Lý do cầu ở TP.HCM lún đường dẫn khi vừa đưa vào khai thác
Cầu Tăng Long (TP Thủ Đức) mới hoàn thành một nhánh nên chỉ có một taluy cố định, nhánh còn lại đang thi công nên phải sử dụng rọ đá tạm thay thế taluy, dẫn đến tình trạng hằn lún.
![]() |
Dự án cầu Tăng Long đã hoàn thành một nhánh cầu, nhánh còn lại đang được triển khai thi công. Ảnh: Hữu Huy. |
Cuối tháng 2 năm nay, dự án cầu Tăng Long trên đường Lã Xuân Oai, phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức (TP.HCM) đã chính thức tổ chức lưu thông một nhánh (nhánh trái) để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, sau vài tháng phục vụ giao thông, mặt đường dẫn lên nhánh cầu này có dấu hiệu bị hằn lún cục bộ.
Về sự cố này, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông, chủ đầu tư) cho biết, công trình xây dựng cầu Tăng Long có hai đơn nguyên, gồm: đơn nguyên trái (nhánh trái) phục vụ hướng lưu thông từ đường Lò Lu đến đường D2 (Lã Xuân Oai), đơn nguyên phải (nhánh phải) phục vụ hướng ngược lại.
![]() |
Vị trí xảy ra tình trạng hằn lún đang được khắc phục. Ảnh: Hữu Huy. |
Công trình được chia làm 3 giai đoạn thi công, gồm: thi công nhánh trái và thông xe tạm; thi công nhánh phải, tiếp tục quan trắc nhánh trái và cuối cùng là hoàn thiện toàn bộ công trình, nghiệm thu và thông xe chính thức toàn bộ công trình.
Qua quan trắc, các đơn vị xác định tại đường dẫn cầu Tăng Long, phía mố A1T xuất hiện đoạn hằn lún cục bộ với kích thước 1,4 m x 35 m, cách dải phân cách giữa 1,2 m với tổng diện tích khoảng 49 m². Ngoài ra, tại vị trí mặt ngoài khe co giãn giữa gờ chắn lan can và tường chắn đầu cầu có xuất hiện vết nứt dọc khe.
![]() |
Hiện khu vực cầu Tăng Long mới hoàn thành một nhánh cầu nên chỉ có một taluy cố định, nhánh còn lại đang thi công nên phải sử dụng rọ đá tạm thay thế taluy. |
Nguyên nhân chính được xác định là do quá trình thi công chia làm hai giai đoạn để duy trì giao thông liên tục. Giai đoạn đầu chỉ thi công nhánh trái và xây tường chắn bên mép trái đường dẫn. Phía còn lại do tiếp giáp nhánh phải (đang thi công) nên không thể xây tường chắn, buộc phải gia cố tạm bằng rọ đá ở những đoạn có cao độ đắp trên 2 m và tạo mái dốc tạm bằng cấp phối đá dăm ở những đoạn đắp thấp hơn.
Tác động của tải trọng giao thông khiến nền cấp phối có hiện tượng chuyển vị về phía taluy phải, dẫn đến hằn lún cục bộ mặt đường. Riêng làn đường phía trái có tường chắn bê tông nên không xảy ra hiện tượng này.
![]() |
Một vị trí hằn lún đã được khắc phục. Ảnh: Hữu Huy. |
Về vết nứt bê tông, Ban Giao thông cho biết đây là vết nứt cục bộ do co ngót lớp bê tông dư dày khoảng 3 cm, hình thành trong quá trình đổ bê tông khe co giãn. Vết nứt không ảnh hưởng đến kết cấu và khả năng chịu lực của công trình.
Để khắc phục, chủ đầu tư cho biết khu vực lún sẽ được đổ đá dăm, lu lèn phía vai đường để tăng cường độ ổn định. Mặt đường sẽ được cào bóc lớp bê tông nhựa, bù phần nền đá cấp phối bị xê dịch, sau đó thảm lại. Vết nứt sẽ được cắt thẳng, loại bỏ phần bê tông thừa, xử lý bề mặt đảm bảo mỹ quan. Dự kiến, việc sửa chữa hoàn tất trước ngày 20/5.
![]() |
Nhánh phải của cầu Tăng Long đang trong giai đoạn thi công. Ảnh: Hữu Huy. |
Ban Giao thông khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi, quan trắc trong quá trình thi công nhánh cầu còn lại và phấn đấu hoàn thành, thông xe toàn bộ cầu Tăng Long trước Tết Nguyên đán 2026.
Đại diện tư vấn giám sát dự án cầu Tăng Long cho biết, hiện tượng hằn lún cục bộ đã được lường trước và không gây mất an toàn.
Dự án cầu Tăng Long nằm trên đường Lã Xuân Oai kết nối hai phường Long Trường và Trường Thạnh (TP Thủ Đức) nhằm thay thế cầu cũ đã xuống cấp, giải quyết ùn tắc và tăng cường kết nối khu Đông TP.HCM với Đồng Nai.
Dự án có tổng chiều dài khoảng 800 m, gồm cầu dài 231 m (2 đơn nguyên, mỗi đơn nguyên rộng 15 m) và đường dẫn hai đầu cầu dài gần 600 m, mở rộng đường Lã Xuân Oai lên 30 m với 6 làn xe. Tổng vốn đầu tư hơn 740 tỷ đồng từ ngân sách TP.HCM. Tính đến nay, đơn nguyên trái (nhánh trái) đã hoàn thành và thông xe tạm từ cuối tháng 2. Đơn nguyên phải (nhánh phải) đang được thi công, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Công trình có vai trò quan trọng trong kết nối hạ tầng, phát triển đô thị phía Đông TP.HCM và giảm tải cho các tuyến đường như Nguyễn Duy Trinh. Sau khi hoàn tất, công trình sẽ góp phần thay đổi diện mạo giao thông của khu vực. Sách hay về TP.HCM Chuyện kể từ Sài Gòn gồm 65 tản văn viết về những địa danh hoặc công trình kiến trúc của Sài Gòn mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy.
Loanh quanh Sài Gòn là cuốn sách đọc nhẹ nhàng mà chứa đựng nhiều thông tin thú vị, độc giả được ngược dòng thời gian về với miền ký ức qua những câu chuyện độc đáo, có điểm nhấn riêng.