Nhảy đến nội dung
 

Lần đầu tiên có 5 trục kết nối cáp quang biển quốc tế do người Việt làm chủ

Với vai trò tiên phong về dung lượng lẫn công nghệ, các nhà mạng Việt Nam đang khẳng định vị thế là nhà mạng sở hữu hạ tầng cáp quang biển lớn nhất Việt Nam - nền tảng chiến lược cho hành trình trở thành trung tâm dữ liệu khu vực.

Việt Nam sẽ có thêm ít nhất 10 tuyến cáp quang biển quốc tế vào năm 2030

Trong Chiến lược phát triển hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đặt ra mục tiêu sẽ phát triển hệ thống cáp quang quốc tế nhằm xây dựng khả năng tự chủ trong việc thiết lập, triển khai, sửa chữa các tuyến cáp quang quốc tế; đảm bảo an toàn cho mạng lưới Internet Việt Nam; đáp ứng đầy đủ nhu cầu kết nối quốc tế cho phát triển kinh tế số, xã hội số, quốc phòng - an ninh. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, triển khai và đưa vào hoạt động tối thiểu thêm 10 tuyến cáp quang biển mới với công nghệ hiện đại, nâng tổng số tuyến cáp quang biển của Việt Nam lên tối thiểu 15 tuyến với dung lượng tối thiểu 350 Tbps. Trong đó, có tối thiểu 2 tuyến cáp quang biển do Việt Nam làm chủ kết nối trực tiếp tới các Digital Hub trong khu vực.

Phát biểu tại hội nghị triển khai kế hoạch 6 tháng năm 2025 mới đây, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long cho biết thời gian qua, Bộ đã hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam triển khai xây dựng tuyến cáp quang biển quốc tế đầu tiên do Việt Nam làm chủ, kết nối trực tiếp với Singapore, bảo đảm ký được thỏa thuận với đối tác vào đầu năm 2026. Đây là nội dung rất quan trọng của chiến lược cáp quang biển mà bộ đã ban hành. 

 “Đến cuối năm 2025, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục cấp phép cho doanh nghiệp triển khai thêm tối thiểu 1 tuyến cáp quang biển mới. Như vậy đến, tháng 8/2025, các doanh nghiệp sẽ khai trương tuyến cáp quang đất liền nối Việt Nam – Lào – Thái Lan – Singapore với dung lượng ban đầu 2 Tbps, có khả năng mở rộng lên tới 12 Tbps”, Thứ trưởng Phạm Đức Long nói.

Dưới lòng đại dương, hàng nghìn luồng dữ liệu đang không ngừng di chuyển với tốc độ cao qua các tuyến cáp quang biển, kết nối Việt Nam với các trung tâm dữ liệu lớn như Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản và vươn xa tới châu Âu, châu Mỹ. 

Phía sau mỗi cuộc họp trực tuyến, mỗi giao dịch xuyên biên giới hay chỉ đơn giản là một cú nhấp chuột để xem video, gửi email, đặt món ăn từ một ứng dụng nước ngoài là sự vận hành ổn định của một hệ thống hạ tầng số hiện đại và phức tạp.

Trong mạng lưới kết nối toàn cầu đó, Viettel là một trong những đơn vị chủ lực, đảm bảo hạ tầng truyền dẫn quốc tế, góp phần duy trì dòng chảy dữ liệu thông suốt từ Việt Nam ra thế giới.

Thực tế, các tuyến cáp quang ngầm dưới biển chính là những "mạch máu" của nền kinh tế số. Chúng âm thầm vận hành dưới lòng đại dương, nhưng lại đảm nhiệm vai trò sống còn trong việc kết nối dữ liệu toàn cầu - từ giao thương, tài chính đến giáo dục, giải trí. Kết nối quốc tế không chỉ là nhu cầu hạ tầng, mà còn là điều kiện tiên quyết để bảo đảm khả năng tương tác toàn cầu. 

Hiện nay, hơn 98% lưu lượng dữ liệu trên thế giới được truyền qua các tuyến cáp quang biển, đảm bảo tốc độ ổn định và tính liên tục của Internet - thứ trở thành trụ cột của thương mại điện tử, điện toán đám mây, AI và các dịch vụ số.

Chia sẻ với VietNamNet về triển khai tuyến cáp quang biển theo chiến lược của quốc gia, đại diện Viettel cho biết, nhận thức rõ tầm quan trọng đó, hơn 15 năm trước, Viettel bắt đầu hành trình đầu tư vào cáp quang biển với tuyến AAG – tuyến cáp đầu tiên kết nối Đông Nam Á với Mỹ.

Sau đó, Viettel tiếp tục mở rộng kết nối dữ liệu của Việt Nam với thế giới qua các tuyến IA (Intra Asia), APG (Asia Pacific Gateway), AAE-1 (Asia-Africa-Europe 1) và mới nhất là ADC (Asia Direct Cable).

Trong số đó, IA hiện là tuyến có độ trễ thấp nhất từ Việt Nam đến Singapore, và Viettel là nhà mạng duy nhất tại Việt Nam vận hành trạm cập bờ. AAE-1 là tuyến cáp duy nhất kết nối trực tiếp Việt Nam tới châu Âu và châu Phi.

Còn ADC là niềm tự hào mới nhất, có dung lượng tối đa lên đến 50 Tbps, kết nối trực tiếp cả 3 trung tâm Internet hàng đầu châu Á gồm Singapore, Hồng Kông và Nhật Bản.

Tuyến ADC là minh chứng rõ nét cho năng lực kết nối xuyên biên giới của Viettel. Viettel Solutions - thành viên của Viettel cũng là đơn vị đóng vai trò nòng cốt trong xây dựng chiến lược và và triển khai các dự án hạ tầng số quy mô lớn đã công bố khánh thành tuyến cáp vào tháng 12/2024 và chính thức khai thác thương mại vào tháng 4 vừa qua. 

Với sự tham gia đầu tư của 9 tập đoàn viễn thông hàng đầu châu Á, ADC là con đường siêu tốc có dung lượng lớn nhất đã đi vào khai thác tại Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại.

Hơn nữa, tại Việt Nam, Viettel là đơn vị duy nhất sở hữu trạm cập bờ của ADC tại Quy Nhơn, góp phần đưa nơi này trở thành một điểm trung chuyển dữ liệu tiềm năng trên bản đồ số châu Á.

Tuyến ADC giúp dữ liệu Việt Nam đi thẳng đến các trung tâm Internet lớn nhất khu vực. “Đó là điều kiện tiên quyết để chúng ta trở thành Digital Hub - trung tâm dữ liệu của khu vực Đông Nam Á”, ông Đoàn Đại Phong – Phó Tổng giám đốc Viettel Solutions chia sẻ.

Viettel đang dẫn đầu với 5 tuyến cáp biển quốc tế

Tính đến nay, Viettel đã vận hành 5 tuyến cáp biển quốc tế, chiếm 65% tổng dung lượng kết nối quốc tế của Việt Nam, dẫn đầu thị trường về cả băng thông lẫn năng lực hạ tầng.

Đây là nền tảng cho các dịch vụ Internet, cloud, AI, 5G/6G và hàng loạt ứng dụng số khác mà người Việt sử dụng hàng ngày.

Chính tinh thần “làm việc khó” vốn là một phần DNA của Viettel, đã giúp đội ngũ kỹ sư, quản lý, điều phối viên vượt qua vô vàn thách thức về pháp lý, hay thiếu hụt nhà thầu thi công có năng lực… đặt từng km cáp xuống đáy biển, kết nối Việt Nam với thế giới.

Không dừng lại ở 5 tuyến đang vận hành, Viettel đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ tham gia và khai thác tổng cộng 10 tuyến cáp quang biển quốc tế, phù hợp với định hướng phát triển hạ tầng số quốc gia được Chính phủ đề ra trong Nghị quyết 71.

Đáng chú ý, trong số tuyến cáp quang này sẽ có ít nhất một tuyến do Viettel hoàn toàn làm chủ, từ khâu thiết kế, lựa chọn công nghệ đến triển khai thi công và vận hành. Đây là điều chưa từng có tiền lệ trong ngành viễn thông Việt. 

“Dự án có dung lượng lớn nhất và độ trễ thấp nhất, dự kiến đi vào khai thác năm 2028 và kết nối trực tiếp Việt Nam với Singapore - cửa ngõ dữ liệu của châu Á. Điều này khẳng định khả năng làm chủ hoàn toàn về công nghệ và chiến lược kết nối quốc tế của Viettel, đồng thời xác lập năng lực quốc gia trong lĩnh vực hạ tầng số chiến lược”, ông Đoàn Đại Phong, Phó Tổng giám đốc Viettel Solutions chia sẻ.

Từ 2025, Viettel đảm nhận triển khai mới 5 tuyến cáp biển quốc tế mới, Như vậy, Viettel sẽ đảm nhiệm tối thiểu 50% mục tiêu quốc gia mà Chính phủ đặt ra theo “Chiến lược phát triển hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”. Điều này một lần nữa thể hiện rõ vai trò tiên phong của Viettel trong chiến lược viễn thông quốc gia.

Cùng với đó, việc đầu tư vào hạ tầng cáp biển cũng là một phần trong chiến lược Viettel 4.0, chuyển đổi từ một công ty viễn thông (Telco) truyền thống sang công ty công nghệ (Techco) hiện đại.

Trong đó, hạ tầng kết nối quốc tế được xem là trụ cột để triển khai các dịch vụ số như cloud, AI, IoT, 5G/6G…

Với hệ thống cáp biển đa hướng, dung lượng lớn và chiến lược làm chủ công nghệ, Viettel không chỉ dẫn dắt thị trường viễn thông, mà đang giữ vai trò tiên phong trong việc kiến tạo hạ tầng số quốc gia. Từ đó, Việt Nam sẽ dần trở thành mắt xích quan trọng trong mạng lưới dữ liệu khu vực.

Hiện ngoài, Viettel, các doanh nghiệp viễn thông khác như VNPT, FPT, CMC… cũng đang đầu tư mạnh cho cáp quang biển để đảm bảo chiến lược cáp quang biển của Việt Nam. 

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn