Liverpool, đội bóng của những tấn bi kịch

Lịch sử hơn trăm năm của Liverpool đầy ắp vinh quang, nhưng cũng đong đầy những giọt nước mắt. Những giọt nước mắt từ các tấn thảm kịch, cảm giác đau thương, và sự chia ly.
"Khi bạn bước qua cơn dông. Hãy ngẩng cao đầu. Và đừng sợ bóng tối...
Hãy bước tiếp, bước tiếp, với hy vọng trong tim. Và bạn sẽ không bao giờ phải bước một mình, không bao giờ phải bước một mình".
Những câu hát của "You 'll Never Walk Alone" - ca khúc bất hủ mà CLB Liverpool chọn làm bài nhạc truyền thống, một lần nữa lại như nhát dao cứa thẳng vào con tim rướm máu của người hâm mộ đội bóng thành phố cảng.
Liverpool chắc chắn là một trong những CLB vĩ đại nhất làng bóng đá. Nhưng có lẽ, họ cũng là đội bóng phải gánh chịu nhiều thảm kịch nhất, nhiều nỗi đau nhất. Và thường là những nỗi đau đến vào thời điểm ít ai ngờ nhất.
Nếu bạn tìm kiếm "những thảm kịch bóng đá" trên Google, câu trả lời sẽ dẫn đến một danh sách. Trong đó Liverpool xuất hiện ít nhất 2 lần: thảm họa Heysel 1985 và thảm họa Hillsborough 1989.
Hillsborough - vết thương không bao giờ lành của người Liverpool
Ngày 15-4-1989, trận bán kết FA Cup giữa Liverpool và Nottingham Forest diễn ra tại sân Hillsborough (Sheffield) đã trở thành thảm họa lớn nhất lịch sử bóng đá Anh.
Do công tác tổ chức cẩu thả và sai lầm nghiêm trọng trong điều phối an ninh, hàng ngàn CĐV Liverpool bị dồn vào khu khán đài Leppings Lane. Áp lực đè nén đã khiến 97 người thiệt mạng, trong đó có cả những em nhỏ mới 10-12 tuổi.
Bi kịch không chỉ nằm ở con số thương vong, mà còn ở sự bất công tột cùng khi suốt hàng chục năm sau đó, dư luận và báo chí - đặc biệt là tờ The Sun đồng loạt đổ lỗi cho các CĐV Liverpool, gọi họ là nguyên nhân gây ra thảm họa.
Phải đến tận thập niên 2010, sau hàng loạt cuộc điều tra độc lập, công lý mới được trả lại. Cảnh sát và ban tổ chức bị vạch trần là những bên chịu trách nhiệm chính.
Nhưng với những người thân của nạn nhân, công lý đến quá muộn. “Chúng tôi không đòi lại được ai cả. Nhưng ít nhất thế giới đã hiểu chúng tôi là nạn nhân", một người mẹ từng mất con trai trong thảm kịch đã nghẹn ngào nói trong buổi tưởng niệm 30 năm.
Heysel 1985 - từ nạn nhân thành bị cáo
Bốn năm trước đó, Liverpool bước vào trận chung kết Cúp C1 châu Âu tại sân Heysel (Bỉ) gặp Juventus.
Trận đấu vốn không nên tổ chức tại một sân vận động cũ kỹ và thiếu an ninh, lại càng trở nên thảm khốc khi hàng rào giữa hai nhóm cổ động viên bị phá vỡ. Sự hỗn loạn dẫn đến cái chết của 39 người, đa phần là CĐV Juventus.
Dù nhiều yếu tố khách quan, kể cả sự yếu kém của lực lượng an ninh và cơ sở vật chất sân đấu, Liverpool vẫn bị xem là trung tâm của trách nhiệm.
Hệ quả là các đội bóng Anh bị cấm dự cúp châu Âu trong 5 năm, riêng Liverpool là 6 năm. Sự trừng phạt quá tay này đã đẩy bóng đá Anh đi lùi lại một thập niên.
Những niềm vui không trọn vẹn
Mùa giải 2019-2020, sau ba thập kỷ chờ đợi, Liverpool cuối cùng cũng lên ngôi vô địch nước Anh. Nhưng thay vì được diễu hành khắp thành phố, ăn mừng trong tiếng reo hò rực lửa của người hâm mộ, các cầu thủ Liverpool chỉ có thể giương cao chiếc cúp danh giá trước những khán đài vắng lặng.
Dịch COVID-19 bùng phát khiến toàn bộ mùa giải bị gián đoạn và kết thúc trong sân không khán giả.
Cúp vô địch trao cho Liverpool trước khán đài trống, không có CĐV nào chứng kiến, không có lễ hội, chỉ có màn ăn mừng cô độc của các cầu thủ và lời hát “You’ll Never Walk Alone” vang lên.
Với nhiều người, đó là chức vô địch buồn nhất trong lịch sử Premier League. Và Liverpool, một lần nữa, phải chịu cảnh trớ trêu của số phận.
5 năm sau chức vô địch lặng lẽ, Liverpool chạm tay vào cột mốc lịch sử khi vô địch Premier League mùa 2024-2025, qua đó cân bằng kỷ lục vô địch Anh của Man United. Nhưng rồi niềm vui vẫn có vết gợn.
Trong buổi lễ ăn mừng chức vô địch Premier League nói trên, vụ việc kinh hoàng đã xảy ra khi một chiếc xe Ford bất ngờ lao vào đám đông đang tụ tập trên đường Water Street.
Vụ tông xe khiến ít nhất 47 người bị thương, trong đó có trẻ em và một số người nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Kẻ gây ra vụ việc là một người đàn ông 53 tuổi, lái xe trong trạng thái bị ảnh hưởng bởi thuốc, đã bị bắt giữ ngay tại hiện trường.
Sự kiện này buộc CLB Liverpool phải hủy bỏ toàn bộ phần còn lại của lễ ăn mừng, và họ chọn cách dồn tài lực để hỗ trợ các nạn nhân.
Và chỉ 1 tháng sau những nỗi buồn hụt hẫng đó, nỗi đau nhân lên gấp bội với cái chết thương tâm của Diogo Jota - một trong những người hùng đáng nhớ ở mùa giải lịch sử vừa qua.
Số phận một lần nữa trêu đùa con tim của những CĐV Liverpool. Sau niềm vui tột đỉnh là những cơn đau tột cùng.
Nhưng lời bát hát "You 'll Never Walk Alone" vẫn vang vọng. Ca khúc của Richard Rodgers và Oscar Hammerstein II như vận vào số phận của Liverpool - một đội bóng bị bao trùm bởi các bi kịch, nhưng vẫn hiên ngang sừng sững.