Làm phim tốn thời gian, cực như một con dòi, được gì?

Trong buổi họp báo ra mắt phim Mặt trời lạnh, đạo diễn Lê Hùng Phương bất ngờ công bố mình sẽ dừng làm phim cho đến khi nào cảm thấy hạnh phúc trở lại mới suy nghĩ tiếp.
Hùng Phương buồn bã: "Làm phim để làm gì khi mình đi đoàn phim đằng đẵng. Mẹ già không có người chăm sóc. Mình còn không có thời gian để gọi điện cho con, cho cháu. Làm phim tốn thời gian, cực như một con dòi, xả thân vì tác phẩm, lại còn bị đủ thứ áp lực. Tại sao mình không bảo vệ sức khỏe của mình".
Lời tâm sự có phần hơi trần trụi nhưng phơi bày thực trạng đáng buồn của giới làm phim hiện nay.
Thiếu ngủ, thiếu ăn, thiếu tiền
Trò chuyện với các đạo diễn, diễn viên, ê kíp sản xuất phim truyền hình hiện nay đều cảm nhận mọi người phải vắt chân lên cổ mà chạy.
"Chạy" để rút ngắn thời gian sản xuất phim. Nếu thời gian kéo dài, nhà sản xuất không đủ kinh phí chi trả. Chạy để các diễn viên, người lao động có thời gian chạy sô ở các phim và công việc khác. Làm nhiều thì may ra mới đủ tiền để sống hằng ngày.
Bởi "chạy" từ sáng cho đến khuya, nhiều người vác tấm thân mệt mỏi về nhà, ăn tạm cái gì rồi ngủ mê mệt. Sáng dậy đi làm thật sớm để kịp tới phim trường. Căng mình ngoài trời dưới nắng cháy da, dưới cơn mưa bất chợt khiến cho sức khỏe người lao động bị tàn phá.
Gần đây, tin buồn về nghệ sĩ, người làm việc trong ngành phim bị đột quỵ, chết khi tuổi đời còn quá trẻ xuất hiện liên tục.
Tối 11-5, biên kịch Phạm Công Trình bất ngờ đột quỵ mất khi vừa mới 36 tuổi. Anh biên kịch có tuổi nghề hơn 10 năm, từng viết tiểu phẩm hài dân gian, hài hiện đại.
Nguyễn Ngọc Quyền - giám đốc sản xuất một số phim chiếu rạp, qua đời hồi tháng 2, hưởng dương 36 tuổi.
Tháng 8-2024, nhân viên bộ phận ánh sáng giỏi nghề Sam Nhộc Pẩu đột quỵ mất khi chỉ 34 tuổi. Trước đó đạo diễn Đỗ Quang Hải Âu (37 tuổi) đột ngột qua đời ở trong phòng dựng phim, diễn viên trẻ Hoàng Bá Sơn đột quỵ ra đi ở tuổi 26.
Ngoài ra, một số đạo diễn, diễn viên, nhân viên đoàn phim bị đột quỵ nhưng kịp thời được cấp cứu, dù không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng sức khỏe giảm sút.
Người lao động ngành phim còn thiệt thòi
Nói về vấn đề lao động trong giới làm phim, đạo diễn Charlie Nguyễn thẳng thắn đặt câu hỏi: "Dân làm phim có chất lượng cuộc sống không khi mỗi ngày làm việc hơn 14 tiếng đồng hồ?".
Bản thân ông mỗi khi làm phim hay đi game show, quay quảng cáo cũng có lịch trình làm việc dày đặc. Sáng thức dậy sớm 3h để kịp ra phim trường, tối khuya gần 12h đêm mới về nhà.
Charlie Nguyễn bảo ở nước ngoài luật lao động rõ ràng và mọi người nghiêm túc thực hiện. Lao động làm dôi thời gian là được tính thêm tiền, tiền rất cao. Còn ở Việt Nam mọi thứ không rõ ràng, rất thiệt cho người lao động.
Mà đâu chỉ làm ngoài giờ không được thêm tiền, người lao động trong ngành sản xuất phim còn chịu thiệt thòi bởi các nhà sản xuất không trả tiền công sòng phẳng cho diễn viên, ê kíp sản xuất.
Nhiều phim đã quay, phát sóng nhưng người lao động vẫn chưa nhận được tiền công đầy đủ của mình.
Thời gian qua, nhiều diễn viên, ê kíp đoàn phim đã bày tỏ bức xúc về tiền công và áp lực làm việc trên mạng xã hội. Có người được nhà sản xuất trả lương, có tiếng nói rơi vào hư vô.
Không ít diễn viên bày tỏ mong muốn được Hội Điện ảnh bảo vệ quyền lợi của mình như cách mà hội gửi văn bản đến Bộ Công an để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nghệ sĩ Quyền Linh, thể hiện trách nhiệm của một tổ chức nghề nghiệp.