Lần cuối công bố PCI đủ 63 tỉnh thành, bất ngờ vị trí quán quân

TPO - Theo xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024, Hải Phòng lần đầu vươn lên vị trí số 1. Quảng Ninh tiếp tục vượt lên chính mình. Hà Nội, TPHCM không nằm ở nhóm dẫn đầu. Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI - cho biết, đây là báo cáo cuối cùng có đủ 63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng.
Hôm nay (6/5), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố PCI năm 2024.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, đây là báo cáo cuối cùng có đủ 63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng, trước khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh theo Nghị quyết của Trung ương chính thức triển khai từ nửa cuối năm nay.
Bảng xếp hạng PCI 2024 ghi nhận Hải Phòng đứng đầu với 74,84 điểm. 7/10 lĩnh vực điều hành của Hải Phòng được các doanh nghiệp ghi nhận cải thiện hơn so với năm 2023, gồm: Gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền và thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.
![]() |
Xếp hạng PCI 2024. |
Quảng Ninh dù có mức điểm tăng hơn chính mình so với kỳ công bố trước nhưng đã không giữ được ngôi đầu, với 73,2 điểm. Các địa phương nhiều năm liền giữ vị trí cao như Long An (72,64 điểm), Bắc Giang (71,24 điểm) tiếp tục nằm trong nhóm đầu bảng xếp hạng. Top 10 lần đầu tiên có sự xuất hiện của Hưng Yên.
Với việc thành phố lần đầu vươn lên vị trí dẫn đầu xếp hạng PCI, ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng - cho biết, địa phương đã ban hành nhiều kế hoạch cải cách hành chính; thực hiện triệt để việc giao nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm cá nhân từng cán bộ, đảng viên, theo phương châm "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền"; thường xuyên đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp...
“Hải Phòng quyết tâm tiên phong đề xuất cái mới, làm cái khó, từ đó mở đường thể chế cho cả nước”, ông Châu nói và cho biết thành phố cũng đề xuất thành lập khu thương mại tự do thế hệ mới trong năm nay. Cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội được thiết lập theo mô hình "một khai báo, một kiểm tra và một phê duyệt" theo chuẩn mực quốc tế. Hải Phòng hướng đến mục tiêu tăng trưởng 15-16% giai đoạn 2026-2030.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký VCCI - cho biết, một số lĩnh vực tại các địa phương có chuyển biến tích cực, được doanh nghiệp đánh giá thuận lợi hơn như chất lượng lao động; tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin quy hoạch, pháp lý; thủ tục đăng ký doanh nghiệp…
![]() |
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký VCCI - trao đổi về chất lượng điều hành cấp tỉnh. |
Ông Tuấn cũng thẳng thắn chỉ ra, tính năng động và tiên phong của chính quyền cấp tỉnh, vốn là động lực thúc đẩy cải cách, đang có dấu hiệu chững lại. Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính còn “điểm trừ”, chi phí không chính thức có dấu hiệu quay trở lại.
Năm qua, 37% doanh nghiệp cho biết, có chi phí không chính thức, tăng nhẹ so với kết quả 33% của năm 2023. Đặc biệt, các lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp phải chi phí không chính thức cao bao gồm thanh tra - kiểm tra, thủ tục kinh doanh có điều kiện, thủ tục về đất đai…
Ghi nhận bức tranh tổng thể của PCI 2024, Phó Tổng thư ký VCCI chỉ ra xu hướng cải thiện liên tục về chất lượng điều hành ở cấp địa phương. “Điểm trung vị của PCI thường niên năm nay đạt 67,67 điểm - mức cao nhất kể từ khi chúng tôi bắt đầu khảo sát gần 20 năm trước. PCI gốc năm 2024 đạt 68,18 điểm, tăng 1,6 điểm so với năm 2023”, ông Tuấn cho biết.