Nhảy đến nội dung

Lòng se điếu và chút se lòng

Vụ việc lòng se điếu không phải là hiện tượng cá biệt. Nó chỉ là phần nổi của tảng băng trôi trong công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay.

Tôi không khỏi se lòng khi chứng kiến phản ứng của dư luận trước hiện tượng lòng se điếu.

Không chỉ là nỗi lo về món ăn bị phơi bày sự thật, mà còn là sự loay hoay, chồng chéo trong cách chúng ta quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm và giữ gìn niềm tin xã hội. 

Lòng se điếu và lỗ hổng quản lý

Lòng se điếu bỗng trở thành tâm điểm tranh luận, sau khi xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh công nhân chế biến thực phẩm trong điều kiện mất vệ sinh nghiêm trọng. 

Những hình ảnh gây ám ảnh ấy đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, kéo theo hàng loạt bình luận phẫn nộ, nghi ngờ và hoang mang từ phía người tiêu dùng.

Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Ai chịu trách nhiệm? Tại sao cơ quan quản lý để lọt lưới những cơ sở như vậy? Liệu những món ăn chúng ta vẫn tin là sạch có thực sự đáng tin? 

Mối lo về thực phẩm bẩn vốn đã âm ỉ như có dịp bùng phát, khiến niềm tin vào bữa ăn hằng ngày của hàng triệu người dân càng trở nên mong manh. 

Thật đáng buồn, khi ăn uống - nhu cầu thiết yếu nhất của con người - lại trở thành một nỗi bất an thường trực.

Vụ việc lòng se điếu không phải là hiện tượng cá biệt. 

Nó chỉ là phần nổi của tảng băng trôi trong công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay. 

Những năm qua, chúng ta đã ban hành không ít quy định tiêu chuẩn, và hệ thống kiểm tra thực phẩm, từ sản xuất, chế biến, vận chuyển đến tiêu thụ. Nhưng hiệu quả thực tế vẫn còn quá xa so với yêu cầu.

Nhiều cơ sở chế biến thực phẩm hoạt động không phép, điều kiện vệ sinh tồi tệ, nhân lực thiếu đào tạo, nguồn nguyên liệu không truy xuất được vẫn ngang nhiên tồn tại. 

Công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng còn thiếu tính thường xuyên, thậm chí có nơi còn bị phản ánh là kiểm tra theo mùa, hoặc có báo trước.

Điều đáng lo là việc xử lý sau phát hiện vi phạm cũng chưa đủ sức răn đe. 

Phạt tiền? Chuyển địa điểm rồi hoạt động lại. Đóng cửa cơ sở? Mở cơ sở mới với tên gọi khác. 

Cái vòng luẩn quẩn ấy khiến người tiêu dùng trở thành nạn nhân trong một thị trường thiếu minh bạch và thiếu công bằng.

Làm gì để không còn phải se lòng?

Mỗi lần một vụ thực phẩm bẩn bị phanh phui, mỗi lần cơ quan chức năng phản ứng chậm trễ  là một lần lòng người bị se lại thêm chút nữa.

Vụ việc lòng se điếu là cơ hội để nhìn lại những vấn đề cốt lõi, chứ không chỉ là một đợt truy quét phong trào. 

Quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm cần chuyển từ "phản ứng" sang "chủ động": tăng cường kiểm tra không báo trước, xử lý nghiêm minh, công khai minh bạch và nhất là truy xuất được nguồn gốc. 

Vai trò của chính quyền địa phương, nhất là cấp phường/xã, trong giám sát cơ sở nhỏ lẻ phải được tăng cường thực chất.

Và sâu xa nhất vẫn là bài toán về đạo đức nghề nghiệp. 

Người làm thực phẩm - dù là quán nhỏ hay doanh nghiệp lớn - cần nhận thức rằng họ đang giữ gìn không chỉ sức khỏe mà cả phẩm giá xã hội. 

Một xã hội văn minh không thể chấp nhận sự "lương tâm có điều kiện".

Đây chính là lúc để xã hội cùng soi lại mình, cùng nhau giữ lấy một chữ "lòng" trọn vẹn. Không chỉ là "lòng sạch"  mà còn là lòng tin, lòng người và lòng tự trọng!