Nhảy đến nội dung
 

Lãnh đạo nên 'hóa trang' đến cơ quan để hiểu đội ngũ đối xử với dân, doanh nghiệp thế nào

Các lãnh đạo cấp tỉnh, bộ trưởng đôi khi phải đi vi hành, hóa trang vào các cơ quan mới biết đội ngũ (cán bộ, công chức) đối xử với người dân, doanh nghiệp như thế nào.

Sáng 23-5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025.

Tồn tại hiện tượng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", "trên nóng, dưới lạnh"

Khi phân tích các điểm nghẽn, đề xuất giải pháp sắp tới, nhiều đại biểu quan tâm đến hiệu quả thực chất của việc cụ thể hóa chủ trương về hoàn thiện thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nêu Bộ Chính trị vừa ban hành 4 nghị quyết đặt vấn đề toàn diện về phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68); đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57); đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật (Nghị quyết 66) và hội nhập quốc tế trong tình hình mới (Nghị quyết 59).

Ông Nghĩa cho rằng phải thể chế hóa khoa học, bài bản, trúng đích; sửa đổi, bổ sung toàn diện hệ thống pháp luật... để tạo hành lang pháp lý ổn định, bền vững mới phát triển được, đảm bảo các nghị quyết đi vào cuộc sống.

Tuy nhiên, đại biểu cũng nhìn nhận có hiện tượng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Khi nghe quán triệt nghị quyết, lãnh đạo phát biểu, dự các buổi họp rất hào hứng, phấn khởi, niềm tin tăng lên rất nhiều nhưng khi đi vào các quy định cụ thể lại vướng.

Hàng ngàn giấy phép con, hàng ngàn thủ tục tiếp tục mọc lên, tiếp tục đặt ra. Bước vào một dự án, việc làm ăn nào đó, doanh nghiệp lại vướng quy định. Kể cả trong đời sống người dân cũng gặp vướng mắc tương tự, không riêng kinh doanh.

Mặt khác, ông Nghĩa nhìn nhận tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" vẫn tồn tại. Dự họp với Thủ tướng, các tập đoàn, doanh nghiệp rất hào hứng, phấn khởi nhưng về địa phương bắt tay giải quyết những vấn đề làm ăn cụ thể lại gặp nhiều trở ngại do sự thiếu ủng hộ từ một số công chức.

"Hai hiện tượng trên thì một mặt thể chế chưa đủ, nhưng một mặt có quy định hết rồi nhưng thực hiện không thực hiện được. Sắp tới đây thực hiện các nghị quyết chiến lược của Trung ương, tôi cho rằng một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ là phải đảm bảo thực hiện xuyên suốt tới cấp xã", ông Nghĩa ý kiến.

Theo đại biểu, sắp tới có hai cấp tỉnh và xã, dân đi làm cái giấy sửa chữa nhà thôi cũng phải đi kiếm ông chủ tịch xã ký xác nhận không có tranh chấp, nhiều trường hợp có phong bì mới ký. Rồi chỉ đạo của Chính phủ xuống cấp bộ có thông thoáng, xuyên suốt như vậy hay không. Tất cả đều là vấn đề thực hiện thể chế, hết sức quan trọng không kém kém vấn đề cải cách, hoàn thiện thể chế.

Ông Nghĩa đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ đạo các lãnh đạo cấp tỉnh, bộ trưởng đôi khi đi vi hành, hóa trang đi thử vào cơ quan để xem đội ngũ cán bộ, công chức đối xử với người dân, doanh nghiệp như thế nào.

Hạn chế thấp nhất người dân, doanh nghiệp đi lại nhiều lần, có bộ phận hành chính lưu động

Đại biểu Đỗ Đức Hiển (TP.HCM) nhấn mạnh ngoài sắp xếp bộ máy, phân cấp phân quyền, việc cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh để giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp là nội dung rất quan trọng.

Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm và đang tập trung phân cấp, phân quyền. Chính phủ yêu cầu các bộ rà soát, điều chỉnh quy định để cấp chính quyền gần dân được phân cấp nhiều hơn, giải quyết công việc thuận lợi.

Ông Hiển đánh giá cao chủ trương này và mong Chính phủ sớm ban hành các nghị định. Tuy nhiên, theo ông Hiển, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh còn nhiều bất cập.

Mặc dù có nhiều nghị quyết (như Nghị quyết 19 năm 2018), nhưng thực tế triển khai chưa hiệu quả. Nhiều lĩnh vực, ví dụ hải quan và đầu tư, vẫn còn vướng mắc.

Ông Hiển kiến nghị rà soát các nghị quyết về kiểm tra chuyên ngành, thủ tục hành chính và đầu tư kinh doanh để xác định những việc đã và chưa làm, từ đó đặt mục tiêu cụ thể.

"Ví dụ, quy định một mặt hàng một cơ quan quản lý (từ 2019) vẫn chưa ban hành nghị định, dẫn đến nhiều mặt hàng chịu sự quản lý chồng chéo, điều kiện và quy chuẩn khác nhau. Theo đại biểu cần đánh giá cụ thể", ông Hiển nói.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức đồng tình, cho rằng nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân yêu cầu giảm 30% thủ tục hành chính. Ông đề nghị đánh giá kỹ số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của từng bộ ngành và đề xuất công cụ quản lý để giảm chi phí tuân thủ.

Theo ông Đức, nhiệm vụ này rất quan trọng, cần rà soát kỹ lưỡng. Ông Đức nếu ví dụ thực tiễn luật quy định rõ ràng, nhưng nghị định, thông tư hướng dẫn gây khó khăn thực thi, thậm chí chi tiết nhỏ cũng làm tăng chi phí tuân thủ. Nhiều bộ, ngành điều chỉnh cùng một lĩnh vực, gây chồng chéo giấy phép.

"Để tiết kiệm, cần tập trung đầu mối, chuyển từ quản lý hành chính công sang hành chính phục vụ. Khi sáp nhập tỉnh, đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư hạ tầng mạnh mẽ, hạn chế thấp nhất việc người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần. 

Thay vì người dân đến trụ sở xa xôi, có thể những bộ phận hành chính lưu động đến tận nơi để giải quyết hỗ trợ cho người dân', ông Đức nêu ý kiến.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn