Luật sư Trương Thanh Đức: Tiền ảo có thể được định giá 30 tỷ và ngân hàng cho vay 10 tỷ, nhưng chỉ cần 1 đêm giá giảm sâu là gây rủi ro mất vốn

Theo luật sư Trương Thanh Đức, tiền ảo có thể nhận bảo đảm nếu nó không bị cấm giao dịch và đáp ứng yêu cầu tài sản có thể định giá được. Tuy nhiên, các ngân hàng có thể đối mặt với rủi ro khi tiền ảo sụt giá sâu.
Tài sản số, tín chỉ carbon: Có thể trở thành tài sản bảo đảm ngân hàng?
Phát biểu tại Hội thảo "Tài sản bảo đảm ngân hàng - Những vấn đề quan tâm hiện nay" do Thời báo Ngân hàng tổ chức sáng 28/5 tại Hà Nội, ông Giacomo Merello, Chủ tịch Hội đồng Thúc đẩy Kinh doanh tài sản Kỹ thuật số Antigua & Barbudat tại Singapore cho biết: Trên thế giới, một số quốc gia đã cho phép sử dụng tài sản số nói chung và tiền mã hóa nói riêng làm tài sản thế chấp tại các ngân hàng.
Theo ông Merello, các loại tiền mã hóa được sử dụng phổ biến để thế chấp tại ngân hàng hiện nay chủ yếu là stablecoin, một loại tiền điện tử được tạo ra nhằm theo dõi giá trị của một tài sản hoặc đồng tiền khác, thường tính theo USD hoặc Euro, đơn cử như USDT, USDC. Ngoài ra, một số loại tiền điện tử có giá trị lớn như Bitcoin, Ethereum cũng được chấp nhận trong một số trường hợp.
Tuy nhiên, ở góc độ pháp lý tại Việt Nam, TS. Lê Thị Giang, giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội, cho rằng: Khung pháp lý cho tài sản số vẫn đang trong quá trình xây dựng. Đáng chú ý, Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đã bước đầu xác lập khái niệm tài sản số và quyền sở hữu đối với loại tài sản này. "Đây là bước đi quan trọng, mở đường cho việc xác lập và giao dịch bảo đảm đối với tài sản số trong tương lai", bà Giang nhấn mạnh.
Riêng với tín chỉ carbon, loại tài sản gắn liền với xu hướng chuyển đổi xanh và đang ngày càng được quan tâm trong lĩnh vực tài chính, bà Giang lưu ý: việc xác lập giao dịch bảo đảm đối với tín chỉ carbon vẫn chưa có quy định cụ thể trong pháp luật Việt Nam. Hiện nay, ngoài những tài sản bảo đảm thông thường như bất động sản, động sản, giấy tờ có giá…, pháp luật chưa chỉ rõ liệu tín chỉ carbon và tài sản số có thể được coi là tài sản bảo đảm hợp pháp.
Mặc dù Bộ luật Dân sự 2015 và Nghị định 21/2021 đã đề cập tới sản phẩm khoa học công nghệ và thông tin, nhưng các quy định hiện hành chủ yếu mới dừng ở mức khung, chưa đi sâu vào định danh hay định giá cụ thể cho các loại tài sản mới này. Điều này khiến tài sản số và tín chỉ carbon chưa rõ ràng được ghi nhận trong hệ thống đăng ký tài sản bảo đảm hoặc tham gia giao dịch tài chính chính thức.
Từ thực tiễn làm việc, bà Giang cũng cho rằng: Hiện có không ít khách hàng lớn sở hữu tài sản số như Bitcoin và mong muốn thế chấp. Tuy nhiên, do chưa có khung pháp lý rõ ràng, các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc ghi nhận, thẩm định và xử lý các tài sản này.
Từ thực tiễn, bà Giang nhấn mạnh, hiện pháp luật chưa ghi nhận chính thức tài sản số làm tài sản thế chấp nhưng cũng không phủ nhận. Bà Giang cũng kiến nghị, pháp luật hiện tại cần nhanh chóng bổ sung quy định rõ ràng về loại hình tài sản mới này để tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho ngân hàng và doanh nghiệp.
Rủi ro từ giá trị biến động của tiền ảo và chứng chỉ carbon
Trao đổi tại hội thảo, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc điều hành Công ty Luật ANVI, đã chia sẻ nhiều góc nhìn liên quan đến việc sử dụng tiền ảo, chứng chỉ carbon làm tài sản thế chấp.
Theo ông Đức, trước hết cần khẳng định rằng tài sản số, quyền tài sản nói chung, trong đó bao gồm chứng chỉ carbon, là tài sản vô hình. Pháp luật dân sự và pháp luật về bảo đảm hiện hành đã xác định rõ tài sản vô hình là một loại tài sản. Đối với giao dịch bảo đảm, tài sản chỉ cần có quyền sở hữu và không bị pháp luật cấm giao dịch là đủ điều kiện trở thành tài sản bảo đảm.
Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh, tài sản số hay chứng chỉ carbon đều có thể được coi là tài sản bảo đảm. Thậm chí, hai loại tài sản này còn có quyền sở hữu, trong khi bất động sản tại Việt Nam phần lớn chỉ có quyền sử dụng. Tuy nhiên, khi bàn về tiền ảo, ông Đức lưu ý rằng tiền ảo không được coi là "tiền" tại Việt Nam, cũng không thể được xem như giấy tờ có giá. Về bản chất, tiền ảo chỉ là một dạng tài sản vô hình tồn tại ở trạng thái số. Đối với chứng chỉ carbon, luật sư Đức cho rằng tài sản này có thể được công nhận là tài sản bảo đảm nếu khung pháp lý hoàn thiện và cho phép.
Liên quan đến việc nhận tài sản số làm tài sản bảo đảm, ông Đức cho rằng cần đảm bảo hai yếu tố cơ bản: thứ nhất, tài sản phải có quyền sở hữu hợp pháp; thứ hai, tài sản đó không bị pháp luật cấm giao dịch. Theo đó, bất kỳ tài sản số nào đáp ứng đầy đủ hai điều kiện trên, về nguyên tắc, đều có thể được nhận làm tài sản bảo đảm.
Mặc dù vậy, luật sư Trương Thanh Đức cũng thẳng thắn cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn khi nhận tài sản số làm tài sản bảo đảm. Ngân hàng dù hoạt động dưới mô hình doanh nghiệp, nhưng thực tế lại chịu sự quản lý pháp lý rất nghiêm ngặt. Đặc biệt, Điều 206 Bộ luật Hình sự quy định rõ rằng nếu ngân hàng định giá tài sản bảo đảm sai lệch lớn hoặc quá cao, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vấn đề khó nhất, theo ông Đức, chính là xử lý rủi ro. Pháp luật về thế chấp tài sản số hiện chưa đầy đủ, trong khi giá trị của tài sản số có thể biến động rất mạnh, dẫn đến rủi ro lớn cho ngân hàng. Ông Đức dẫn chứng rằng ngay cả vàng, bất động sản, những loại tài sản truyền thống cũng có giá trị biến động mạnh theo thời gian. Trong khi đó, giá trị của tiền ảo còn biến động mạnh hơn nhiều lần, khó kiểm soát. Một tài sản số hôm nay có thể được định giá 30 tỷ đồng, ngân hàng cho vay 10 tỷ đồng. Nhưng chỉ cần một đợt biến động giá, sau một đêm, giá trị tài sản bảo đảm có thể giảm sâu, gây rủi ro mất vốn. Chưa kể, nếu có dấu hiệu nâng khống giá trị tài sản, hậu quả pháp lý sẽ vô cùng nặng nề. Ông Đức thừa nhận, ngân hàng chỉ cần sai sót nhỏ trong quá trình thẩm định, dù không cố ý, cũng có thể phải gánh chịu hậu quả tài chính rất lớn, thậm chí mất tiền tỷ cũng như bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chính vì vậy, luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh, việc nhận tài sản số hay tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm trong hoạt động ngân hàng hiện nay cần được tiếp tục xem xét hết sức thận trọng và cần chờ hoàn thiện đầy đủ hành lang pháp lý để tránh những rủi ro tiềm ẩn.