Loại hoa đem nấu canh giúp bổ gan, thận: Việt Nam trồng nhiều, người dân đem bán, kiếm hơn 1 tỷ đồng/năm

Đây là loại hoa được người dân trồng leo giàn để làm cảnh, lấy bóng mát. Tuy nhiên, trong đông y, loại hoa này lại là vị thuốc quý cho sức khỏe, giúp dưỡng gan, dưỡng thận.
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ (Bệnh viện Đại học Y Dược cơ sở 3) cho biết hoa thiên lý, còn gọi là cây hoa lý hay dạ lài hương, là loại hoa giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe.
Hoa thiên lý chứa nhiều dưỡng chất như: 2,9g protein; 2,8g glucid; 3g chất xơ; 52mg canxi; 53mg photpho; 1,2mg sắt; 1,17mg beta carotene (tiền chất của vitamin A); 0,19mg vitamin B1; 0,13mg B2; 1,1mg PP, 48mg vitamin C.
Theo nghiên cứu sơ bộ của GS. Đỗ Tất Lợi và Ngô Vân Thu, lá và thân cây hoa thiên lý đều chứa ancaloit – một nhóm hợp chất có tác dụng điều trị như morphin (giảm đau), quinine (chống sốt rét), atropin (giãn đồng tử, giảm co thắt cơ). Một số ancaloit còn được dùng làm thuốc an thần, chống co giật, chống viêm hoặc hạ huyết áp.
Công dụng của hoa thiên lý
Theo Đông y, hoa thiên lý có vị ngọt, tính bình, giúp thanh nhiệt, giải độc và an thần. Hoa thiên lý có tính sát khuẩn tự nhiên, giúp loại bỏ vi khuẩn và ngăn ngừa viêm nhiễm. Các món ăn từ hoa thiên lý có tác dụng giải nhiệt, tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ điều trị bệnh trĩ. Loài hoa này cũng chứa nhiều chất xơ và diệp lục, ít calo, giúp tạo cảm giác no lâu và hạn chế hấp thụ chất béo, hỗ trợ quá trình giảm cân.
Với khả năng thanh nhiệt và giải độc, hoa thiên lý còn giúp phòng ngừa và giảm triệu chứng rôm sảy ở trẻ em. Mọi người có thể nghiền nhỏ hoa thiên lý và nấu với bột hoặc cháo cho trẻ ăn.
Lá và hoa thiên lý tươi dùng để nấu canh cũng giúp bổ gan, thận. Người khó ngủ hay lo âu dùng hoa thiên lý nấu canh sẽ cảm thấy khoan khoái, dễ ngủ, ngủ ngon; giảm tiểu đêm và mệt mỏi; đồng thời an thần, bổ tâm thận. Để cải thiện giấc ngủ, mọi người có thể nấu canh bằng hoa thiên lý, lá vông nem hoặc thịt lợn, cá diếc, sử dụng liên tục trong 5–7 ngày.
Ngoài hoa thiên lý, lá của cây cũng từng được ứng dụng trong điều trị bệnh. Tháng 5/1962, Bệnh viện Thái Bình đã sử dụng lá thiên lý để chữa một số trường hợp bị trĩ và sa dạ con với kết quả khả quan.
Cách chữa trĩ và sa dạ con như sau: Dùng 100g lá thiên lý, 5g muối. Rửa sạch lá thiên lý non và lá bánh tẻ, giã nát với muối, thêm khoảng 30ml nước cất, lọc qua vải gạc. Dùng nước thuốc tẩm vào bông, đắp lên chỗ bị trĩ hoặc bị sa dạ con đã rửa sạch bằng thuốc tím, băng lại như đóng khố, thực hiện 1-2 lần/ngày. Sau 3-4 ngày bệnh sẽ khỏi.
Thời điểm đó, trong 9 trường hợp điều trị tại Bệnh viện Thái Bình, có 8 trường hợp bệnh nhẹ đã được điều trị khỏi, 1 trường hợp sa dạ con trên 6 tháng đắp thuốc không có hiệu quả.
Lưu ý khi sử dụng hoa thiên lý
- Không lạm dụng: Hoa thiên lý chứa ancaloit, có thể gây ngộ độc nếu dùng quá liều. Do đó, mọi người nên ăn hoa thiên lý khoảng 1–2 lần/tuần.
- Tránh kết hợp với thực phẩm chứa sắt: Khi chế biến hoa thiên lý, đặc biệt là cho người bị đau khớp, không nên kết hợp hoa với gan, thịt lợn, rau muống vì sắt có thể làm mất kẽm trong cơ thể.
- Không nấu quá kỹ: Việc nấu kỹ có thể làm giảm dinh dưỡng và hiệu quả điều trị của hoa thiên lý.
Hoa thiên lý tại Việt Nam
Theo thông tin tổng hợp từ các báo địa phương, tại Việt Nam, hoa thiên lý được trồng ở nơi như Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An,... Hoa thiên lý không chỉ đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe mà còn mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
Ông Nguyễn Trọng Diện, thôn Yên Bình, xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ gia đình ông đã có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm nhờ việc trồng và kinh doanh hoa thiên lý. Không chỉ mang lại thu nhập cao, gia đình ông còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, theo thông tin từ Truyền hình Thanh Hóa.