Lãi suất biến động, tiền gửi tăng mạnh

Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), một số ngân hàng vừa điều chỉnh tăng lãi suất huy động từ đầu tháng 7-2025.
Cụ thể, VPBank tăng 0,1 điểm % lãi suất các kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng, với mức cao nhất khoảng 5,7% - 5,8%/năm áp dụng cho khoản tiền gửi từ 10 tỉ đồng trở lên, kỳ hạn 24 - 36 tháng. Techcombank cũng tăng lãi suất từ 0,1 - 0,2 điểm %, đưa mức cao nhất lên khoảng 4,85% - 5%/năm cho kỳ hạn dài. Ngân hàng số VCBNeo (thuộc Vietcombank) tăng 0,1 điểm % lãi suất kỳ hạn 1 - 6 tháng; hiện mức cao nhất tại đây là 5,45%/năm cho kỳ hạn từ 13 tháng trở lên.
Theo Công ty Chứng khoán MBS, trong tháng 6 vừa qua, xu hướng giảm lãi suất huy động đã chững lại. Chỉ một số ít ngân hàng tiếp tục giảm, với biên độ rất nhỏ. Tính đến cuối tháng 6, lãi suất kỳ hạn 12 tháng trung bình tại các ngân hàng thương mại cổ phần giảm 0,17 điểm % so với đầu năm, còn 4,87%. Trong khi đó, nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh giữ ổn định ở mức 4,7%.
Dù mặt bằng lãi suất ở mức thấp, dòng tiền gửi từ người dân vẫn tăng trưởng liên tục trong 15 tháng qua. Tính đến tháng 4-2025, tổng tiền gửi tại hệ thống ngân hàng của khách hàng cá nhân và tổ chức đã vượt mốc 15 triệu tỉ đồng. Riêng tiền gửi tiết kiệm của dân cư đạt hơn 7,53 triệu tỉ đồng, tăng gần 6,7% so với cuối năm 2024.
Chỉ trong 4 tháng đầu năm, người dân đã gửi thêm gần 500.000 tỉ đồng tiền nhàn rỗi vào ngân hàng. Anh Nhật Minh (ngụ TP HCM) cho biết dù lãi suất không cao nhưng anh vẫn dành khoảng 1/3 danh mục đầu tư cho tiết kiệm vì đây là kênh an toàn, ít rủi ro hơn so với chứng khoán hay bất động sản.
Các chuyên gia dự báo lãi suất huy động có thể tăng nhẹ vào cuối năm khi tín dụng khởi sắc. Trong khi đó, lãi suất cho vay nhiều khả năng sẽ tiếp tục được duy trì ổn định nhờ chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về giảm chi phí hoạt động, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.