Lên án hành vi 'mang thai hộ' với mục đích thương mại

Sau khi Tuổi Trẻ đăng bài viết Thế giới ngầm 'cho thuê bụng', nhiều chuyên gia y tế cho rằng đây là hành vi cần phải lên án mạnh mẽ vì gây ra hậu quả rất khó lường, cần phải có giải pháp mạnh để xử lý triệt để.
Mới đây, Chính phủ vừa ban hành nghị định số 207/2025 quy định chặt chẽ về việc mang thai hộ với mục đích nhân đạo. Trong đó nhấn mạnh chỉ thực hiện được với các cặp vợ chồng vô sinh hoặc có chỉ định về y tế.
Hệ lụy khó lường
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Hoàng Thị Diễm Tuyết, giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), nhận định rằng hành vi "cho thuê bụng" với mục đích thương mại rất đáng lên án. Việc này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về sau. Hành vi trên gây ra rất nhiều hệ lụy, nhất là với sức khỏe những người phụ nữ "cho thuê bụng".
Điển hình như khi ra nước ngoài cấy phôi, sinh con có thể gặp những bất đồng về ngôn ngữ, không được pháp luật bảo vệ. "Cửa sinh là cửa tử", do vậy khi làm kỹ thuật sinh sản, mang thai và sinh con thì bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra gây ảnh hưởng đến tính mạng.
Theo bà Tuyết, chưa kể trường hợp nếu gặp tai biến, biến chứng ai sẽ là người chịu trách nhiệm. Ngoài ra còn tiềm ẩn hàng loạt nguy cơ khác như: phụ nữ cho thuê bụng bị bóc lột sức khỏe, bị đẩy vào các hoạt động mua bán người, trẻ em sinh ra không được pháp luật bảo vệ đầy đủ về nhân quyền và nhân thân…
BS Nguyễn Hữu Trung, trưởng khoa phụ sản Bệnh viện Đại học Y dược cơ sở 2 (TP.HCM), nhận định qua bài viết của Tuổi Trẻ, cần phải lên án mạnh mẽ hành vi "mang thai hộ" với mục đích thương mại, bảo vệ thân phận người phụ nữ. Có thể thấy đánh vào tâm lý lợi nhuận, dễ dàng kiếm tiền các nhóm người tổ chức, môi giới có thể dễ dàng đưa phụ nữ vào đường dây này, nhất là phụ nữ ở nhóm yếu thế, ở vùng thôn quê, rơi vào cảnh nợ nần…
Theo bác sĩ Trung, hiện nay pháp luật Việt Nam quy định rất rõ và chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, chỉ cho phép với những trường hợp như: vô sinh, bà mẹ có bệnh lý nội khoa nặng có thể ảnh hưởng đến tính mạng người phụ nữ nếu có thai như suy tim nặng.
Hoặc người phụ nữ hiếm muộn, đã thực hiện IVF, chuyển phôi nhiều lần thất bại do u xơ tử cung to; hoặc người phụ nữ bị ung thư cổ tử cung đã được mổ cắt tử cung để điều trị không còn khả năng mang thai; hoặc người phụ nữ bị bất thường bẩm sinh của tử cung như tử cung nhi hóa.
"Cho dù y học tiến bộ nhiều nhưng vẫn có những trường hợp sinh con bị các bệnh lý bẩm sinh nặng. Có những trường hợp sau khi sinh con, nếu phát hiện trẻ bị bất thường bẩm sinh, người nhờ mang thai hộ không chịu nhận con do trẻ bất thường thì trẻ sinh ra sẽ như thế nào, ai chăm lo"? Người mang thai dù đã tầm soát nhưng không phải lúc nào cũng chính xác 100%.
Ngược lại khi sinh rồi, người thực hiện mang thai hộ không chịu giao con, vậy giải quyết ra sao? Do đó người dân, nhất là phụ nữ, cần cảnh tỉnh, nhận biết được rủi ro để bảo vệ chính bản thân mình", bác sĩ Trung nói.
Phải xử lý nghiêm
PGS Trương Văn Vỹ, giảng viên xã hội học, tội phạm học Đại học Quốc gia TP.HCM, nhận định việc "thương mại hóa" sinh sản thông qua hình thức "cho thuê bụng" đã trở thành một hiện tượng xã hội nhức nhối. Đáng lo ngại là nhiều phụ nữ xem đây như một cái nghề có thể hái ra tiền, thậm chí có trường hợp còn được sự đồng thuận từ người bạn đời.
Theo ông Vỹ, mang thai là một việc nặng nhọc, đánh đổi nhiều về tinh thần và sức khỏe, lại chỉ có thể thực hiện trong một độ tuổi giới hạn. Chính vì vậy, để "trụ" lại với thị trường này, không ít người đã chuyển sang làm môi giới. Và chính nhu cầu lớn từ cả hai phía: người cần con và người cho thuê bụng đã làm nảy sinh thêm một vấn nạn xã hội.
"Điều đáng lo ngại hiện nay là sự tồn tại của những người điều hành, môi giới, bởi họ trục lợi rất nhiều từ cả người mua và người mang thai hộ, trong khi pháp luật chưa thể kiểm soát hết", ông nói.
Cũng theo ông Vỹ, những trường hợp như Tuổi Trẻ phản ánh chỉ là một trong nhiều đường dây đang âm thầm hoạt động để đáp ứng nhu cầu rất lớn từ "thị trường ngầm" này. Vì vậy cần có những biện pháp kiểm soát, siết chặt và xử lý đúng pháp luật, nhằm ngăn chặn nguy cơ biến tướng và lạm dụng.