Lộ trình cho lao động nghèo khi Hà Nội cấm xe máy chạy xăng dầu

Hà Nội đang đẩy mạnh kế hoạch cấm xe xăng trong khu vực Vành đai 1 từ tháng 7/2026 nhằm giảm ô nhiễm không khí. Nhưng bài toán chuyển đổi phương tiện lại đặt không ít gánh nặng lên những người thu nhập thấp, bệnh nhân cần tiếp cận dịch vụ y tế.
Giá xe điện đắt đỏ
Trong khi thành phố kỳ vọng chính sách cấm xe xăng sẽ góp phần cải thiện môi trường, thực tế giá xe điện tại Việt Nam vẫn ở mức cao. Nhiều mẫu ôtô điện có giá từ 600-800 triệu đồng, trong khi xe máy điện chất lượng tốt cũng dao động 30-50 triệu đồng. Đây là mức giá ngoài tầm với của không ít người lao động phổ thông. Với hàng triệu người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận, xe máy cũ chạy xăng vẫn là phương tiện di chuyển chính. Thế nên, việc cấm xe xăng tại trung tâm cần tính toán để không tước đi cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục và công việc của nhóm đối tượng này.
Bệnh viện tuyến đầu nằm trong trung tâm
Khu vực Vành đai 1 tập trung nhiều bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức, 108, Phụ sản Trung ương, Viện Huyết học... – nơi tiếp nhận hàng triệu lượt bệnh nhân mỗi năm, trong đó có đông đảo người nghèo, người cao tuổi từ các tỉnh. Với họ, xe máy xăng là lựa chọn tối ưu để di chuyển nhanh, tiết kiệm chi phí. Nếu chính sách cấm xe xăng được áp dụng, câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để họ đến được các bệnh viện này?
>> Thách thức cấm xe máy chạy xăng dầu trong Vành đai 1 Hà Nội
Cần lộ trình hợp lý và giải pháp đồng bộ
Tôi cho rằng, để việc áp dụng khi chỉ còn chưa đầy 12 tháng, thành phố nên cân nhắc các giải pháp thiết thực:
Phát triển giao thông công cộng: Đẩy mạnh xe buýt điện, hệ thống xe trung chuyển từ vùng ven vào trung tâm.
Hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện: Có chính sách trợ giá, hỗ trợ vay mua xe điện cho hộ nghèo, người lao động.
Mở rộng mạng lưới trạm sạc: Khuyến khích doanh nghiệp, chung cư lắp đặt trạm sạc công cộng.
Nâng cấp y tế địa phương: Giảm tải cho bệnh viện trung ương bằng cách đầu tư nâng cấp bệnh viện tuyến dưới.
Lộ trình mềm mỏng: Từ giờ đến ngày lệnh cấm được thực thi, Hà Nội nên áp dụng tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt với các phương tiện trước để người dân có thời gian thích nghi.
Tóm lại, "xanh hóa" là hướng đi đúng đắn nhưng phải đi cùng sự hài hòa, nhân văn. Một "Hà Nội xanh" không chỉ đo bằng số lượng xe điện, mà còn ở khả năng đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ thiết yếu cho mọi người dân. Muốn vậy, thành phố cần lắng nghe và xây dựng lộ trình phù hợp, tránh để người nghèo vô tình bị bỏ lại sau chính sách môi trường.
Ngày 12/7, trong Chỉ thị 20 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội triển khai các giải pháp để tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, bảo đảm đến ngày 1/7/2026 không còn xe môtô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong vành đai 1.
Từ ngày 1/1/2028, ngoài cấm xe môtô, xe gắn máy chạy xăng dầu, ôtô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng bị hạn chế trong vành đai 1 và 2; đến năm 2030 áp dụng với toàn bộ phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong phạm vi vành đai 3.
Comet Small