Lớp học tình thương ở Bình Trưng Đông, chuyện phi thường của ngoại Thủy

Gần 10 năm qua, lớp học tình thương của bà Thanh Thủy (70 tuổi) vẫn sáng đèn mỗi tối để dạy chữ cho trẻ em nghèo quanh khu vực P.Bình Trưng Đông, TP.Thủ Đức.
Nhiều người vẫn thường nghe những đứa trẻ tại lớp học tình thương ríu rít gọi bà Trần Thị Thanh Thủy bằng cái tên thân thương là “ngoại Thủy”.
Gọi là ngoại, bởi với lũ trẻ, bà không chỉ là người thầy dạy chữ mà còn là người lặng lẽ bên cạnh những bước đầu đời, luôn che chở, yêu thương các em như người thân ruột thịt.
Trăn trở vì còn nhiều em chưa được đến trường
Chiều chiều, những đứa trẻ quanh khu vực P.Bình Trưng Đông lại rủ nhau đạp xe lạch cạch đến lớp học do bà Thanh Thủy thành lập để học chữ, mong nên người.
Ít ai biết rằng, thời trẻ, bà từng là sinh viên ngành sư phạm, ôm ấp ước mơ trở thành giáo viên mầm non. Thế nhưng một tai nạn bất ngờ đã khiến ước mơ làm nghề giáo của bà dang dở. Sau này, khi lập gia đình, bà rẽ sang buôn bán để kiếm tiền nuôi con.
Khi con cái đã khôn lớn, gia đình bà chuyển về sống ở P.Bình Trưng Đông, TP.Thủ Đức. Tại đây, bà bén duyên với công tác khu phố và đảm nhận vai trò Phó ban điều hành, phụ trách an sinh xã hội của phường.
Trong những buổi rong ruổi cùng các chị em trong ban điều hành, đi từng ngõ, gõ từng nhà để hỗ trợ người dân quanh khu phố, bà Thủy dần nhận ra một điều: “Có quá nhiều đứa trẻ đã quá tuổi đi học nhưng lại không biết chữ”.
Xót xa trước cảnh những đứa trẻ không được đến trường, còn quá nhỏ nhưng đã phải lam lũ phụ giúp gia đình, bà Thủy cùng các chị em trong ban điều hành phường quyết định mở một lớp học tình thương để dạy cho các em con chữ.
“Phần lớn các em đều sinh ra trong gia đình nhập cư. Cha mẹ thì quá khổ, làm không đủ ăn nên các em cũng không được đi học. Có em thì đi lượm ve chai kiếm tiền phụ gia đình, có em lại đi bán vé số, phụ quán cơm, chạy vặt cho người ta”, bà bộc bạch.
Khi mới thành lập, lớp học chỉ có vài em nhỏ, được chính “ngoại Thủy” kiên nhẫn uốn nắn từng nét chữ, từng phép toán. Thấy các em không có xe đạp, bà không nỡ để tụi nhỏ lặn lội giữa nắng mưa, bèn đạp xe đến tận nhà đưa rước từng em đến lớp.
Bà Thủy tâm sự, ban đầu nhiều em đến học chưa hẳn vì ham học mà vì có được bữa cơm no. Không chỉ dạy học, các em còn được bà Thủy và các cô trong ban điều hành nấu cơm, bún, cháo, mì… cho ăn.
Trải qua nhiều năm, giờ đây lớp học đã có đến 63 em từ lớp 1 đến lớp 12. Trong đó, có 28 em được bà Thủy làm hồ sơ, giấy tờ, xin học bổng để vào học chính quy. Những em còn lại vì quá tuổi hoặc không đủ giấy tờ nên được bà và các tình nguyện viên dạy kèm ở lớp học.
Điều khiến bà Thủy day dứt nhất cho đến tận bây giờ là vẫn còn nhiều em nhỏ chưa thể đặt chân vào trường công lập như bao bạn bè cùng trang lứa.
Bà nghẹn giọng nói: “Nhiều em không có giấy khai sinh nên không được nhận vào trường. Mặc dù được học lớp vỡ lòng ở đây nhưng tương lai của tụi nhỏ còn mờ mịt lắm. Tôi chỉ mong sao tất cả các em đều được đến trường, để sau này kiếm được một công việc ổn định để nuôi thân”.
Lớp học tình thương thắp hy vọng cho những “búp măng non”
Trong căn phòng nhỏ bé vang vọng tiếng ê a đánh vần, ánh mắt trong veo của những đứa trẻ rạng ngời niềm vui. Với các em, mỗi buổi đến lớp học tình thương của ngoại Thủy không chỉ là cơ hội để biết thêm con chữ, mà còn là khoảng thời gian quý giá, nơi các em được vui chơi và quên đi những nhọc nhằn của cuộc sống mưu sinh.
Gây ấn tượng với chúng tôi là cô bé Sơn Thị Trúc Ly (13 tuổi) với làn da nâu rám nắng và mái tóc dài xoăn tít. Đó là một cô bé dân tộc Khmer lanh lợi, xinh xắn. Gia đình Ly có 5 chị em, cả gia đình rời quê Sóc Trăng lên TP.HCM lập nghiệp nhiều năm nhưng đời sống vẫn rất bấp bênh.
Ly thủ thỉ với chúng tôi, ba mẹ em vẫn cố gắng cho 3 chị em lớn được đến trường nhưng vì bận rộn đi làm nên không có thời gian kèm cặp, chăm sóc các em.
“Mỗi ngày sau giờ học ở trường, chúng em lại đến lớp học của ngoại Thủy. Ở đây em có ngoại, có các anh chị hỗ trợ, có bạn bè và được các cô chuẩn bị cơm tối. Em rất vui và muốn học với ngoại thật lâu”, Trúc Ly ríu rít.
Cô bé Sơn Thị Trúc Mai (12 tuổi) nhanh nhẹn tiếp lời chị gái Trúc Ly: “Ở đây, ngoại, cô Bảy và các anh chị ai cũng thương chúng em. Những ngày lễ, ngoại tổ chức chương trình và phát bánh kẹo cho chúng em nữa”.
Cả 2 cô bé đều ước mơ sau này lớn lên sẽ trở thành giáo viên giống như ngoại Thủy. Ước mơ giản dị ấy chính là minh chứng cho sự thay đổi tích cực mà lớp học tình thương của ngoại Thủy đã mang đến cho cuộc đời các em.
Nơi đây, không chỉ có con chữ mà còn có tình yêu thương, sự sẻ chia và niềm hy vọng, thắp sáng con đường phía trước cho những “búp măng non”.
Gia đình thuộc diện khó khăn nên em Tôn Minh Đăng (9 tuổi) không được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa. Lớp học của ngoại Thủy là nơi duy nhất mang đến cho em con chữ, cho em được gặp gỡ bạn bè, thầy cô. Để ba mẹ đỡ vất vả, ban ngày em Đăng đi nhặt ve chai bán lấy tiền. Chiều tối thì đến lớp của ngoại để học chữ.
Cô Bảy (59 tuổi), phụ trách văn thể mỹ ở lớp học tâm tình, các em ở đây đa số hoàn cảnh đều rất đáng thương. Có em 12 tuổi nhưng chưa biết chữ vì không có giấy khai sinh để đến trường. Nhiều trường hợp, cô Bảy và ngoại Thủy phải tìm đến từng nhà để vận động, hỗ trợ gia đình làm giấy tờ cho các em.
“Nhiều em vì khó khăn nên không được đến trường, do đó tôi và ngoại đều luôn tập trung giáo dục cho các em. Điều đó giúp các em tránh xa những cạm bẫy bên ngoài xã hội, lấy con chữ làm hành trang cho tương lai của mình. Khi biết chữ, các em sẽ có một cuộc sống khác, sau này cũng có thể tự mình thay đổi cuộc đời. Vậy nên chúng tôi dù khó khăn cũng không dám buông xuôi, dù chỉ một ngày”, cô Bảy bộc bạch.
Lớp học tình thương của ngoại Thủy không chỉ trao con chữ, tri thức mà còn ươm mầm những ước mơ, sưởi ấm những trái tim non trẻ. Tấm lòng bao dung, sự tận tâm của ngoại Thủy, của cô Bảy và nhiều tình nguyện viên đã tạo nên một mái nhà ấm áp cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn.
Mỗi con chữ các em học được, mỗi nét vẽ nguệch ngoạc đều là những viên gạch xây đắp tương lai, là hành trang quý giá để các em vững bước vào đời.
Hành trình gieo chữ của ngoại Thủy vẫn còn đó nhiều gian nan. Sự chung tay, sẻ chia của cộng đồng là vô cùng cần thiết để ngọn lửa tình thương ấy tiếp tục cháy mãi, để ngày càng có thêm nhiều em nhỏ được đến trường, được chắp cánh ước mơ.