Loạt dự án năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận 'lụt' tiến độ

TPO - Nhiều dự án năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận đang chậm tiến độ do vướng mắc về khung giá điện và công tác giải phóng mặt bằng.
Ngày 24/5, lãnh đạo Sở Công Thương Ninh Thuận cho biết vừa có báo cáo UBND tỉnh về tình hình triển khai thực hiện các dự án kinh doanh điện lực thuộc Quy hoạch điện VIII và kết quả rà soát các dự án theo điều chỉnh Quy hoạch điện VIII trên địa bàn.
Cụ thể, theo quy hoạch điện VIII, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 22 dự án năng lượng tái tạo. Trong đó, tỉnh đã chấp thuận cho nhà đầu tư thực hiện 8 dự án/2.677MW, gồm: Thủy điện tích năngPhước Hoà, thuỷ điện tích năng Bác Ái, nhà máy điện gió Phước Hữu, nhà máy Phong điện Việt Nam Power số 1, nhà máy điện gió Công Hải 1 (giai đoạn 1 và giai đoạn 2), nhà máy điện dùng năng lượng tái tạo Phước Nam - Enfinity - Ninh Thuận và một phần công suất nhà máy điện gió Hanbaram.
![]() |
Nhiều dự án năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận đang gặp vướng mắc. |
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, hiện nhiều dự án quy mô lớn đang vướng mắc về cơ chế giá, thủ tục hành chính và giải phóng mặt bằng. Ví dụ như dự án thuỷ điện tích năng Bác Ái của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (công suất 1.200 MW, tại huyện Bác Ái, tổng vốn đầu tư khoảng 21.101 tỷ đồng) tiến độ dự kiến phát điện tổ máy 1 vào tháng 12/2029; hoàn thành toàn bộ dự án năm 2030. Tuy nhiên, dự án này đang gặp vướng vì chưa phê duyệt được hệ số giá đất, giá sản phẩm cây trồng để tính tiền bồi thường.
Dự án nhà máy điện gió Phước Hữu của Công ty TNHH MTV Điện gió Hà Đô Thuận Nam tại huyện Ninh Phước (công suất 50MW, diện tích 9,84ha, tổng vốn 1.730 tỷ đồng) dự kiến hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại trong quý IV/2025 nhưng hiện đang bị chậm tiến độ do Bộ Công thương chưa ban hành khung giá điện gió cho năm 2025.
Dự án thuỷ điện tích năng Phước Hoà (công suất 1.200MW, diện tích sử dụng đất khoảng 87,5ha tại huyện Bác Ái và Ninh Sơn, tổng vốn đầu tư khoảng 22.865 tỷ đồng) cũng đang gặp vướng mắc do cơ chế giá chậm ban hành nên việc tính toán khả thi và huy động vốn chưa thực hiện được...
Trước những khó khăn và vướng mắc nêu trên, Sở Công Thương Ninh Thuận đề nghị các nhà đầu tư tiếp tục phối hợp địa phương chuẩn bị các điều kiện để khởi công dự án, nhất là công tác giải phóng mặt bằng.
Về khung giá điện, Sở Công Thương Ninh Thuận cho biết sẽ tham mưu UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị Bộ Công Thương sớm ban hành khung giá năm 2025 đối với loại hình điện gió.
Cơ quan này sẽ kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành rút ngắn thời gian xử lý thủ tục nội bộ, đảm bảo tiến độ khởi công và hoàn thành của các dự án.
Đối với các dự án chưa lựa chọn nhà đầu tư, tỉnh Ninh Thuận cũng sẽ tạo mọi điều kiện và rút ngắn tối đa thời gian giải quyết các quy trình nội bộ để lập thủ tục triển khai đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phù hợp và có năng lực.