luận việc sắp xếp tinh gọn bộ máy ở các địa phương. Ông Mẫn cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và cho ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã từ 10.035 xã xuống còn khoảng 3.320 xã.

Liên quan tới việc sáp nhập cấp tỉnh, dự kiến ngày 16/5, Chính phủ sẽ trình Quốc hội về vấn đề này. Sau đó Quốc hội sẽ thảo luận và dự kiến ngày 24/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua. Nếu được chấp thuận, cả nước sẽ còn 34 tỉnh, thành sau sắp xếp, theo lời Chủ tịch Quốc hội.

Với việc sửa Hiến pháp, ông cho biết nếu được Quốc hội thông qua, những nội dung được sửa đổi, bổ sung sẽ có hiệu lực ngay. Sau khi Bộ Chính trị cho ý kiến, trong khoảng 1,5 tháng, dự kiến đầu tháng 7 sẽ kết thúc hoạt động của cấp huyện.

Khi đó, theo ông Mẫn, chức năng và nhiệm vụ của huyện sẽ chuyển xuống cấp xã hoặc lên tỉnh.

Khi chỉ còn chính quyền địa phương hai cấp, các địa phương sẽ tiến hành đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV (dự kiến được tổ chức vào khoảng tháng 1/2026). 

Ông Mẫn nêu thực tế trong một số nhiệm kỳ gần đây, do nhiệm kỳ Quốc hội cách xa thời gian Đại hội Đảng nên sau Đại hội Đảng, Quốc hội thường tiến hành kỳ họp bất thường để kiện toàn các chức danh Nhà nước. Sau bầu cử, Quốc hội khóa mới lại tiến hành bầu các chức danh lãnh đạo Nhà nước.

"Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, một số chức danh lãnh đạo Nhà nước phải tuyên thệ đến hai lần", Chủ tịch Quốc hội nói.

Vì thế, lần này, ông cho biết Bộ Chính trị và Trung ương đã quyết định sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV sẽ tiến hành bầu cử Quốc hội khóa XVI và HĐND các cấp. Ngày bầu cử Quốc hội sẽ do Quốc hội quyết định, dự kiến ngày 15/3/2026. Phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa XVI dự kiến là ngày 6/4/2026.