Lãnh đạo thế giới lên tiếng về xung đột Ấn Độ - Pakistan
Căng thẳng vũ trang giữa Ấn Độ và Pakistan khiến cộng đồng quốc tế lo ngại, đồng loạt kêu gọi hai bên kiềm chế, đối thoại và tránh đẩy khu vực vào khủng hoảng.
|
Lực lượng an ninh Ấn Độ gần hiện trường vụ rơi máy bay chiến đấu tại khu vực Wuyan, thuộc quận Pulwama của vùng Kashmir ngày 7/5. Ảnh: Reuters. |
Tình hình khu vực Nam Á trở nên căng thẳng sau khi Ấn Độ tiến hành “Chiến dịch Sindoor” - một chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm vào nhiều địa điểm trong lãnh thổ Pakistan và khu vực Kashmir.
New Delhi tuyên bố các mục tiêu bị tấn công là “trại huấn luyện khủng bố” có liên quan đến vụ tấn công khiến nhiều khách du lịch Ấn Độ thiệt mạng vào đầu tháng.
Đáp trả, Islamabad cáo buộc đây là hành vi “xâm phạm chủ quyền”, tuyên bố đã bắn rơi một số máy bay quân sự của Ấn Độ và tấn công vào các vị trí tiền phương của quân đội nước này. Pakistan cũng lên án hành động của New Delhi là “tuyên chiến”, khiến nguy cơ xung đột vũ trang giữa hai cường quốc hạt nhân tăng cao.
Căng thẳng nhanh chóng lan rộng và thu hút sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các cường quốc và tổ chức toàn cầu.
Mỹ: Hy vọng căng thẳng sớm chấm dứt
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông "vừa được báo tin" và bày tỏ hy vọng xung đột sẽ sớm kết thúc.
“Thật đáng tiếc. Tôi đoán nhiều người đã đoán được điều gì đó sẽ xảy ra, dựa trên quá khứ. Hai nước đã đối đầu suốt hàng thập kỷ. Tôi hy vọng điều này sẽ sớm chấm dứt”, ông nói với báo giới Nhà Trắng.
|
Ông Trump bày tỏ hy vọng căng thẳng Ấn Độ và Pakistan sẽ sớm chấm dứt trong buổi họp báo ngày 6/5 (giờ địa phương) tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đăng tải trên X rằng ông đang theo dõi sát tình hình và sẽ tiếp tục tiếp xúc với lãnh đạo cả hai nước để thúc đẩy một giải pháp hòa bình.
"Tôi đang theo dõi sát tình hình giữa Ấn Độ và Pakistan. Tôi đồng tình với phát biểu trước đó của Tổng thống rằng chúng ta hy vọng căng thẳng sẽ nhanh chóng được giải quyết. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với cả lãnh đạo Ấn Độ và Pakistan nhằm tìm ra giải pháp hòa bình”, ông Rubio viết.
Liên Hợp Quốc: Thế giới không thể chịu thêm chiến tranh hạt nhân
Trước các chiến dịch quân sự do Ấn Độ tiến hành tại lãnh thổ Pakistan và khu vực Kashmir do Islamabad kiểm soát, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres bày tỏ “mối lo ngại sâu sắc”.
Phát ngôn viên của ông nhấn mạnh rằng, cộng đồng quốc tế không thể chấp nhận một cuộc đối đầu quân sự giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
“Ông Guterres đặc biệt quan ngại khi Ấn Độ tiến hành hoạt động quân sự vượt qua Đường Ranh giới Kiểm soát (LoC) cũng như biên giới quốc tế. Tổng Thư ký kêu gọi cả New Delhi và Islamabad thể hiện kiềm chế tối đa để tránh đẩy khu vực vào vòng xoáy xung đột”, tuyên bố nêu rõ.
Nga, Trung Quốc, UAE: Lập trường trung lập, kiên quyết chống khủng bố
Bộ Ngoại giao Nga ra thông cáo nhấn mạnh mối quan ngại “vô cùng sâu sắc” trước nguy cơ đối đầu quân sự leo thang, đồng thời kêu gọi cả hai bên giữ bình tĩnh, tránh hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng.
Nước này, vốn duy trì thái độ nồng ấm với cả hai bên, nhấn mạnh lập trường kiên quyết chống lại mọi hình thức khủng bố, đồng thời khẳng định “giải pháp quân sự không bao giờ là tối ưu cho khu vực”.
Trung Quốc - đồng minh chiến lược của Pakistan và đối tác thương mại lớn của Ấn Độ - đưa ra tuyên bố thể hiện lập trường trung lập, kêu gọi hai nước “ưu tiên hòa bình và ổn định khu vực, tránh làm phức tạp thêm tình hình”.
“Ấn Độ và Pakistan là những quốc gia láng giềng với nhau và cũng là láng giềng của Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, chúng tôi phản đối mọi hình thức khủng bố và kêu gọi các bên liên quan thể hiện sự kiềm chế”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.
Bắc Kinh cũng bày tỏ “lấy làm tiếc” về hành động quân sự sáng ngày 7/5 của New Delhi.
Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) - quốc gia có mối quan hệ tốt đẹp với cả hai bên - đã kêu gọi “kiềm chế tối đa, giảm căng thẳng và tránh mọi hành động leo thang”.
Trong một tuyên bố chính thức, Ngoại trưởng Abdullah bin Zayed nhấn mạnh rằng “ngoại giao và đối thoại vẫn là con đường duy nhất để giải quyết khủng hoảng một cách bền vững”.
Israel: Ủng hộ Ấn Độ
Ngược lại với lập trường trung lập của nhiều nước, Đại sứ Israel tại Ấn Độ Reuven Azar tuyên bố rằng “Israel ủng hộ quyền tự vệ của Ấn Độ”.
![]() |
Bài đăng của Đại sứ Israel tại Ấn Độ Reuven Azar. |
Trong bài đăng trên mạng xã hội X, ông Reuven Azar khẳng định: “Những kẻ khủng bố cần hiểu rằng không có nơi nào để lẩn trốn khỏi các tội ác ghê rợn mà chúng gây ra cho người vô tội. #OperationSindoor”.
Lập trường này phản ánh mối quan hệ hợp tác an ninh ngày càng gần gũi giữa Tel Aviv và New Delhi trong những năm gần đây.
Qatar, Pháp, Nhật: Cảnh báo hệ lụy toàn cầu
Qatar tuyên bố đang “theo dõi sát sao và quan ngại sâu sắc” trước tình trạng leo thang căng thẳng giữa hai quốc gia Nam Á, đồng thời kêu gọi “giải quyết khủng hoảng thông qua các kênh ngoại giao”.
![]() |
Thông cáo của Qatar về xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan. Ảnh: X/ Ministry of Foreign Affairs - Qatar. |
“Bộ Ngoại giao Qatar nhấn mạnh sự cấp thiết của việc duy trì các kênh liên lạc mở giữa Ấn Độ và Pakistan”, thông cáo khẳng định.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot cho rằng: “Không ai có lợi trong một cuộc đối đầu kéo dài giữa hai quốc gia vũ trang hạt nhân. Điều cần thiết hiện nay là đối thoại có trách nhiệm trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế”.
Trong khi đó, Nhật Bản lên án vụ khủng bố trước đó tại Kashmir nhưng cũng đồng thời cảnh báo rằng việc sử dụng vũ lực để trả đũa có thể dẫn đến vòng xoáy bạo lực nguy hiểm, vượt ngoài tầm kiểm soát.
“Chúng tôi hết sức quan ngại trước nguy cơ các hành động trả đũa qua lại có thể leo thang thành xung đột quân sự toàn diện. Vì hòa bình và ổn định ở Nam Á, chúng tôi kêu gọi cả Ấn Độ và Pakistan kiềm chế và giải quyết bất đồng bằng đối thoại”.
Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế
Mục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.