Liệu "anh em của vàng" có đủ tốt để chống lạm phát?

Khi nói về lạm phát, mọi người dân đều nghĩ đến vàng như là một tài sản trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, bạc, kim loại “anh em” của vàng, cũng có thể làm điều tương tự.
Lạm phát (inflation) có thể được hiểu là sự tăng giá của hàng hóa và dịch vụ một cách liên tục trong một khoảng thời gian nhất định. Điều này dẫn đến mỗi đơn vị tiền tệ của một quốc gia sẽ mua được ít hàng hóa và dịch vụ hơn so với trước đây; nói cách khác, đó chính là sự suy giảm sức mua của đồng tiền.
Thủ phạm gây ra lạm phát
Lạm phát không tự nhiên xuất hiện, nó thường bắt nguồn từ những yếu tố phức tạp trong nền kinh tế. Theo các chuyên gia kinh tế, có ba nhóm nguyên nhân chính gây ra lạm phát:
Lạm phát do nhu cầu tăng đột biến: Tình trạng này xảy ra khi tổng nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế tăng mạnh và cao hơn so với tổng nguồn cung. Điều này khiến giá của hàng hóa và dịch vụ tăng lên cao. Các tác nhân có thể dẫn đến lạm phát do tổng cầu tăng gồm: Chính phủ tăng cường chi tiêu; Người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn; hoặc do lo ngại về giá cả sẽ tăng trong tương lai khiến người tiêu dùng chi tiêu mạnh tay hơn để tích lũy hàng hóa.
Lạm phát do chi phí tăng: Nguyên nhân này đến từ chi phí đầu vào của quá trình sản xuất tăng mạnh. Khi giá nguyên vật liệu như xăng dầu, kim loại, tiền lương, hoặc chi phí vận chuyển tăng lên, điều này dẫn đến các doanh nghiệp buộc phải tăng giá bán thành phẩm và dịch vụ của mình, từ đó đẩy mặt bằng giá lên cao. Ví dụ điển hình là khi giá xăng, dầu thế giới tăng vọt trong năm 2022 vừa qua, điều này dẫn đến chi phí vận tải tăng cao, khiến cho giá của nhiều mặt hàng cũng tăng theo, gây áp lực lên khả năng tiêu dùng của người dân.
Lạm phát do cung tiền: Khi lượng tiền trong lưu thông của một quốc gia tăng nhanh hơn tốc độ phát triển của nền kinh tế, sản lượng hàng hóa và dịch vụ không theo kịp nguồn cung tiền, lạm phát sẽ xảy ra. Khi ngân hàng trung ương bơm quá nhiều tiền vào nền kinh tế mà không đi kèm với sự tăng trưởng tương ứng về năng lực sản xuất, giá trị của mỗi đơn vị tiền tệ sẽ giảm xuống, dẫn đến giá cả hàng hóa tăng lên. Điều này thường liên quan đến các chính sách tiền tệ nới lỏng quá mức.
Bạc chống lại lạm phát bằng cách nào?
Và giống như vàng, bạc có đầy đủ các yếu tố để chống lại được lạm phát:
Tính khan hiếm: Bạc là một kim loại quý hiếm trong vỏ Trái Đất, việc khai thác bạc tốn kém và phức tạp. Theo dữ liệu của Metals Focus, hơn 70% sản lượng bạc được khai thác trên toàn cầu là các sản phẩm phụ từ các mỏ đồng, chì, kẽm,... Và chỉ có hơn 20% đến từ các mỏ bạc sơ cấp.
Tính bền: Bạc có khả năng chống lại sự oxy hóa và ăn mòn một cách hiệu quả, tuy có thua kém vàng nhưng sự ổn định và bền vững của bạc đã được chứng minh qua thời gian thông qua các sản phẩm bằng bạc cổ đại được khai quật tại Trung Quốc.
Tính đồng nhất và dễ nhận biết: Bạc nguyên chất (bạc 9999) có chất lượng đồng đều ở mọi nơi. Màu trắng sáng bóng đặc trưng, tỷ trọng lớn và âm thanh khi va chạm giúp bạc dễ dàng được nhận biết và khó làm giả.
Tính thanh khoản cao: Bạc được chấp nhận rộng rãi trên toàn cầu và có thể dễ dàng mua bán, trao đổi thành tiền mặt ở hầu hết các thị trường. Khối lượng giao dịch bạc tại Mỹ chỉ đứng sau vàng và mức tăng trưởng về giao dịch bạc trong năm 2024 tại sàn giao dịch CME đạt mức 20% so với năm 2023.
Tính dễ chia nhỏ và chế tác: Bạc có tính dẻo, có thể được dát mỏng, kéo thành sợi, hoặc đúc thành các đơn vị nhỏ hơn (như tiền xu, nhẫn, thỏi) mà không làm mất đi giá trị nội tại của nó. Điều này thuận tiện cho việc trao đổi và lưu trữ.
Sự chấp nhận rộng rãi toàn cầu: Vượt qua các rào cản về văn hóa và địa lý, bạc được công nhận và chấp nhận giá trị ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Với những tính chất trên, tương tự như vàng, bạc với độ khan hiếm và giá trị nội tại của mình hoàn toàn có thể cạnh tranh với vàng về khả năng chống lại lạm phát. Không những vậy, vai trò của bạc trong công nghiệp hiện đại là không thể thay thế khiến nó nổi lên như là một khoản đầu tư tiềm năng cho sự phát triển chung của toàn cầu trong tương lai.
Tiềm năng đầu tư của bạc
Nhiều quan điểm cho rằng bạc hấp dẫn như một khoản đầu tư có mục đích kép vì nó giữ giá trị như một kim loại quý và một kim loại công nghiệp. Các nhà phân tích của UBS dự kiến giá bạc sẽ tăng vọt 25,7% lên 38 đô la mỗi ounce vào cuối năm 2025, bất chấp mức giảm gần đây xuống còn 30,25 đô la/ounce do tâm lý ngại rủi ro.
Theo các chiến lược gia hàng hóa của UBS, giá dưới 30 đô la/ounce "khó có khả năng kéo dài trong ba đến sáu tháng tới" . Dữ liệu biến động lịch sử cho thấy tỷ lệ biến động hàng năm của bạc là 23,4% so với mức 15,1% của vàng, làm nổi bật tiềm năng tăng lợi nhuận mạnh mẽ trong giai đoạn thị trường phục hồi. Mẫu hình biến động này phù hợp với đợt phục hồi của bạc trong thời kỳ đại dịch năm 2020, chứng kiến mức tăng ấn tượng 47% sau những những đợt giảm giá đầu năm.
Điều khiến dự báo này đặc biệt hấp dẫn là bản chất kép của bạc vừa là kim loại tiền tệ vừa là kim loại công nghiệp. Với các ứng dụng công nghiệp chiếm 54% lượng tiêu thụ bạc trong quang điện, điện tử và y tế, kim loại này có lớp đệm nhu cầu nội tại mà các tài sản chỉ mang tính đầu cơ không có được. Theo Metals Focus, nguồn cung bạc dự kiến thâm hụt năm thứ 5 liên tiếp vào năm 2025. Tính đến hết năm 2024, tổng lượng thâm hụt nguồn cung bạc lũy kế từ năm 2021 đến năm 2024 đã lên mức hơn 21 nghìn tấn bạc.
Nhìn vào lịch sử từ các tranh chấp thương mại Mỹ-Trung năm 2018-2019, bạc ban đầu giảm 10% khi các lo ngại về ngành công nghiệp suy yếu (hơn 50% sản lượng bạc được sử dụng trong công nghiệp). Nhưng sau đó, giá bạc đã phục hồi 34% khi nhu cầu trú ẩn và phòng chống lạm phát lên ngôi. Các nhà phân tích của UBS kỳ vọng đợt giảm giá hiện tại sẽ theo một mô hình tương tự nhưng lưu ý rằng nó "khó có khả năng có quy mô tương tự" như đợt giảm giá trong đại dịch COVID-19.
"Các cuộc chiến thương mại trong lịch sử mang lại lợi ích cho tài sản trú ẩn, nhưng kim loại công nghiệp phải đối mặt với những trở ngại trong ngắn hạn" nhà phân tích Aakash Doshi của Citi bank giải thích. Đạo luật cơ sở hạ tầng năm 2021 của Hoa Kỳ đã thúc đẩy lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trong nước, với mức tăng 40% và đã tiêu thụ 1,8 tỷ ounce bạc đến năm 2024. Tương tự, khi EU áp thuế đối với xe điện Trung Quốc vào năm 2023, sản xuất pin của châu Âu đã tăng lượng tiêu thụ bạc lên 22% để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước.
Tỷ lệ giá vàng/giá bạc hiện đang ở mức 100:1 (1 lượng vàng đổi được 100 lượng bạc), cao hơn rất nhiều với mức trung bình 20 năm là 62:1, cho thấy bạc đang bị định giá thấp so với mối quan hệ lịch sử của nó với vàng.
Các số liệu hiệu suất từ đầu năm đến nay cho thấy vàng tăng 14,3% so với 9,8% của bạc, điều này cho thấy tiềm năng tăng giá của bạc nếu giá bạc bắt kịp với đà tăng của vàng và đưa tỷ lệ giá vàng/giá bạc về mức trung bình trong lịch sử. Trong đợt tăng giá mạnh mẽ của kim loại quý năm 2011, bạc đã vượt trội hơn vàng 38%.
Ngân hàng khổng lồ của Thụy Sĩ đang tích cực khuyên khách hàng mua bạc ở mức giá hiện tại, xem sự yếu kém gần đây là một cơ hội chiến lược được tạo ra bởi các điều kiện thị trường tạm thời. UBS khuyến nghị phân bổ 5-7% danh mục đầu tư vào kim loại quý trong các danh mục đầu tư đa dạng, chú trọng vào bạc khi tỷ lệ vàng/bạc vượt quá 75:1.
Giá bạc tại Phú Quý đã tăng 32.9% trong 1 năm qua.
Không chỉ có sự lạc quan của UBS, nhà sử gia Mike Maloney, chuyên gia hàng đầu về vàng và bạc, tác giả của cuốn sách bán chạy nhất về kim loại quý: “Guide to Investing in Gold and Silver”, nhận định trong buổi phỏng vấn mới đây rằng: “Bạc hoàn toàn có thể tăng gấp 10 lần giá trị lên mức hơn 300 USD/ounce”. Ông nhấn mạnh việc các ngân hàng trung ương tiếp tục bơm tiền, nền kinh tế tiếp tục mở rộng, nhu cầu công nghiệp của bạc tiếp tục thúc đẩy thâm hụt nguồn cung có thể khiến cho giá bạc tiếp tục tăng trưởng trong tương lai bất chấp các khó khăn trong ngắn hạn.
Tại Việt Nam, bạc đang dần trở thành một khoản đầu tư thu hút sự chú ý. Giá bạc cập nhật tại Tập đoàn vàng bạc đá quý Phú Quý đang giao dịch quanh mức 1.281.000 đ/lượng -bán ra, 1.243.000 đ/lượng mua vào.