Lỗ hổng quản lý bác sĩ quảng cáo sữa giả

Liên quan đến vụ sản xuất, tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai vừa bị Bộ Công an triệt phá, nhiều bác sĩ, cán bộ y tế, chuyên gia dinh dưỡng cũng bị phát hiện tham gia vào các video quảng cáo sữa giả. Và điều khiến tôi quan tâm là lời giải thích của một PGS.TS, nguyên Phó Viện trưởng Dinh dưỡng Quốc gia, rằng bản thân "bị lợi dụng".
Tôi không hiểu vì sao mọi thứ diễn ra công khai dễ dàng như thế, vậy trách nhiệm này thuộc về ai?
Thị trường sữa tại Việt Nam có thể nói là khá hỗn loạn. Không ít doanh nghiệp có dấu hiệu lợi dụng truyền thông bẩn để chiếm thị phần với nhiều cách thức khác nhau như quảng cáo gắn với các bác sĩ, chuyên gia mặc áo blouse so sánh các loại sữa khác nhau, đánh tráo khái niệm về sữa với tần suất dày đặc trên mạng xã hội, gây hoang mang cho người tiêu dùng.
Các vụ việc sữa giả bị phát hiện thời gian qua không chỉ tác hại đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn gây mất niềm tin vào các chuyên gia y tế, làm suy yếu vai trò của bác sĩ trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Bởi ai mà chẳng tin lời bác sĩ.
>> Nếu không có người tự đi kiểm định kẹo rau củ Kera
Khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP đã quy định rõ không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên tuổi của các đơn vị y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế hay bài viết của họ để quảng cáo thực phẩm. Nhưng trên thực tế, nhiều sản phẩm quảng cáo vẫn vi phạm nhằm thao túng lòng tin của người tiêu dùng.
Lỗ hổng đang đến từ đâu?
Luật Quảng cáo năm 2012 (sửa đổi bổ sung 2018) quy định: "Quảng cáo sai sự thật" là hành vi bị cấm theo khoản 9, Điều 8 Luật Quảng cáo. Theo khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, hành vi này có thể bị xử phạt hành chính lên đến 80 triệu đồng với cá nhân, 160 triệu đồng với tổ chức, kèm theo các biện pháp bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép quảng cáo, buộc gỡ bỏ nội dung sai phạm, thu hồi ấn phẩm quảng cáo, và cải chính công khai. Trường hợp người vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính rồi, hoặc đã bị kết án rồi mà còn vi phạm thì có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Quảng cáo gian dối" theo quy định tại điều 197 Bộ luật Hình sự.
Duy Nam