Lắt léo chữ nghĩa: Tam bành và tam thi

Nhiều người biết "nổi cơn tam bành" là nói về sự giận dữ, song "tam bành" là gì, có lẽ một số người vẫn chưa biết.
Trong Đại Nam Quấc âm tự vị (1895), Huình-Tịnh Paulus Của giải thích tam bành "chính là Bành-kiêu, Bành-trạch, Bành-thuân là ba con quỷ ở trong mình người ta, giục người ta làm tội (Truyện Hồng-bào)". Cách giải thích này có phần đúng song Truyện Hồng-bào chỉ là một trong những giả thuyết về nguồn gốc của từ tam bành.
Về tên gọi, ngoài Truyện Hồng-bào kể trên, Tam Bành (三 彭) cũng là từ được dùng trong bộ Tuyên thất chí của Trương Độc đời nhà Đường. Theo Bách khoa thư Baidu, Tam Bành là 3 loài sâu bọ gây hại trong cơ thể người. Loài sâu ở phần trên cơ thể gọi là Bành Cứ (彭 倨), sống trong não; loài ở phần giữa cơ thể gọi là Bành Chất (彭 質); còn loại ở phần dưới cơ thể gọi là Bành Kiểu (彭 矯), sống trong dạ dày. Điều này cũng được ghi nhận trong quyển Động thần quyết và trong Thái thượng trừ tam thi cửu trùng bảo sanh kinh của tác giả khuyết danh thời Ngũ Đại.
Dẫu là quỷ, ác thần hay sâu bọ thì Tam Bành cũng là loài gây hại, xui khiến con người trở nên hung dữ, gây nhiều tai họa. Vào mỗi ngày Canh Thân, Tam Bành sẽ báo cáo lỗi lầm của con người cho Thiên Đế biết. Nếu vào ngày này, con người không ngủ thì Tam Bành không thể rời khỏi cơ thể để lên thiên đình báo cáo. Ý thức được điều này, một số người tu tập trai giới sẽ thức suốt đêm, tụng kinh và chú, khiến Tam Bành không thể lên trời, báo cáo lỗi lầm của họ, điều đó gọi là "thủ Canh Thân" (守 庚 申) - một cụm từ có nguồn gốc từ quyển Thái thượng tam thi trung kinh (太上三尸中经).
Ngoài ra, nếu có tinh thần minh mẫn thì con người vẫn có thể chế ngự được Tam Bành. Trong bài thơ Bệnh trung xổ nhục của Lục Du đời Tống có đoạn: "Thuốc thường làm sao có thể xua đuổi được tà bệnh? May mắn thay, tâm trí sáng suốt đủ để chế ngự được Tam Bành".
Ở Trung Quốc, ngoài Tam Bành, còn có những từ đồng nghĩa là Tam thi (三尸), Tam thi thần (三尸神), Tam thần (三神), Tam trùng (三虫) và Tam độc (三毒).
Ở đây, chúng ta bàn về Tam thi. Đạo giáo thời kỳ đầu tin rằng Tam thi là 3 vị thần trú ngụ trong cơ thể con người. Nếu diệt được Tam thi, con người sẽ bình tĩnh, tâm trí sáng suốt, làm được nhiều việc tốt và trở thành bất tử. Tam thi còn ám chỉ nơi mà sự ngu ngốc, lòng tham và sự tức giận phát sinh. Khi một người chết, Tam thi sẽ tách khỏi cơ thể, trở nên tự do và được gọi là "quỷ".
Trong Dậu dương tạp trở của Đoàn Thành Thức thời Đường Huyền Tông, Tam thi chính là Thanh cô (Thượng thi), Bạch cô (Trung thi) và Huyết cô (Hạ thi), còn gọi là Huyền Linh. Trong Vân cấp thất thiêm do Trương Quân Phòng biên soạn vào thời Bắc Tống, Tam thi trông giống như trẻ con hoặc ngựa, chúng có lông dài hai tấc, nằm ở trong cơ thể người, còn gọi là "Tam thi thần".
Ở VN, người ta không sử dụng từ "tam thi", mà chỉ dùng từ "tam bành" qua thành ngữ "nổi cơn tam bành" - một cách nói ẩn dụ, chỉ cơn giận dữ của đàn bà, lấy ý từ sự nổi giận của Tú Bà khi gặp Thúy Kiều: "Bấy giờ mới nổi tam bành mụ lên" (Truyện Kiều, câu 962).
Đối với đàn ông, người ta thường sử dụng cụm từ "nổi trận lôi đình" (cơn giận như sấm sét) hoặc "nộ khí xung thiên" (khí giận ghê gớm bốc lên tận trời).