Nhảy đến nội dung
 

Lo lắng, hồi hộp và run sợ: Sinh viên quốc tế tại Harvard đang hoang mang vì khả năng lâm vào cảnh "đứt gánh giữa đường""

"Tương lai của chúng tôi sẽ đi đâu về đâu", nhiều sinh viên Harvard đang lo lắng.

Vào thứ Năm (22/5), chính quyền Tổng thống Trump đã công bố quyết định thu hồi quyền tiếp nhận sinh viên quốc tế của Đại học Harvard. Theo đó, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã ban hành lệnh hủy bỏ chứng nhận thuộc Chương trình Sinh viên và Khách mời Trao đổi (SEVP) của trường, đồng nghĩa với việc trường đại học danh tiếng này sẽ không còn được phép tuyển sinh những sinh viên mang quốc tịch nước ngoài – đối tượng hiện đang chiếm hơn 25% tổng số sinh viên của trường.

Quyết định này đánh dấu bước leo thang mới trong căng thẳng giữa Harvard và chính phủ Mỹ, sau khi Nhà Trắng đóng băng khoản ngân sách liên bang trị giá 2,2 tỷ USD vào tháng trước. Nguyên nhân xuất phát từ việc Harvard tuyên bố không chấp nhận các yêu cầu cải tổ từ chính quyền, bao gồm cả việc điều chỉnh chính sách dành cho sinh viên quốc tế.

Ngày 24/5, thẩm phán liên bang ra quyết định chặn tạm thời lệnh cấm tuyển sinh viên quốc tế của chính quyền Trump đối với Đại học Harvard. Phán quyết được đưa ra sau khi Harvard chính thức khởi kiện chính quyền liên bang, đánh dấu bước leo thang căng thẳng mới nhất giữa Nhà Trắng và một trong những trường đại học danh giá nhất nước Mỹ.

Trong đơn kiện, Harvard cáo buộc quyết định cấm sinh viên quốc tế theo học tại trường là "hành vi vi phạm" luật pháp và quyền tự do ngôn luận.

Phía chính quyền Trump cho rằng Harvard chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp nhằm chống lại chủ nghĩa bài Do Thái, đồng thời cần thay đổi cách thức tuyển sinh và tuyển dụng - những cáo buộc mà Harvard kiên quyết bác bỏ.

Thẩm phán Burroughs cho biết bà ra quyết định vì Harvard đã chứng minh được rằng họ "sẽ phải chịu tổn thất ngay lập tức và không thể khắc phục" nếu chính phủ được phép thu hồi giấy phép của trường trước khi tòa án có thể xem xét vấn đề. Nữ thẩm phán lên lịch tổ chức phiên điều trần vào 27 và 29/5 để xem xét các bước tiếp theo trong vụ án. Bà sẽ quyết định có ban hành lệnh cấm sơ bộ hay không. Lệnh này chặn hành động của chính quyền cho đến khi có phán quyết cuối cùng về vụ kiện.

Chính quyền Trump có thể kháng cáo phán quyết của Burroughs.

Nỗi sợ của sinh viên quốc tế tại Harvard?

Theo các chuyên gia pháp lý, hiện tại, lệnh tạm hoãn của thẩm phán cho phép sinh viên quốc tế tiếp tục học tập bình thường tại Harvard.

Tuy nhiên, nếu chỉ thị của chính quyền Trump được thực thi sau khi lệnh tạm hoãn hết hiệu lực, tình hình sẽ trở nên phức tạp hơn đối với cả sinh viên quốc tế đang theo học và các sinh viên sắp nhập học. Trong một bức thư gửi Harvard, Bộ trưởng An ninh Nội địa Kristi Noem cho biết việc thu hồi chứng nhận SEVP (Chương trình Sinh viên và Trao đổi) đồng nghĩa với việc Harvard sẽ không được phép tuyển sinh bất kỳ cá nhân nào thuộc diện visa không định cư F hoặc J trong năm học tới. Ngoài ra, những sinh viên quốc tế đang giữ loại visa này sẽ phải chuyển sang một trường khác để duy trì tình trạng lưu trú hợp pháp tại Mỹ.

Theo quy định, các cơ sở giáo dục muốn tuyển sinh viên quốc tế diện F-1 hoặc M-1 bắt buộc phải có chứng nhận SEVP từ Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE). Trường học phải thường xuyên cập nhật thông tin cơ bản của từng sinh viên, bao gồm địa chỉ và tình trạng học tập, lên hệ thống. Sinh viên quốc tế theo học tại các cơ sở bị mất chứng nhận SEVP thường được phép chuyển tiếp sang một trường được chứng nhận khác trước khi buộc phải rời khỏi Mỹ.

Hướng dẫn của ICE nêu rõ: các trường được chứng nhận SEVP có "nghĩa vụ pháp lý nghiêm ngặt" với sinh viên và chính phủ Mỹ.

"Hệ thống SEVP sẽ sử dụng đầy đủ thẩm quyền của chính phủ Hoa Kỳ để bảo vệ sinh viên, đồng thời áp dụng biện pháp xử phạt đối với bất kỳ cơ sở nào phớt lờ trách nhiệm của mình", theo tài liệu chính thức của ICE.

Chủ tịch Đại học Harvard, ông Alan Garber, đã cam kết rằng nhà trường sẽ bảo vệ quyền lợi của sinh viên quốc tế. Trong thông điệp gửi đến toàn thể cộng đồng Harvard hôm thứ Sáu, ông nhấn mạnh:

"Các bạn là bạn học và những người bạn thân thiết, là đồng nghiệp và người thầy, là đối tác cùng chúng tôi vun đắp cho một Harvard vĩ đại. Nhờ có các bạn, chúng tôi hiểu biết nhiều hơn, thế giới này trở nên khai sáng và kiên cường hơn. Chúng tôi sẽ luôn sát cánh cùng các bạn và nỗ lực hết mình để Harvard tiếp tục là cánh cửa rộng mở với toàn thế giới".

Lễ tốt nghiệp dưới bóng mây bất định

Mặc dù nhà trường đã có những biện pháp để trấn an tinh thần của sinh viên, nhưng dạo quanh Harvard những ngày này, không khí yên ắng đến lạ.

Các lớp học đã kết thúc, sân trường bắt đầu được dựng lều để chuẩn bị cho lễ tốt nghiệp, sinh viên nô nức đi thuê áo choàng và nhận vé mời cho người thân. Mọi thứ tưởng như sẵn sàng cho một tuần lễ ăn mừng rộn ràng.

Thế nhưng với sinh viên quốc tế - những người đang mong được ở lại Mỹ sau khi tốt nghiệp, 48h giờ qua lại là chuỗi hoang mang và lo lắng tột độ.

Từ sáng sớm, nhiều sinh viên tất bật tìm kiếm câu trả lời: Liệu họ có phải rời khỏi Mỹ ngay lập tức? Việc bị trục xuất có đang cận kề?

Cormac Savage, sinh viên đến từ Downpatrick, hạt Co Down (Bắc Ireland), chỉ còn sáu ngày nữa là tốt nghiệp ngành Chính phủ và Ngôn ngữ. Anh đã nhận lời làm việc tại Brussels (Bỉ) thay vì Mỹ - một quyết định phần nào xuất phát từ sự bất ổn tại Mỹ.

Với những sinh viên chưa tốt nghiệp, mọi thứ cũng không kém phần rối ren. Rohan Battula (sinh viên năm ba đến từ Anh) dự định làm việc tại New York vào tháng Sáu, và tất cả phụ thuộc vào chiếc visa du học.

"Tôi lo nếu về nước rồi thì sẽ không thể quay lại nữa", nam sinh chia sẻ với BBC.

Giấc mơ du học bị treo lơ lửng

Trong năm học 2024–2025, Harvard có 6.793 sinh viên quốc tế đang theo học, chiếm khoảng 27% tổng số sinh viên của trường. Theo thông tin từ nhà trường, quyết định của Bộ An ninh Nội địa có thể ảnh hưởng đến một bộ phận đáng kể trong cộng đồng học thuật của Harvard, với tổng số sinh viên và học giả quốc tế lên đến 9.970 người.

Khoảng 1/5 trong số sinh viên đang theo học tại trường đến từ Trung Quốc, bên cạnh lượng lớn sinh viên đến từ Canada, Ấn Độ, Hàn Quốc và Vương quốc Anh. Việt Nam xếp thứ 25 trong danh sách 147 quốc gia có sinh viên quốc tế theo học tại Harvard, với 56 người.

Trong danh sách sinh viên quốc tế còn có cả Công chúa Elisabeth, 23 tuổi - người thừa kế ngai vàng tương lai của Vương quốc Bỉ.

Yang (Trung Quốc) - một sinh viên cao học ngành Y tế công cộng tại Harvard đã phải hủy chuyến bay về quê nhà và từ bỏ cơ hội thực tập tại một tổ chức phi chính phủ của Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc. Dù chưa có kế hoạch cụ thể nào, Yang vẫn muốn ở lại Mỹ: "Tôi đã lên kế hoạch chi tiết cho bài nghiên cứu của mình, nhưng giờ mọi thứ đổ sông đổ bể rồi".

Nếu không có sinh viên quốc tế, nguồn tài chính của Harvard sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các chuyên gia cho rằng sinh viên quốc tế thường có xu hướng chi trả toàn bộ học phí, điều này thực tế đã giúp bù đắp cho các khoản hỗ trợ tài chính mà nhà trường cấp cho sinh viên trong nước.

Theo thông tin từ trường, học phí bậc đại học trong năm học tới sẽ lên tới 59.320 USD, chưa bao gồm các khoản phí khác như nhà ở, sách vở, ăn uống hay bảo hiểm y tế. Tổng chi phí cho một năm học tại Harvard, nếu không nhận được hỗ trợ tài chính, thường vượt quá 100.000 USD.

Lệnh cấm còn ảnh hưởng đến ai?

Nếu lệnh cấm được duy trì, Harvard sẽ không được phép nhận bất kỳ sinh viên nào có nơi cư trú thường trú ngoài nước Mỹ, tức là không có quốc gia nào được miễn trừ. Và ảnh hưởng không chỉ dừng lại ở sinh viên. Harvard cho biết họ hiện đang bảo trợ visa cho hơn 300 người không phải là sinh viên của trường, bao gồm vợ/chồng và con cái của sinh viên quốc tế đang sinh sống tại Mỹ. Nếu sinh viên quốc tế mất visa, những người phụ thuộc đi cùng họ cũng sẽ bị mất visa theo.

Lệnh cấm cũng có thể ảnh hưởng đến nhiều chương trình và hoạt động khác nhau của trường. Nếu một trường thuộc Ivy League, với chương trình thể thao lớn nhất nước Mỹ như Harvard, không còn đủ điều kiện cấp visa cho sinh viên quốc tế, nhiều đội thể thao của trường gần như sẽ không còn lực lượng thi đấu.

"Chỉ với một chữ ký, chính phủ đã tìm cách xóa sổ 1/4 số sinh viên của Harvard", đơn kiện của Harvard viết.

Isaac Bangura, sinh viên ngành Hành chính công đến từ Sierra Leone, đã cùng vợ và hai con gái nhỏ chuyển đến Harvard. "Các con tôi cứ hỏi: 'Bố ơi, con nghe nói họ sẽ đưa gia đình mình về nước lần nữa à? Các con đang nói đến việc bị trục xuất'", anh kể lại.

Harvard và những thách thức mới từ chính sách liên bang

Harvard, cùng nhiều trường đại học hàng đầu khác tại Mỹ, đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ các thay đổi trong chính sách giáo dục và nhập cư của chính phủ liên bang. Những căng thẳng này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động điều hành của trường, mà còn khiến tương lai của hàng nghìn sinh viên quốc tế trở nên bất định.

Gần đây, các biện pháp từ chính quyền liên bang đã tác động mạnh đến nguồn tài trợ của một số trường đại học, bao gồm việc tạm ngừng cấp ngân sách trong một số trường hợp. Điều này khiến nhiều trường, trong đó có Harvard, buộc phải tìm đến tòa án để bảo vệ quyền lợi và ổn định môi trường học thuật.

Dù đối mặt với áp lực, Harvard vẫn cho thấy quyết tâm duy trì các giá trị giáo dục cốt lõi và hỗ trợ tối đa cho sinh viên của mình. Trường đã chủ động thực hiện một số điều chỉnh nội bộ, đồng thời tăng cường hợp tác với các chuyên gia pháp lý nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho toàn thể sinh viên, đặc biệt là cộng đồng du học sinh đang theo học tại đây.

Bất chấp thách thức, Harvard hiện vẫn đang triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ sinh viên, từ tư vấn pháp lý đến việc cập nhật liên tục các thông tin liên quan đến thị thực và tình trạng học tập. Những nỗ lực này được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt tâm lý bất an và giữ vững môi trường học thuật đa dạng, cởi mở - thứ vốn là đặc trưng của các trường đại học hàng đầu thế giới.

Theo CNN, BBC


 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn