Lãi vay mua nhà thấp “lịch sử”

Chưa bao giờ, các gói vay mua nhà ở có lãi suất hấp dẫn như hiện nay, đồng thời nhiều dự án được khởi công trở lại, nhà ở xã hội tăng tốc..., nên cơ hội "an cư" đang mở ra với nhiều người.
Lãi vay giảm, thời gian vay dài, tỷ lệ vay cao
So với lãi suất đầu năm 2020 (trước thời điểm dịch Covid-19), lãi suất cho vay của các ngân hàng (NH) hiện nay thấp hơn từ 2 - 4 điểm phần trăm, tương ứng tỷ lệ giảm từ 30 - 50% tùy theo nhà băng. Đơn cử nếu vào tháng 1.2020, lãi suất cho vay mua nhà của các NH có vốn nhà nước như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank ở mức khoảng 8%/năm cố định trong 12 tháng đầu; các NH thương mại khác từ 8,5 - 9,5%/năm thì hiện nay, mức lãi vay bình quân chỉ từ 6 - 7%/năm.
Thậm chí, một số NH đưa lãi suất vay xuống mức "không tưởng" như Kienlongbank áp dụng mức ưu đãi 0% cho gói vay mua nhà trong 1 tháng, 18 tháng tiếp theo cố định 8,8%, sau đó sẽ thả nổi; UOB là 2,75%/năm đối với khách hàng đặc biệt, còn khách hàng bình thường có mức lãi suất từ 5,5%/năm trở lên; hay Eximbank đưa ra lãi suất từ 3,68%/năm, cố định trong 36 tháng cho khách hàng trẻ...
Đáng nói, việc giảm lãi vay mua nhà không phải còn là cá biệt mà từ giữa tháng 2 đến nay, các NH ào ạt triển khai các gói cho vay mua nhà giới trẻ. Ngoài lãi vay giảm, cuộc cạnh tranh khiến tỷ lệ cho vay cũng tăng lên 90 - 100% tài sản thế chấp; thời gian ân hạn kéo dài lên 2 - 5 năm, thời gian cho vay từ 20 - 50 năm. Những điều kiện vay mà trước đây mơ cũng không thấy.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NH Nhà nước (NHNN) khu vực 2, khẳng định: Lãi suất cho vay mua nhà ở của các NH trên địa bàn đang thấp nhất từ trước đến nay, thấp hơn cả thời điểm dịch Covid-19. Lãi suất cho vay trung bình hiện nay khoảng 5 - 6%/năm, thấp hơn thời điểm đầu năm 2020 từ 3 - 4 điểm phần trăm. Cũng nhờ thế, tín dụng nhà ở của các NH trên địa bàn trong 2 tháng đầu năm liên tục tăng lên 1,15% so với cuối năm 2024, lên 1,098 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 28% tổng dư nợ tín dụng. Trong đó tín dụng cho vay nhà ở (bao gồm nhà ở xã hội; nhà ở thương mại; nhà ở khác…) đạt trên 600.000 tỉ đồng, tăng 0,67% so với cuối năm và tăng 7,39% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng tín dụng nhà ở cao hơn tăng trưởng tín dụng chung.
"Tăng trưởng tín dụng bất động sản (BĐS) trong thời gian qua, gắn với các hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ tăng trưởng, không chỉ phản ánh xu hướng và tác động tích cực qua lại giữa các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế, mà còn mang ý nghĩa toàn diện. Trong đó tăng trưởng tín dụng nhà ở tích cực có tác động thúc đẩy thị trường BĐS phục hồi, đồng thời góp phần quan trọng vào việc thực hiện chiến lược quốc gia về nhà ở. Đối với các NH, tăng trưởng tín dụng BĐS lĩnh vực tiêu dùng không chỉ bảo đảm hiệu quả tín dụng mà còn kích thích tăng trưởng kinh tế và đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân, người trẻ dưới 35 tuổi", ông Lệnh nhận định.
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM, cũng khẳng định lãi suất cho vay mua nhà ở hiện nay đang ở mức thấp hơn nhiều so với trước đại dịch Covid-19. Theo ông Huân, một điểm khá thuận lợi năm nay là NHNN đã giao hạn mức tín dụng ngay từ đầu năm nên các nhà băng được chủ động.
"Một trong những lĩnh vực hấp thụ tín dụng nhanh nhất là BĐS. Với dòng vốn rẻ thì thị trường sẽ hấp thụ tốt hơn. Tuy nhiên, nhà ở hiện nay chỉ ấm lên, giao dịch ở một số dự án đã hoàn chỉnh nên không quá lo ngại về vấn đề vốn giá rẻ khiến thị trường bong bóng. Việc đầu cơ nhà đất, một số trường hợp săn nhà đất ở những tỉnh thành sáp nhập… dù có nhưng chưa nhiều", ông Huân nói.
Cần tăng nguồn cung BĐS
Năm 2024, quy mô tín dụng nền kinh tế đạt trên 15,6 triệu tỉ đồng, trong đó tín dụng BĐS chiếm tỷ trọng khoảng 21 - 22%, ước khoảng 3,5 - 3,6 triệu tỉ đồng.
Nếu tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu 16% và tỷ trọng dư nợ cho vay BĐS giữ nguyên, quy mô tín dụng cho lĩnh vực này dự kiến sẽ đạt 3,8 - 3,9 triệu tỉ đồng. Có thể thấy, một nguồn vốn rẻ đang chờ thị trường BĐS hấp thụ. Thế nhưng, điều quan trọng là nguồn cung nhà ở trên thị trường có đáp ứng đủ cho nguồn vốn này hay không? Nhìn lại mấy năm trước, dự án nhà ở được phê duyệt, khởi công rất ít, thậm chí đếm trên đầu ngón tay.
Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới BĐS VN cho thấy quý 1/2025, nguồn cung toàn thị trường BĐS nhà ở VN đạt 27.000 sản phẩm, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, có 14.500 sản phẩm chào bán mới, chỉ bằng khoảng 1/2 quý trước dù tăng gấp 3 so với quý 1 năm 2024, còn lại là hàng tồn tiếp tục chào bán. Có thể thấy, nguồn cung BĐS nhà ở vẫn đang tăng trưởng tích cực, khi số lượng dự án nhà ở phê duyệt mới đang được cải thiện, với mức tăng đạt 18% trong năm 2024. Kết quả này là nhờ nỗ lực tháo gỡ vướng mắc pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước. Nhờ đó, hàng trăm dự án BĐS cũng đã được tái khởi động và đẩy nhanh tiến độ triển khai, sớm ra hàng nhằm đón đầu sự phục hồi của thị trường.
Tiền có, nhà có, tỷ lệ hấp thụ chung toàn thị trường cũng đạt 45%, tương đương với 12.273 giao dịch, bằng 50% quý trước nhưng gấp đôi cùng kỳ năm trước. Tốc độ hấp thụ ở mức ổn định trong bối cảnh nguồn cung được cải thiện và mặt bằng giá chưa có nhiều điều chỉnh. Tỷ lệ hấp thụ các dự án mới mở bán vẫn rất tích cực, đạt khoảng 60%, đặc biệt tại các tỉnh, thành có thông tin cụ thể về quy hoạch, hạ tầng và có dự án mới như Hà Nội,
TP. HCM, Hà Nam, Hải Phòng, Bắc Giang, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Thái Nguyên. Đây cũng là những khu vực đang thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư Hà Nội.
Báo cáo từ Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường BĐS VN nhận xét: Các dự án mở bán nhà ở trong quý 1 nhìn chung đều được hấp thụ tốt, nhờ nhu cầu ở thực vẫn trong xu hướng tăng. Đồng thời, tâm lý của nhà đầu tư lạc quan hơn về kỳ vọng tăng giá trong trung - dài hạn nhờ động lực tăng trưởng kinh tế và hệ thống hạ tầng giao thông phát triển. Đáng chú ý là tín hiệu về việc nới lỏng tiền tệ của NHNN, với chỉ đạo định hướng duy trì mặt bằng lãi suất ở mức thấp của Chính phủ, góp phần kích thích nhu cầu BĐS, không chỉ ở nhóm người mua để ở mà còn từ các nhà đầu tư cá nhân trong bối cảnh BĐS vẫn là kênh đầu tư có tiềm năng sinh lời tốt và có khả năng tích trữ tài sản lâu dài được ưa chuộng.
Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu, thời điểm trước và trong dịch Covid-19, lãi suất cho vay ở mức cao, lên 12 - 14%/năm nên với lãi vay hiện nay là chấp nhận được trong bối cảnh hiện nay. Với chính sách tiền tệ hiện nay, lãi suất cho vay thấp thì các dự án đang hoàn thành có lợi thế. Vấn đề quan trọng hiện nay là tháo gỡ tính pháp lý để tăng nguồn cung, tăng nhu cầu vay. Cụ thể tại TP.HCM ghi nhận có khoảng 220 dự án nhà ở vướng mắc, mở rộng thí điểm cho 343 dự án với diện tích 2.000 ha để làm nhà ở thương mại, thêm vào đó chính sách đặc thù về nhà ở xã hội cũng như thành lập quỹ nhà ở quốc gia... "Cần xem xét BĐS là một trong những trụ cột kinh tế, có tác động lan tỏa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. BĐS phục hồi sẽ kéo theo các ngành nghề khác. Do đó cần tháo gỡ tính pháp lý để tăng nguồn cung trên thị trường, từ đó tăng nhu cầu tín dụng", ông Lê Hoàng Châu đánh giá.