Lính mũ nồi xanh và chuyện kể ở Abyei

TP - Cống hiến cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Phái bộ UNISFA khu vực Abyei - một trong những “điểm nóng bất ổn” thuộc châu Phi, Thiếu tá Nguyễn Mậu Vũ và Trung tá Nguyễn Mỹ Hạnh có những trải nghiệm đáng nhớ trong đời binh nghiệp.
Nhiều lần đối mặt hiểm nguy
Năm 2022, cơ duyên trở thành người lính mũ nồi xanh đến với Thiếu tá Nguyễn Mậu Vũ - Chính trị viên phó Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Công binh 279 (Binh chủng Công binh), khi anh được tuyển chọn tham gia Đội Công binh số 2 của Việt Nam đi làm nhiệm vụ tại Phái bộ UNISFA ở khu vực Abyei thuộc châu Phi, với vai trò chủ trì về công tác đảng, công tác chính trị trên cương vị Chính trị viên Đội.
Thiếu tá Vũ cho biết, trước khi sang châu Phi, anh và đồng đội đã trải qua nhiều khoá tập huấn, huấn luyện tiền triển khai với nhiều nội dung trong thời gian khoảng 6 tháng.
Cùng với việc tập trung đào tạo ngoại ngữ, huấn luyện chuyên môn chuyên ngành, kiến thức giữ gìn hòa bình (GGHB), kỹ năng sinh tồn là bổ sung các kiến thức về luật quốc tế, luật nhân đạo, kiến thức về đất nước, con người và các quy định của nước sở tại, tình hình Phái bộ…
Ngày 8/8/2023, sau khi đã đáp ứng các yêu cầu khắt khe dành cho lực lượng GGHB LHQ, Đội Công binh số 2 (ĐCB số 2) lên máy bay sang phái bộ UNISFA. Tại đây, trong thời gian 13 tháng, Chính trị viên Nguyễn Mậu Vũ cùng tập thể Đội đã nhận và hoàn thành tốt 188 chỉ lệnh nhiệm vụ mà LHQ giao.
Nhớ lại quãng thời gian “vượt khó” ở khu vực bất ổn này, Thiếu tá Vũ chia sẻ, những người lính mũ nồi xanh Việt Nam đã không ít lần đối mặt với hiểm nguy trong quá trình thực hiện nhiệm vụ dân vận.
Trong một chuyến đi bàn giao hai chiếc thuyền sắt cho người dân ở làng Mijak cách căn cứ Highway (nơi ĐCB số 2 đóng quân) khoảng 15km, khi đang tiến hành hạ thuỷ hai chiếc thuyền thì Thiếu tá Vũ thấy người dân của làng Mijak và làng Banton gần đó đang tụ tập rất đông, lên tới hàng trăm người.
“Mọi thứ tưởng như rất thuận lợi thì chỉ vài phút sau, người dân của hai làng xảy ra xung đột, họ xông vào nhau ẩu đả, các tay súng phía vòng ngoài lăm lăm những khẩu AK đã lên nòng, sẵn sàng nhả đạn.
Tuy phía chính quyền hạt Mijak có trấn an chúng tôi rằng các bạn đã có phương án bảo vệ an toàn cho đoàn Việt Nam, song tôi vẫn chỉ đạo các đồng chí đi cùng bình tĩnh, tập trung khẩn trương hạ thuỷ chiếc thuyền còn lại rồi nhanh chóng rời khỏi hiện trường, để bảo đảm an toàn cho người và trang bị của đơn vị”, Thiếu tá Vũ nói.
Thiếu tá Vũ kể tiếp: Đầu năm 2024, tại Abyei xảy ra xung đột vũ trang lớn giữa người Nuer với người Ngok Dinka dẫn đến thương vong nhiều. Đích thân Phó Tổng thư ký LHQ đến UNISFA chỉ đạo việc đưa người Nuer quay trở về phía Nam để kết thúc cuộc chiến. Vào một buổi chiều muộn tháng 2/2024, ĐCB số 2 được lệnh tham gia đoàn hộ tống của Phái bộ đưa hơn 2.000 người Nuer từ căn cứ Dokura về biên giới Nam Sudan đảm bảo bí mật, an toàn tuyệt đối chỉ trong một đêm. Kết thúc nhiệm vụ, Tư lệnh Phái bộ UNISFA đã khen ngợi và tặng bằng khen trực tiếp cho Đội Công binh Việt Nam.
Theo Thiếu tá Vũ, những công việc đáng tự hào mà ĐCB số 2 đã thực hiện tại đây là hoàn thành bảo dưỡng, sửa chữa các tuyến đường chính nối Sudan và Nam Sudan qua khu vực Abyei; mở mới các tuyến đường tuần tra với tổng chiều dài 337km trong mùa khô đảm bảo cho việc tuần tra của các Tiểu đoàn bộ binh của Phái bộ trong việc bảo đảm an ninh tại khu vực này.
![]() |
Đội Công binh số 2 trở về nước sau nhiệm kỳ công tác tại Phái bộ UNISFA, tháng 9/2024 |
“Chúng tôi cũng đã thi công xây dựng một số Smart Camp (doanh trại thông minh) tại các căn cứ ở đây, góp phần cải thiện đời sống sinh hoạt cho cán bộ, nhân viên của LHQ. Ngoài ra, ĐCB số 2 còn thực hiện hiệu quả nhiều nhiệm vụ khác như cứu kéo, vận chuyển hàng hoá, sửa sân bay trực thăng”, Thiếu tá Vũ chia sẻ.
Những kỷ niệm rưng rưng
Từng hai lần tham gia lực lượng GGHB LHQ, với ưu thế về ngoại ngữ và kinh nghiệm thực chiến, Trung tá Nguyễn Mỹ Hạnh - Giảng viên bộ môn tiếng Anh (Học viện Hậu cần) là một trong những nữ sĩ quan mũ nồi xanh tiêu biểu của Việt Nam.
Tháng 10/2023, Trung tá Hạnh nhận quyết định lên đường thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ UNISFA với cương vị Sĩ quan tham mưu huấn luyện cao cấp. Đây là một nhiệm vụ không mới đối với chị nhưng có yêu cầu cao hơn về ngoại ngữ và chuyên môn.
Trước đó, giáp Tết Nguyên đán 2021, chị nhận nhiệm vụ tham gia GGHB tại Phái bộ MINUSCA ở Cộng hoà Trung Phi với vai trò Trợ lý Phòng huấn luyện.
Được Phái bộ UNISFA đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong nhiệm kỳ công tác, Trung tá Hạnh còn tích cực tham gia cùng tổ công tác Phái bộ hỗ trợ ĐCB số 2 thực hiện hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ người dân khu vực Abyei.
“Mỗi lần trở về nước, tôi đều cảm thấy lưu luyến và mong muốn đồng đội sẽ thay thế vị trí của mình có thể làm tốt hơn nữa sứ mệnh của người lính mũ nồi xanh, góp phần mang hạnh phúc, hòa bình đến với người dân ở những vùng đói nghèo, chiến sự”.
Trung tá NGUYỄN MỸ HẠNH
Trung tá Hạnh cho biết, vào thời điểm đó, Abyei là khu vực mà Việt Nam đã cử đơn vị thứ hai sang thực hiện nhiệm vụ của LHQ với số lượng khá đông, khoảng 200 sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp. Tại đây, chị có điều kiện cùng ĐCB số 2 thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ người dân địa phương, nên có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ.
Trung tá Hạnh nhớ lại: Vào dịp 20/11 năm 2023, ĐCB của ta tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho học sinh và giáo viên ở một trường học tại Abyei.
Theo hình dung ban đầu của chị, ngôi trường ấy hẳn cũng khang trang, song khi đến nơi, chị thật sự bất ngờ vì nó quá đơn sơ. Cả trường chỉ có mấy khu nhà gạch là nơi ở của hiệu trưởng và giáo viên. Khu học sinh và các lớp học chỉ là những ngôi nhà xây dở, không có điện, không có cửa và trang thiết bị rất đơn giản.
“Trong khi đó, thời tiết ở Abyei vô cùng nóng nực và khô, nhiệt độ mùa hè có khi lên đến 50 độ C. Chứng kiến các em học sinh phải học tập trong môi trường như thế, tôi thấy rất thương và ao ước đến ngày xung đột kết thúc.
Lúc đó, giáo viên và học sinh ở Abyei sẽ có cơ hội được thụ hưởng môi trường dạy và học phù hợp giống như hầu hết giáo viên và học sinh tại Việt Nam hiện nay”, Trung tá Hạnh tâm sự.
Cũng trong những lần tham gia hoạt động hỗ trợ người dân sở tại, Trung tá Hạnh chứng kiến cảnh người mẹ sinh con trong vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Trẻ sơ sinh không được tiêm phòng và cũng không có loại sữa nào thay thế sữa mẹ. Nếu người mẹ không sớm có sữa ngay sau khi sinh, em bé mới chào đời cũng không có gì để ăn.
“Ở bệnh viện địa phương, có những em bé mắc một số bệnh rất đơn giản như viêm tai giữa, nhưng bố mẹ các em cũng không có tiền để khám chữa cho con. Có nhiều em bé được đưa đến bệnh viện dã chiến của lực lượng công binh Việt Nam để được chữa chạy miễn phí cứ khóc suốt vì bị viêm quá nặng, đi đến đâu... ruồi nhặng bay theo đến đó. Rất thương tâm”, Trung tá Hạnh kể.
Biến nơi tồi tàn thành căn cứ hiện đại
Ngày 7/5/2024 - đúng vào ngày Việt Nam kỷ niệm trọng thể 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, khi tới dự lễ khánh thành doanh trại thông minh (Smart Camp) tại căn cứ Highway do Đội Công binh số 2 tổ chức, Tư lệnh Phái bộ UNISFA Benjamin Olufemi Sawyerr khẳng định: “Ngày hôm nay chúng ta có mặt ở đây không chỉ để dự lễ khánh thành Smart Camp mà còn để chung vui với các bạn trong ngày lễ của sự vinh quang và chiến thắng.
Chính nhờ truyền thống và nét đặc sắc của một dân tộc đáng tự hào, các bạn đã tạo ra được một kết quả đáng tự hào, biến Highway từ một nơi tồi tàn nhất trở thành một trong những căn cứ hiện đại và đẹp nhất Phái bộ”.