Nhảy đến nội dung

Lợi nhuận ngành bia phân hóa

Trong quý đầu năm, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - SAB) có doanh thu khoảng 5.811 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ. Nhóm các chi phí cố định có xu hướng tăng, nhất là chi phí tài chính lên gấp 10 lần, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng đội thêm 19%.

Tổng lại, công ty lãi sau thuế gần 800 tỷ đồng, giảm 22% so với quý I/2024. Đây cũng là con số thấp nhất kể từ quý IV/2021.

Sabeco cho biết doanh thu thấp hơn cùng kỳ phù hợp với sự sụt giảm sản lượng do cạnh tranh gia tăng và tác động của Nghị định 168. Ngoài ra, doanh thu còn bị ảnh hưởng bởi việc tính thuế tiêu thụ đặc biệt với Bia Sài Gòn - Bình Tây (SBB) khi được hợp nhất thành công ty con.

Mặc dù trong báo cáo tài chính của SAB, lợi nhuận các công ty liên doanh, liên kết cải thiện từ lỗ sang lãi gần 53 tỷ đồng, một số đơn vị vẫn có kết quả quý I đi lùi. Bia Sài Gòn - Miền Tây (WSB) lãi kỳ này khoảng 17,4 tỷ đồng, sụt 14%. Nguyên nhân vì doanh thu giảm theo giá bán, trong khi giá vỏ lon đầu vào tăng cao.

Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi (BSQ) cũng hụt khoảng hai phần ba lợi nhuận về hơn 8,9 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ doanh thu của cả mảng bán hàng và tài chính đều suy giảm.

Trong khi đó với hai hãng bia và rượu ở phía Bắc, tình hình kinh doanh khả quan hơn. Bia Hà Nội (Habeco - BHN) quý I lãi gần 20,7 tỷ đồng, cải thiện nhiều so với khoản lỗ gần 21 tỷ của cùng kỳ năm trước. Kết quả trên đến từ doanh thu tăng 11% lên trên 1.458 tỷ đồng. Giá vốn và các chi phí cố định có nhích lên nhưng được kiểm soát ở mức độ vừa phải.

Tương tự, Công ty cổ phần Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico - HNR) kỳ này lãi hơn 771 triệu đồng, tăng hơn 34%. Tuy lợi nhuận nhỏ giọt, họ đã thoát khỏi tình trạng lỗ 3 quý liên tục. Kỳ này, doanh thu của Halico tăng 2% lên 35,8 tỷ đồng. Họ cải thiện được giá vốn, giúp tăng lợi nhuận gộp và có thêm tiền từ thanh lý tài sản.

Tuy lợi nhuận giữa các doanh nghiệp phân hóa trong quý đầu năm, tình hình chung của ngành bia vẫn nhuộm gam màu tối. Lợi nhuận của Sabeco suy giảm là một chỉ báo quan trọng khi họ là tập đoàn hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh bia có thị phần lớn đứng thứ 2 về sản lượng tiêu thụ (sau Heineken) với 26 công ty con và 17 công ty liên kết cung cấp hệ thống sản xuất và phân phối khắp cả nước.

Sabeco đánh giá 2025 là một năm đầy biến động nhưng không kém phần sôi nổi với thị trường bia. Họ cho rằng ngành này gặp khó từ một số cơ chế như Nghị định 100, Nghị định 168 khiến kết quả kinh doanh các doanh nghiệp chưa đạt kỳ vọng. "Nghị định 168 được dự đoán là rào cản lớn kìm hãm sự phục hồi của ngành bia trong năm nay, chưa kể đến các yếu tố như chi phí sản xuất kinh doanh gồm bao bì, nguyên vật liệu, vận chuyển vẫn ở mức cao, biến động bất thường và dự kiến tiếp tục tăng mạnh, ảnh hưởng đến lợi nhuận các doanh nghiệp trong ngành", ban lãnh đạo SAB nêu trong tài liệu họp cổ đông.

Ngoài ra, hãng bia này còn lo ngại thêm về thuế tiêu thụ đặc biệt nhắm đến một số mặt hàng có hại cho sức khỏe, trong đó có bia và rượu. Người tiêu dùng cũng ngày càng quan tâm đến sức khỏe và đang có xu hướng lựa chọn những loại bia có nồng độ cồn thấp hoặc không cồn. Thị trường cũng cạnh tranh gay gắt giữa các thương hiệu sản xuất trong nước và nước ngoài.

Sabeco đặt kế hoạch doanh thu năm nay đạt 31.641 tỷ đồng, giảm 1% nhưng kỳ vọng lãi sau thuế tăng 8% lên 4.835 tỷ đồng. Họ vẫn nhận thấy cơ hội ở thị trường có dân số trẻ, thu nhập tăng nhanh, du lịch phục hồi. Ngoài ra, tiềm năng của phân khúc bia không cồn và bia thủ công được SAB đánh giá ấn tượng, nhất là tại các thành phố lớn.

Dù có quý I tăng trưởng, Habeco nhận định năm 2025, nền kinh tế vẫn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Công ty đặt mục tiêu giữ vững thị phần, đẩy mạnh khai thác thị trường miền Trung và Nam, nâng cao giá trị thương hiệu và dịch vụ nhằm gia tăng sức cạnh tranh. Bia Hà Nội dự kiến có doanh thu 7.471 tỷ đồng, tăng nhẹ 1%, nhưng lãi trước thuế có thể giảm tới 40% về 278 tỷ đồng.

Tất Đạt