Lực lượng chiến lược kiến tạo tương lai đất nước

Chiều 20.7, Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 6, với chủ đề "Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu góp sức cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới" đã họp phiên bế mạc.
Tham dự chương trình có ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban Chính sách chiến lược T.Ư; anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam.
Từ trí tuệ đến hành động
Diễn đàn năm nay quy tụ 201 đại biểu chính thức, cùng 15 chuyên gia trong Hội đồng tư vấn khoa học - những người Việt trẻ đang công tác, giảng dạy và nghiên cứu tại các trung tâm khoa học hàng đầu thế giới. Họ gặp nhau không chỉ để kể chuyện thành công, mà để cùng tìm câu trả lời cho một câu hỏi lớn: "Chúng ta có thể làm gì cho đất nước trong thời đại này?".
Tại diễn đàn, các đại biểu đã chia thành 4 nhóm thảo luận chuyên đề xoay quanh những trục lớn của thời đại: chuyển đổi xanh, an ninh năng lượng, lương thực, công nghệ tiên tiến và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Những chủ đề tưởng chừng chuyên sâu, hàn lâm, lại được tiếp cận bằng góc nhìn rất "đời", gần gũi, gắn với thực tiễn Việt Nam và mang tinh thần chủ động phụng sự.
Điều đặc biệt được ghi nhận là tinh thần nghiêm túc, khiêm tốn và trách nhiệm của mỗi đại biểu. Nhiều người bước ra khỏi phạm vi chuyên môn để cùng suy nghĩ về "hệ sinh thái đổi mới sáng tạo", "chuyển đổi số giáo dục" hay "tương lai nông nghiệp bền vững", những vấn đề không còn xa lạ mà đang rất cần những cái nhìn mới từ lớp trí thức trẻ.
Gỡ rào cản để phát triển kinh tế
Tại các nhóm thảo luận, các trí thức trẻ đã đưa ra những giải pháp để phát triển kinh tế xanh và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tiến sĩ Đinh Hùng Cường (Viện Hóa học nước biển, Nhật Bản) cho rằng khó khăn lớn nhất trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu ở Việt Nam không phải là thiếu tiền mà là thiếu cơ chế phù hợp. Anh dẫn chứng trường hợp một nghiên cứu của nhóm mình đã có thương phẩm từ năm 2018, nhưng đến năm 2025 vẫn trong tình trạng "thử nghiệm" vì vướng thủ tục hành chính.
Một điểm nghẽn khác là thiếu hệ sinh thái hỗ trợ: không có nhà máy OEM, nhóm nghiên cứu phải tự làm mẫu thử, đội chi phí lên cao. Từ kinh nghiệm làm việc tại Nhật, tiến sĩ Cường đề xuất mô hình "khất nợ tài chính" trong nghiên cứu và phát triển (R&D), cho phép nhà khoa học tập trung nghiên cứu mà không bị áp lực về chi phí ngay lập tức. "Không cần phải có quá nhiều tiền, chúng ta vẫn có thể nghiên cứu được. Vấn đề không nằm ở kinh phí, mà nằm ở cơ chế", anh Cường chia sẻ.
Với góc nhìn từ ngành công nghệ sinh học và kinh tế tuần hoàn, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Trinh (Đại học Deakin, Úc) khẳng định Việt Nam đang có lợi thế lớn nhưng chưa được khai thác đúng mức, đó là nguồn phụ phẩm nông nghiệp, thủy sản rất dồi dào. Anh nhấn mạnh: "Nếu không xử lý đúng cách sẽ gây hại môi trường. Nhưng nếu tận dụng tốt, đó là nguyên liệu quý cho các ngành thực phẩm, mỹ phẩm, dược liệu".
Từ kinh nghiệm tại Úc, anh đề xuất Việt Nam xây dựng mô hình trung tâm R&D có sự cùng đầu tư của Nhà nước và doanh nghiệp, giúp sản phẩm vừa được phát triển, vừa được kiểm chứng thị trường ngay trong quá trình nghiên cứu. Tiến sĩ Trinh nhận định: "Thay vì chạy theo xu hướng công nghệ mới, Việt Nam nên tập trung vào thế mạnh sẵn có để đi đầu trong kinh tế sinh học tuần hoàn".
Cơ hội lớn ở 3 lĩnh vực AI trọng tâm
Thảo luận về chủ đề "Ứng dụng AI và các công nghệ mới để nâng cao hiệu suất lao động", PGS Hồ Phạm Minh Nhật, ĐH Texas - Austin (Mỹ), nhìn nhận Việt Nam đang đối mặt với 3 thách thức lớn, đó là thiếu hụt nhân tài AI chất lượng cao; hạ tầng AI còn hạn chế; thiếu dữ liệu AI, đặc biệt là kho dữ liệu lớn và chất lượng cao dành riêng cho tiếng Việt.
Mặc dù có nhiều thách thức, song PGS Hồ Phạm Minh Nhật tin rằng Việt Nam có những cơ hội lớn ở 3 lĩnh vực trọng tâm: AI trong y tế có thể giúp giải quyết bài toán quá tải của hệ thống y tế; AI trong quản lý môi trường, được dự báo sẽ là một lĩnh vực phát triển mạnh trong 5 năm tới; AI trong robot, Việt Nam có thể đi đầu trong lĩnh vực này vì chúng ta có đủ nhân tài và công nghệ cần thiết để bắt đầu. "Dù còn nhiều thách thức, nếu có sự đầu tư nỗ lực, chiến lược đúng đắn và sự chung tay của toàn xã hội, Việt Nam hoàn toàn có thể nắm bắt cơ hội để phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực AI", anh Nhật nhận định.
Chia sẻ về chủ đề "Đường sắt cao tốc và cơ sở hạ tầng hướng tới tương lai bền vững", tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Viện Công nghệ Hoàng gia KTH (Thụy Điển), chỉ ra một trong những điểm yếu hiện nay là việc quy hoạch và phát triển hạ tầng chưa tích hợp đầy đủ các dữ liệu khí hậu trong tương lai. Các công trình được thiết kế dựa trên điều kiện thời tiết quá khứ, dẫn đến nguy cơ cao trước các thay đổi đột ngột của môi trường.
Để ứng phó hiệu quả với những thách thức đó, theo tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, hạ tầng số và AI được xem là giải pháp mang tính chiến lược và lâu dài. Cơ sở hạ tầng số là hệ thống kết hợp giữa hạ tầng vật lý và các công nghệ hỗ trợ việc thu thập, phân tích, chia sẻ và ứng dụng dữ liệu trong suốt vòng đời công trình, từ thiết kế, thi công đến vận hành và bảo trì.
Không dừng ở đối thoại, mà là hành động chiến lược
Phát biểu tại lễ bế mạc, anh Nguyễn Tường Lâm nhấn mạnh vai trò chiến lược của trí thức trẻ đối với sự phát triển đất nước. Anh Lâm đánh giá diễn đàn không chỉ quy tụ trí tuệ mà còn hội tụ tình yêu nước, tinh thần trách nhiệm, khát vọng cống hiến của những người trẻ Việt Nam ở khắp năm châu.
Theo anh Lâm, trong kỷ nguyên tri thức, vấn đề không chỉ là tìm người tài mà còn là làm thế nào để người tài được tin dùng, được trọng dụng. Anh nhấn mạnh diễn đàn không phải là một hội thảo chuyên đề đơn lẻ, mà là "một hành động chiến lược, hành động để tập hợp trí tuệ Việt Nam, hành động để mở rộng không gian cống hiến của người trẻ có tài và hành động để kết nối một lực lượng hiện tại với khát vọng phát triển đất nước trong tương lai".
Anh Lâm đánh giá cao tinh thần phản biện, chủ động và sáng tạo của các đại biểu. Các phiên thảo luận đã mở ra những hướng đi mới trong các lĩnh vực trọng yếu như chuyển đổi xanh, công nghệ tiên tiến, an ninh năng lượng, và khởi nghiệp sáng tạo.
Về vai trò của T.Ư Đoàn, anh Lâm khẳng định: "Việc đồng hành cùng trí thức trẻ không phải là một hoạt động phong trào mang tính hình thức, mà là một nhiệm vụ chính trị, mang tính dài hạn. T.Ư Đoàn luôn sẵn sàng là cầu nối để truyền tải ý kiến, nguyện vọng của trí thức trẻ người Việt với các cơ quan Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp, các trường viện, nhằm tháo gỡ rào cản và tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ hiệu quả.
Kết thúc bài phát biểu, anh Lâm truyền đi một thông điệp: "Câu trả lời cho những câu hỏi lớn của dân tộc không có sẵn, nhưng nếu chúng ta còn niềm tin, còn kết nối, còn khát vọng phụng sự thì câu trả lời sẽ dần hình thành từ chính những diễn đàn như thế này, từ chính những con người đang ngồi tại đây".