Lợi nhuận Sabeco chạm đáy 14 quý, Habeco lãi nhỏ giọt

Ngành bia bước vào năm 2025 với nhiều khó khăn khi các doanh nghiệp lớn đồng loạt hụt hơi vì chi phí leo thang, sức mua yếu và áp lực từ chính sách mới.
![]() |
Lợi nhuận ngành bia lao dốc đầu năm. Ảnh: Nam Khánh. |
Bức tranh tài chính quý I/2025 của ngành bia cho thấy xu hướng chững lại rõ nét với doanh thu và lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp đầu ngành đồng loạt sụt giảm.
Đây vốn là giai đoạn thấp điểm trong năm, song sự đi xuống năm nay còn bị khuếch đại bởi áp lực cạnh tranh khốc liệt, chi phí tăng cao và đặc biệt là tác động từ các chính sách như Nghị định 168.
Các "ông lớn" thất thu
Theo báo cáo tài chính quý I/2025, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (HoSE: SAB) ghi nhận doanh thu thuần 5.811 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhờ cải thiện giá vốn, biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ 29,2% lên 32,2%. Chi phí bán hàng - khoản mục chi lớn nhất - giảm nhẹ 5% còn 799 tỷ đồng. Trong đó, chi phí quảng cáo và khuyến mại giảm từ 447 tỷ xuống 401 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí tài chính tăng đột biến gấp 11 lần lên mức 91 tỷ đồng, chủ yếu do phát sinh 85 tỷ đồng từ thương vụ thâu tóm Công ty Bia Bình Tây (Sabibeco). Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng gần 19% lên 247 tỷ đồng. Kết thúc quý I, Sabeco báo lãi ròng gần 800 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ và là mức thấp nhất trong vòng 14 quý gần đây. Trong văn bản giải trình, doanh nghiệp cho biết kết quả kinh doanh sụt giảm do áp lực cạnh tranh gia tăng và tác động từ Nghị định 168. Doanh thu thuần quý I còn bị ảnh hưởng bởi việc Sabibeco chính thức được hợp nhất như công ty con kể từ ngày 3/1 thay vì là công ty liên kết như năm trước. Điều này khiến Sabeco phải ghi nhận nghĩa vụ thuế tiêu thụ đặc biệt phát sinh từ Sabibeco. LỢI NHUẬN SABECO LAO DỐC XUỐNG ĐÁY 14 QUÝ KQKD hàng quý của Sabeco; Nguồn: BCTC DN. NhãnI/2023IIIIIIVI/2024IIIIIIVI/2025 Doanh thu thuần tỷ đồng 621482127415852071848086767089335811 Lợi nhuận sau thuế 100412101074967102413191161991800 Ngoài ra, doanh thu tài chính của công ty cũng giảm 13% còn 243 tỷ đồng do suy giảm thu nhập từ lãi tiền gửi. Năm nay, chủ thương hiệu bia Sài Gòn đặt mục tiêu 44.819 tỷ đồng doanh thu và 4.835 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. So với kế hoạch, công ty mới hoàn thành 13% chỉ tiêu doanh thu và 17% lợi nhuận sau quý đầu năm. Tại thời điểm 31/3, tổng tài sản của Sabeco giảm hơn 1.800 tỷ đồng so với đầu năm còn 31.619 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là sự sụt giảm gần 1.000 tỷ đồng ở khoản phải thu ngắn hạn và hơn 2.117 tỷ đồng ở tiền gửi ngân hàng. Tổng lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng hiện ở mức 20.262 tỷ đồng, chiếm khoảng 64% tổng tài sản. Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ phải trả giảm 33% so với đầu năm còn hơn 6.000 tỷ đồng, chủ yếu nhờ giảm các khoản phải trả người bán và các nghĩa vụ liên quan đến chi trả cổ tức. Tuy vậy, nợ vay ngắn hạn tăng mạnh gần gấp đôi, từ 245 tỷ đồng lên hơn 481 tỷ đồng. Trái ngược với Sabeco, "ông lớn" ngành bia phía Bắc là Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội - Habeco (HoSE: BHN) ghi nhận doanh thu thuần quý I đạt 1.458 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2024 nhưng giảm 36% so với quý liền trước. Bất chấp việc ghi nhận doanh thu nghìn tỷ, Habeco chỉ lãi sau thuế vỏn vẹn 21 tỷ đồng, thấp nhất một năm qua. Nguyên nhân chủ yếu do giá vốn đầu vào bào mòn biên lợi nhuận gộp, cũng như việc đẩy mạnh chi tiêu cho hoạt động quảng cáo khiến chi phí bán hàng của công ty gia tăng. HABECO THU NGHÌN TỶ NHƯNG LÃI NHỎ GIỌT KQKD hàng quý của Habeco; Nguồn: BCTC DN. NhãnI/2023IIIIIIVI/2024IIIIIIVI/2025 Doanh thu thuần tỷ đồng 117320782260224613082306233522711458 Lợi nhuận sau thuế -418810764-2117213811321 Năm nay, chủ thương hiệu bia Hà Nội lên kế hoạch tương đối dè dặt với doanh thu đi ngang ở mức 7.471 tỷ đồng, còn lợi nhuận trước thuế giảm 40% so với thực hiện của năm trước xuống 278 tỷ đồng. Kết thúc quý I, công ty mới hoàn thành gần 20% chỉ tiêu doanh thu và hơn 10% mục tiêu lợi nhuận. So với đầu năm, tổng tài sản của Habeco tại ngày 31/3 giảm gần 8% xuống 6.716 tỷ đồng. Chiếm 58% quy mô tài sản là các khoản tiền mặt và tiền gửi. Tổng nợ phải trả giảm 12% xuống 1.756 tỷ đồng. Habeco có tỷ trọng đòn bẩy tài chính tương đối lành mạnh khi chỉ vay và nợ thuê tài chính hơn 51 tỷ đồng. Nhóm công ty con lao đao Dưới sức ép chung của thị trường, không chỉ công ty mẹ mà cả nhóm công ty con và liên kết của Sabeco, Habeco cũng đang lâm vào cảnh kinh doanh kém sắc. Nhiều đơn vị ghi nhận doanh thu sụt giảm, biên lợi nhuận teo tóp, thậm chí tiếp tục chìm trong thua lỗ. CTCP Bia Hà Nội - Hải Dương (HNX: HAD), công ty con do Habeco nắm 55% vốn, ghi nhận doanh thu thuần gần 15 tỷ đồng và lỗ ròng gần 1 tỷ đồng. Kết quả này gần như không biến động so với cùng kỳ năm trước và đánh dấu quý thua lỗ thứ 2 liên tiếp của nhà sản xuất này. Dù vậy, doanh nghiệp cho rằng mức lỗ quý này đã giảm nhẹ so với năm trước nhờ "ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính gia tăng, cùng việc thực hành tốt công tác tiết kiệm trong sản xuất kinh doanh". Tính đến cuối tháng 3, tổng tài sản của HAD đạt 96 tỷ đồng, trong đó hơn 50% là tiền mặt và các khoản đầu tư ngắn hạn. Công ty không có dư nợ vay tài chính. CTCP Bia Sài Gòn - Hà Nội (UPCoM: BSH), công ty con của Sabeco, không khá khẩm hơn là bao khi doanh thu giảm 16% xuống 109 tỷ đồng. Việc bán hàng sát giá vốn khiến lợi nhuận gộp của nhà sản xuất này bị bào mỏng, là một trong những nguyên nhân đưa lợi nhuận từ dương sang âm 1 tỷ đồng. Một công ty con khác của Sabeco là CTCP Bia Sài Gòn - Miền Trung (HoSE: SMB) cũng ghi nhận doanh thu giảm 10% xuống 296 tỷ đồng. Dẫu vậy, công ty vẫn báo lãi tăng 21% lên 29 tỷ đồng so với cùng kỳ nhờ việc cải thiện giá vốn.Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, lãnh đạo Sabeco thừa nhận ngành bia vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn do ảnh hưởng hậu Covid-19 cũng như tác động từ một số cơ chế chính sách liên quan.Việc người dân thắt chặt chi tiêu, thị hiếu và yêu cầu ngày càng cao đối với thiết kế bao bì, chất lượng cũng là một áp lực, đòi hỏi doanh nghiệp phải chi mạnh tay và chạy đua trong các chiến dịch quảng cáo lẫn khuyến mại để tăng sức cạnh tranh và đẩy mạnh tiêu thụ.Các quy định về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông, cũng như tăng mức xử phạt vi phạm giao thông được dự đoán là rào cản lớn kìm hãm sự phục hồi của ngành bia trong năm nay. Chưa kể, các yếu tố như chi phí sản xuất kinh doanh (bao bì, nguyên vật liệu, vận chuyển) vẫn ở mức cao, biến động bất thường.Thêm vào đó, ngành bia có thể chịu thêm gánh nặng nếu Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được thông qua với mức điều chỉnh thuế suất mới lên tối đa 100%. Hiện, đồ uống có cồn tại Việt Nam chịu 3 loại thuế là thuế nhập khẩu (5-80% tùy loại FTA), VAT (10%) và tiêu thụ đặc biệt (tăng từ 50% lên 65% vào năm 2018 và duy trì đến nay). Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.