Lo ngại một thế hệ trẻ nói trơn tru 'hello' nhưng không biết 'chào'

Theo các nhà giáo dục, giáo dục quốc tế hiện nay ở Việt Nam đang có nguy cơ làm mai một bản sắc văn hoá truyền thống, đặc biệt là sự đứt gãy về Tiếng Việt.
Lo ngại tiếng Việt trở thành ngoại ngữ
Tại diễn đàn giáo dục vượt trội nâng niu bản sắc diễn ra cuối tuần qua ở TPHCM, các diễn giả đã chỉ ra mặt tiêu cực của giáo dục quốc tế hiện nay ở Việt Nam.
Nhà giáo dục, nhạc sĩ Thanh Bùi cho rằng, để thế hệ trẻ không chỉ biết mà còn hiểu về bản sắc dân tộc thì trường quốc tế cần dạy các em về truyền thống.
Đơn cử như ở Trường Tiểu học Việt Nam Tinh hoa, bắt buộc học sinh phải nói lưu loát tiếng Anh và sõi tiếng Việt. Các em được học về văn hoá truyền thống, lịch sử, từ việc tại sao Tết cổ truyền lại gói bánh chưng, Tết Trung thu rước đèn lồng, các trò chơi dân gian tới lòng biết ơn và sự hiếu thảo.
“Tôi lo ngại sự quốc tế hoá trong môi trường giáo dục hiện nay với việc chú trọng tiếng Anh và hội nhập sẽ khiến một thế hệ trẻ Việt Nam tuy nói trơn tru 'hello' nhưng lại không biết chào”, nhạc sĩ Thanh Bùi nói và cho rằng tiếng Việt không thể trở thành ngoại ngữ với thế hệ trẻ.
Theo ông, mục tiêu cuối cùng của giáo dục toàn diện và xa hơn là phát triển vượt trội chính là tiếp thu tinh hoa học thuật quốc tế kết tinh với bản sắc truyền thống. Bản sắc và sự toàn diện mới đưa thế hệ trẻ Việt Nam đi ra thế giới, cạnh tranh, khác biệt. Người Việt Nam không thể hội nhập toàn cầu hiệu quả, vượt trội nếu không trả lời được mình là ai, mình đến từ đâu.
Trước câu hỏi cân bằng và giáo dục bản sắc Việt cho hai con của mình, nhạc sĩ Thanh Bùi cho biết ông và hai con nói song song tiếng Việt và tiếng Anh. Các con nói với bà nội bằng tiếng Việt và nói với bà ngoại tiếng Hoa. Việc sử dụng đa ngôn ngữ giúp con người linh hoạt và dễ diễn đạt phù hợp từng bối cảnh.
“Điều khác biệt và cái hay của tiếng Việt là giúp chạm sâu vào suy ngẫm và tâm hồn. Nếu tôi và con trao đổi với nhau một vấn đề xã hội thì tiếng Anh sẽ giúp dễ dàng làm rõ vấn đề. Nhưng khi có bất đồng hoặc xung đột về hành xử, đòi hỏi chạm vào tầng sâu nhất, khơi dậy yêu thương và hàn gắn thì lại phải bằng tiếng Việt”, ông kể.
Thanh Bùi cho biết, ông được sinh ra, lớn lên và có 28 năm ở Australia nhưng vẫn thấy “lạc trôi”. Sau này, khi về Việt Nam sống, làm việc, ông đã hiểu “cái mùi” của quê hương, cái rốn của mình thuộc về đâu. Tiếng mẹ đẻ là cái gốc, Việt Nam là rễ của mình.
Vị nhạc sĩ kể một câu chuyện nhỏ nhưng mang tới suy ngẫm và thay đổi về phương châm tại sao ông muốn phát triển con đường giáo dục toàn diện với phát huy bản sắc.
“Trong một chuyến bay từ Hà Nội, tôi chứng kiến hai mẹ con ngồi phía sau hoàn toàn đứt kết nối vì mẹ chỉ biết nói tiếng Việt nhưng con thì nói tiếng Anh. Chuyện xảy ra không chỉ là cãi vã, bất đồng mà điều tôi bị tác động nhất là hai mẹ con ôm nhau khóc trong sự bất lực. Câu chuyện đó làm tôi vỡ ra, thực tế hiện nay, khác ngôn ngữ thì dù sống chung nhà, cha mẹ và con cái cũng sẽ khác luôn trái tim”, ông nói.
Thanh Bùi cho hay, từ câu chuyện này, khi chuyển sang làm giáo dục, ông đặt câu hỏi cho chính mình và phụ huynh rằng liệu chúng ta đang đánh đổi điều gì nếu thế hệ con em chỉ giỏi tiếng Anh nhưng mất gốc, lơ lớ tiếng mẹ đẻ?
Trường quốc tế không được "chiều" các giáo viên người nước ngoài
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, người có 40 năm hoạt động trong lĩnh vực ngoại giao, đối ngoại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cho rằng sự hiện diện của các trường, các chương trình quốc tế tại Việt Nam là xu hướng trong thời kỳ hội nhập. Song vấn đề nằm ở chỗ làm sao để giữ được giá trị Việt trong môi trường học tập toàn cầu.
Bà Ninh cho rằng, thách thức này có phần xuất phát từ chính đội ngũ giáo viên nước ngoài. Nhiều "giáo viên Tây" đến Việt Nam giảng dạy với tâm thế mang thế giới vào lớp học nhưng lại không quan tâm hoặc không thấy cần thiết phải hiểu về đất nước mình đang đứng lớp.
Nhớ lại câu chuyện của chính mình, bà Ninh kể, hồi mới về Việt Nam học ở Trường Marie Curie xưa, bà từng được các thầy cô Pháp yêu cầu chọn một tên tiếng Pháp để tiện xưng hô - dù tên của bà là "Ninh" - rất dễ phát âm. Trong khi đó, khi bà học ở Pháp, không ai bắt bà phải đổi tên.
“Sự thiếu tôn trọng văn hóa bản địa bắt đầu từ những điều tưởng như rất nhỏ. Đến hôm nay vẫn còn nhiều giáo viên nước ngoài ở Việt Nam giữ tâm lý như thế. Đáng nói, các giáo viên này được trả lương cao nhưng không cố gắng học cách phát âm tên Việt, hay rộng hơn là hiểu hơn về bản sắc đất nước nơi họ đang giảng dạy”, bà Ninh nêu.
Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng, các trường không nên chiều giáo viên nước ngoài, mà cần đóng vai trò như những nhà đàm phán văn hóa. Khi tuyển dụng, tiêu chí không chỉ là bằng cấp hay kinh nghiệm, mà cần đặt ra yêu cầu rõ ràng về khả năng thích nghi và sẵn sàng học hỏi văn hóa bản địa. Thái độ học tập của người thầy rất quan trọng.
"Những người lập ra trường quốc tế không nên 'chiều' thầy cô nước ngoài. Ngoài việc giúp chúng ta biết những chuyện từ Silicon Valley, Hollywood thì bắt buộc họ khi tới Việt Nam dạy học và làm việc phải bỏ thì giờ tìm hiểu và học về văn hoá và đặc trưng của Việt Nam. Phải đặt ra được điều kiện thì tâm thế của chúng ta mới không bị lép vế”, bà Ninh đề xuất.