Loạt pháo, UAV Nga lần đầu phô diễn ở Duyệt binh Chiến thắng

Quân đội Nga hôm 7/5 tiến hành buổi tổng duyệt ở trung tâm thủ đô Moskva, chuẩn bị cho lễ Duyệt binh Chiến thắng trên Quảng trường Đỏ ngày 9/5. Trong sự kiện năm nay, quân đội Nga dự kiến phô diễn nhiều khí tài đang được triển khai trong chiến dịch tại Ukraine và chưa từng xuất hiện trong các cuộc duyệt binh trước đây.
Đầu tiên là tổ hợp pháo tự hành bánh lốp 2S43 Malva được phát triển từ năm 2020 và hoàn tất thử nghiệm vào tháng 5/2023, lô đầu tiên bàn giao cho quân đội Nga sau đó 4 tháng. Nga bắt đầu triển khai pháo 2S43 Malva trong thực chiến tại mặt trận Kharkov hồi tháng 6/2024.
2S43 Malva có khối lượng 32 tấn, vận tốc tối đa 80 km/h, tầm hoạt động hơn 1.000 km. Tổ hợp này sử dụng lựu pháo 2A64 cỡ nòng 152 mm, có thể khai hỏa nhiều loại đạn, bao gồm đạn nổ mạnh, đạn chùm, đạn dẫn đường và đạn gây nhiễu, với tốc độ khai hỏa tối đa là 8 phát mỗi phút. 2S43 Malva đạt tầm bắn 24 km khi sử dụng đạn thông thường và 36 km với đạn tăng tầm.
Khung gầm bánh lốp 8x8 giúp pháo tự hành Malva dễ dàng di chuyển trên đường nhựa và nhanh chóng cơ động khỏi vị trí khai hỏa để tránh bị phản pháo, tính năng vốn rất quan trọng trong các cuộc đấu pháo. Xe chiến đấu được lắp giáp để chống đạn súng bộ binh và mảnh văng của đạn pháo, cùng các ống phóng lựu đạn khói để che mắt hệ thống trinh sát đối phương.
Mẫu pháo này có thể khai hỏa nhiều loại đạn, bao gồm đạn nổ mạnh, đạn chùm, đạn dẫn đường và đạn gây nhiễu, với tốc độ khai hỏa tối đa là 8 phát mỗi phút. 2S43 Malva đạt tầm bắn 24 km khi sử dụng đạn thông thường và 36 km với đạn tăng tầm.
Tiếp theo là pháo tự hành 2S44 Giatsint-K sử dụng cùng khung gầm bánh lốp BAZ-6610-02 với dòng Malva, nhưng được trang bị lựu pháo 2A36 cỡ nòng 152 mm nhằm tận dụng nguồn khí tài sẵn có trong kho niêm cất.
Dự án phát triển tổ hợp pháo này được Nga giữ kín gần như hoàn toàn. Tên gọi 2S44 Giatsint-K xuất hiện lần đầu trong phóng sự của truyền hình quốc phòng Nga hồi tháng 2, trong đó cho biết quân đội nước này đã biên chế chúng cho Lữ đoàn Pháo binh Cận vệ Độc lập số 238 đang tham chiến tại Ukraine.
Khi sử dụng đạn nổ mạnh tiêu chuẩn, 2S44 Giatsint-K có tầm hơn 30 km. Với đạn dẫn đường Krasnopol, tổ hợp có thể đạt tầm bắn khoảng 50 km. Bộ Quốc phòng Nga hồi tháng 12/2024 công bố video pháo tự hành bánh lốp, nghi là Giatsint-K, khai hỏa đạn dẫn đường tầm xa Krasnopol-M và đánh trúng khẩu đội lựu pháo Ukraine ở khoảng cách hơn 50 km.
2S44 Giatsint-K được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực tự động, có khả năng định vị chính xác mục tiêu, tính toán phần tử bắn và gửi thông tin về sở chỉ huy. Quá trình ngắm bắn được thực hiện dựa trên dữ liệu của hệ thống điều khiển hỏa lực. Mức độ tự động hóa cao giúp 2S44 Giatsint-K chỉ mất khoảng 2-3 phút để vào vị trí bắn, sau đó nhanh chóng rút lui để tránh đòn phản pháo.
Các hình ảnh được công bố cũng cho thấy các xe tải KamAZ-6350 mang cụm bệ phóng máy bay không người lái (UAV) trinh sát và tự sát.
Một trong các xe mang theo bệ phóng dành cho hai phiên bản của UAV tự sát chiến thuật Lancet. Được tập đoàn Zala Aero thuộc hãng Kalashnikov phát triển, UAV Lancet ứng dụng thiết kế gồm hai cụm cánh hình chữ X.
Lancet có khả năng quần thảo trong khu vực chỉ định để tìm kiếm mục tiêu, sau đó lao xuống tiêu diệt khí tài đối phương. Nó được trang bị nhiều loại đầu đạn như nổ văng mảnh, nổ lõm xuyên giáp và nổ xuyên tự định hình (EFP), tầm bay 40-90 km tùy phiên bản, khối lượng cất cánh tối đa 12 kg.
Phi cơ được trang bị nhiều hệ thống cảm biến và tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tự động nhận diện, bám bắt mục tiêu mà không cần chỉ thị từ người điều khiển. Dòng Lancet đã nhiều lần được cải tiến dựa trên kinh nghiệm thực chiến, trong đó có nâng cấp cảm biến quang học, bổ sung khả năng cơ động để tránh hỏa lực phòng không và tăng cường năng lực liên lạc.
UAV Lancet lần đầu tham chiến tại Ukraine vào tháng 6/2022. Nhà sản xuất Zala Aero hồi tháng 2 cho biết mẫu phi cơ này đã tập kích hơn 3.000 khí tài quân sự Ukraine, khiến 750 mục tiêu bị phá hủy tại chỗ và hơn 1.500 tổ hợp vũ khí hư hỏng nặng, gây thiệt hại tối đa khoảng 12 tỷ USD cho đối phương.
Mẫu phi cơ tự sát thứ hai sẽ xuất hiện trên Quảng trường Đỏ là UAV tầm xa Geran-2, được Nga tự sản xuất dựa theo thiết kế dòng Shahed-136 của Iran. Biến thể Geran-2 đời đầu có khối lượng khoảng 200 kg, mang theo đầu đạn 50 kg và đạt tầm bay 2.500 km.
Đây là dòng UAV tự sát chủ lực được quân đội Nga sử dụng trong các đòn tập kích tầm xa nhằm vào Ukraine, nhưng cũng có thể tập kích những mục tiêu chiến thuật gần tiền tuyến nếu có yêu cầu.
Nga đã nhiều lần nâng cấp đáng kể dòng Geran-2 để tăng uy lực, trong đó có trang bị đầu đạn mới với khối lượng 90 kg, kết hợp cảm biến quang - điện tử với công nghệ AI để nhận diện mục tiêu và chỉ điểm cho những đòn đánh tiếp theo.
Hình ảnh công bố hồi tháng 4 cho thấy UAV Geran-2 mang cảm biến quang - điện tử chuyên dụng, hoạt động như phương tiện trinh sát tầm cao để phát hiện mục tiêu và cung cấp tọa độ, dẫn đường cho phi cơ cùng loại tập kích phá hủy loạt xe tải quân sự Ukraine.
Phạm Giang (Theo Izvestia, Army Recognition, Army Technology)