Lực lượng người Kurd PKK thông báo giải thể

Tổ chức đảng Công nhân người Kurd (PKK) thông báo giải thể và chấm dứt hơn 4 thập niên chống lại nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ.
"Đại hội lần 12 của PKK đã quyết định giải thể cơ cấu tổ chức của PKK và chấm dứt phương thức đấu tranh vũ trang", PKK thông báo trong tuyên bố ngày 12.5 sau khi tổ chức đại hội vào tuần trước tại miền bắc Iraq, theo AFP.
Quyết định được đưa ra theo lời kêu gọi của ông Abdullah Ocalan, thủ lĩnh PKK, hồi tháng 2. Khi đó, ông Ocalan kêu gọi PKK tổ chức đại hội để chính thức ra quyết định từ bỏ vũ khí và giải thể. Vài ngày sau, giới lãnh đạo PKK chấp thuận lời kêu gọi và tuyên bố ngừng bắn.
PKK được thành lập vào năm 1984 nhằm chống nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ, thành lập một nhà nước riêng của người Kurd tại đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Sau này, tổ chức chính thức từ bỏ mục tiêu ly khai nhưng kêu gọi quyền tự trị lớn hơn. Người Kurd chiếm khoảng 20% của tổng số 85 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong hơn 4 thập niên qua, tổ chức này và Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên xung đột vũ trang. PKK cũng liên kết với các nhóm người Kurd khác tại Iran, Iraq và Syria. YPG, nhóm người Kurd đóng vai trò nòng cốt trong liên minh Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF), bị cho là một phần của PKK. SDF là đối tác của Mỹ, đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ, trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria.
Ông Abdullah Ocalan (75 tuổi) là một trong những thành viên sáng lập PKK. Ông bị giam vào năm 1999 tại đảo Imrali ngoài khơi thành phố Istanbul vì tội phản quốc. Dù bị giam nhưng ông vẫn giữ tầm ảnh hưởng lớn đối với PKK và giới lãnh đạo tổ chức được cho là sẽ nghe theo lời kêu gọi của ông, theo Al-Jazeera.
Trong bài phát biểu cuối tuần qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hé lộ rằng PKK có thể sớm giải thể. Chính quyền Ankara chưa bình luận về diễn biến mới. Tuy nhiên, một người phát ngôn của đảng AK cầm quyền cho rằng quyết định của PKK là một bước quan trọng tiến tới một nước Thổ Nhĩ Kỳ "không có khủng bố", theo Reuters. Vị này cho rằng việc thi hành đầy đủ quyết định sẽ là một bước ngoặt và quá trình giải thể sẽ được nhà nước theo dõi sát sao.