Lo ngại phong trào “nằm thẳng” lan rộng ở nhiều nước châu Á

Xu hướng “nằm yên” và “mặc kệ” đang lan rộng trong một bộ phận người trẻ ở một số nước tại châu Á.
Trước tình trạng thất nghiệp gia tăng và chi phí sinh hoạt leo thang, nhiều thanh niên Trung Quốc đang quay lưng với văn hóa làm việc cật lực, lựa chọn lối sống buông xuôi với hai trào lưu "Tang Ping" (nằm yên) và "Bai Lan" (mặc kệ cho thối rữa, hay thờ ơ với thời cuộc).
Nếu phương Tây đang chứng kiến xu hướng "quiet quitting" (nghỉ việc trong im lặng), thì tại Trung Quốc, phong trào Bai Lan cho thấy thái độ buông xuôi trước những kỳ vọng xã hội và áp lực công việc khắc nghiệt. Người trẻ chọn "nằm yên", từ chối làm việc quá sức, chỉ lao động ở mức tối thiểu để sống qua ngày.
Theo truyền thông Trung Quốc, có nhiều nguyên nhân khiến những phong trào này lan rộng: Tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ từng chạm mốc kỷ lục 21,3% vào giữa năm 2023. Trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm, nhiều người mất niềm tin vào việc cố gắng vươn lên; Văn hóa làm việc 996, với thời gian làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày mỗi tuần khiến giới văn phòng kiệt sức, nhưng thu nhập vẫn không đủ để mua nhà, kết hôn hay cải thiện chất lượng sống; Chi phí sinh hoạt đắt đỏ, với giá nhà và sinh hoạt leo thang khiến ổn định tài chính trở nên xa vời với thế hệ trẻ; Thiếu cơ hội thăng tiến khi nhiều người tin rằng xuất thân vẫn là yếu tố quyết định thành công, khiến họ cảm thấy bị mắc kẹt trong hệ thống.
Với nhiều người, Bai Lan và Tang Ping không chỉ là lối sống mà còn là một hình thức phản kháng im lặng trước kỳ vọng xã hội đặt nặng năng suất mà không mang lại giá trị tương xứng.
Chính phủ Trung Quốc coi Bai Lan và Tang Ping là mối đe dọa với tăng trưởng kinh tế và trật tự xã hội. Để ứng phó, Bắc Kinh đã triển khai hàng loạt biện pháp như: Tuyên truyền thúc đẩy tinh thần làm việc, tạo việc làm và cải cách giáo dục, khuyến khích thanh niên cống hiến…
Tuy nhiên, nhiều người trẻ cho rằng các chính sách hiện tại chưa chạm đến gốc rễ vấn đề, đó là sự mất niềm tin vào hệ thống và cảm giác bị bỏ lại phía sau.
Phong trào Bai Lan không chỉ là phản ứng với kinh tế khó khăn, mà còn phản ánh sự thay đổi sâu sắc trong nhận thức của giới trẻ về công việc, thành công và hạnh phúc cá nhân. Những giá trị truyền thống như lập gia đình, làm việc ổn định, sở hữu nhà cửa đang dần bị thay thế bởi lối sống tối giản, ít kỳ vọng.
Các nền tảng mạng xã hội như Weibo hay Douyin góp phần lan tỏa tư tưởng này, kết nối cộng đồng những người cùng quan điểm "buông bỏ". Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo nếu xu hướng này tiếp diễn, nền kinh tế Trung Quốc có thể đối mặt với nguy cơ suy giảm năng suất và gia tăng bất bình đẳng thu nhập trong dài hạn.
Dù gần đây có dấu hiệu phục hồi, thị trường lao động Trung Quốc vẫn còn nhiều thách thức. Trong năm 2024, nước này đã tạo thêm hơn 12,5 triệu việc làm tại đô thị, đạt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ thất nghiệp thành thị được khảo sát ở mức 5,1%, giảm nhẹ so với năm trước. Tuy vậy, xu hướng dân số giảm và tỷ lệ kết hôn thấp, với số lượng đăng ký kết hôn trong năm 2024 giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1980, cho thấy những vấn đề sâu xa hơn đang âm thầm tích tụ.
Trong khi đó, số liệu từ Hội đồng Đào tạo lại Nhân viên Hong Kong cho biết 36,1% thanh niên tại Đặc khu Hành chính Hong Kong - những người không đi học cũng không có việc làm - nói rằng họ không có kế hoạch tìm kiếm công việc nào cả. Ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp lựa chọn trì hoãn việc gia nhập thị trường lao động, thay vào đó theo học các chương trình sau đại học. Nhìn bề ngoài, điều này có vẻ như họ đang đầu tư thêm vào kỹ năng và bằng cấp, nhưng lại là cách để một số người tránh né những áp lực từ thị trường việc làm thêm vài năm nữa.
Theo trang Chinadailyasia, tại Nhật Bản, chỉ có 30% thanh niên tin rằng việc leo lên nấc thang sự nghiệp là điều quan trọng, theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu Nhật Bản. Thay vào đó, nhiều người trẻ chọn ưu tiên công việc có ý nghĩa và cảm thấy vui vẻ khi làm việc.
Ở Singapore, có tới 17.000 thanh niên từ 15-24 tuổi thuộc nhóm NEET - không học, không làm, cũng không tham gia đào tạo nghề.
Một khảo sát gần đây của tổ chức tư vấn MWYO giúp lý giải nguyên nhân đằng sau hiện tượng này. Đối với giới trẻ Hong Kong (Trung Quốc), cân bằng cuộc sống và công việc mới là ưu tiên hàng đầu khi lựa chọn công việc lý tưởng, vượt xa triển vọng nghề nghiệp. Cụ thể, yếu tố cân bằng công việc và cuộc sống đạt số điểm trung bình 8,26/10 - cao nhất trong tất cả các tiêu chí. Sự thay đổi trong thứ tự ưu tiên này phản ánh xu hướng ngày càng tăng ở thế hệ trẻ: họ tìm kiếm sự viên mãn cá nhân hơn là tham vọng thăng tiến.
Tranh luận về việc giới trẻ có thật sự "nằm yên" hay không là một vấn đề phức tạp, không có lời giải đơn giản. Một mặt, có dấu hiệu cho thấy họ thiếu động lực; mặt khác, các số liệu cũng chỉ ra rằng họ chỉ đang thay đổi thứ tự ưu tiên, hướng tới cuộc sống cân bằng và sự phát triển cá nhân. Để đối mặt với thách thức này, cần một cách tiếp cận toàn diện: cung cấp định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn, mở rộng cơ hội thực tập, và tăng cường hợp tác giữa chính phủ, các trường đại học và doanh nghiệp.