Lầu Năm Góc: Chương trình hạt nhân Iran sẽ bị lùi lại đến 2 năm

Lầu Năm Góc tuyên bố đợt tấn công vào các cơ sở hạt nhân Iran hôm 22/6 đã “xóa sổ hoàn toàn” một phần hạ tầng quan trọng, nhưng các cơ quan độc lập tỏ ra hoài nghi.
Lầu Năm Góc ngày 2/7 khẳng định rằng các cuộc không kích do Mỹ tiến hành hôm 22/6 đã khiến chương trình hạt nhân của Iran bị đình trệ tới hai năm, đánh dấu bước leo thang đáng kể trong nỗ lực ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Tehran.
Reuters dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc, ông Sean Parnell, tuyên bố trong cuộc họp báo rằng: “Chúng tôi đã khiến chương trình của họ chậm lại từ một đến hai năm, ít nhất là theo đánh giá tình báo nội bộ của Bộ Quốc phòng”.
Ông Parnell cho biết con số chính thức “nhiều khả năng nghiêng về hai năm”, nhưng không đưa ra bằng chứng cụ thể để củng cố nhận định này.
Ngày 22/6, Không quân Mỹ đã tiến hành một đợt tấn công quy mô lớn nhằm vào 3 cơ sở hạt nhân của Iran, sử dụng hơn một tá bom xuyên phá boongke nặng 30.000 pound (tương đương 13.600 kg) cùng hơn 20 tên lửa hành trình Tomahawk.
Ngay sau khi chiến dịch kết thúc, Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng chương trình hạt nhân của Iran đã bị “xóa sổ hoàn toàn” - một ngôn ngữ mạnh mẽ được ông Parnell lặp lại trong cuộc họp báo hôm 2/7.
“Tất cả thông tin tình báo mà chúng tôi có được đều dẫn đến kết luận rằng các cơ sở đó, đặc biệt là Fordow đã bị phá hủy hoàn toàn”, ông nói.
![]() |
Một hình ảnh đồ họa mô phỏng Cơ sở làm giàu nhiên liệu hạt nhân Fordow của Iran được nhìn thấy trong bức ảnh do Lầu Năm Góc công bố tại Washington, D.C., Mỹ, ngày 26/6. Ảnh: Reuters. |
Dù vậy, các đánh giá về mức độ thiệt hại thường cần nhiều tuần, thậm chí hàng tháng, để tình báo Mỹ xác minh đầy đủ.
Trong khi đó, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), ông Rafael Grossi, phát biểu cuối tuần qua rằng Iran có thể nối lại sản xuất uranium làm giàu chỉ trong vài tháng, làm dấy lên nghi ngờ về mức độ phá hoại thực sự của đợt không kích.
Một số chuyên gia độc lập cũng cảnh báo rằng Iran có thể đã di chuyển kho uranium làm giàu gần mức vũ khí khỏi cơ sở Fordow - vốn nằm sâu dưới lòng đất - trước khi bị không kích và có khả năng đang giấu chúng ở một địa điểm chưa xác định.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth bác bỏ thông tin tình báo cho rằng Iran đã kịp thời di dời lượng uranium này để né đòn không kích của Mỹ.
“Không có bằng chứng tình báo nào cho thấy họ đã di chuyển các vật liệu hạt nhân trước đó”, ông nói trong một cuộc họp báo tuần trước.
Trước đó, một báo cáo sơ bộ từ Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) cho rằng đợt không kích có thể chỉ khiến chương trình hạt nhân Iran chậm lại vài tháng. Tuy nhiên, các quan chức trong chính quyền Trump sau đó cho biết đánh giá này có “mức độ tin cậy thấp” và đã bị thay thế bởi các thông tin tình báo mới cho thấy mức độ thiệt hại nặng nề hơn nhiều.
Trong cuộc phỏng vấn với đài CBS News phát sóng hôm 1/7, Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi xác nhận rằng cơ sở hạt nhân Fordow đã bị phá hủy nghiêm trọng, nhưng từ chối cung cấp chi tiết.
“Không ai thực sự biết điều gì đã xảy ra trong lòng Fordow. Nhưng cho đến thời điểm này, những gì chúng tôi nắm được là thiệt hại rất nặng nề và nghiêm trọng”, ông Araqchi phát biểu.
Cơ sở Fordow được coi là một trong những thành trì phòng thủ then chốt trong chương trình hạt nhân của Iran, nằm sâu dưới lòng đất và được thiết kế để chịu đựng các cuộc tấn công bằng bom xuyên phá hạng nặng. Vì vậy, nếu thông tin về mức độ phá hủy là chính xác, chiến dịch này có thể được coi là cú đánh mạnh nhất vào tham vọng hạt nhân của Tehran kể từ sau thỏa thuận JCPOA sụp đổ.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...