Nhảy đến nội dung

Thất lạc giữa hòa bình

TP - Daughter from Danang (2002) - bộ phim tài liệu của đạo diễn Gail Dolgin và Vicente Franco kể về cuộc đoàn tụ giữa một người mẹ Việt và cô con gái lai Mỹ thất lạc từ lâu, như là minh chứng sâu sắc về những rạn nứt chiến tranh gây ra - không chỉ giữa các quốc gia, mà còn trong gia đình và tâm lý cá nhân.

TP - Daughter from Danang (2002) - bộ phim tài liệu của đạo diễn Gail Dolgin và Vicente Franco kể về cuộc đoàn tụ giữa một người mẹ Việt và cô con gái lai Mỹ thất lạc từ lâu, như là minh chứng sâu sắc về những rạn nứt chiến tranh gây ra - không chỉ giữa các quốc gia, mà còn trong gia đình và tâm lý cá nhân.

Giành giải Grand Jury Prize cho Phim tài liệu xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Sundance và được đề cử Oscar 2003 cho Phim tài liệu hay nhất, Daughter from Danang (Người con gái đến từ Đà Nẵng) theo chân cuộc hội ngộ đầy thử thách giữa Heidi Bub (tên khai sinh: Mai Thị Hiệp) - một người phụ nữ lai Mỹ - Việt lớn lên ở vùng quê Tennessee - và mẹ ruột của cô, bà Mai Thị Kim, sau 22 năm xa cách.

Những gì diễn ra không phải là sự hàn gắn như cả hai từng mơ tưởng, mà là một cuộc va chạm dữ dội giữa khác biệt văn hóa, những tổn thương chưa từng thổ lộ và gánh nặng vô hình mà những con người ly tán vì chiến tranh luôn phải mang theo bên mình.

Thân thuộc và xa lạ

Hành trình của Heidi bắt đầu vào năm 1975, giữa những ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước. Lo sợ lời đồn con lai Mỹ sẽ bị trả thù, bà Kim đã gửi con gái bảy tuổi của mình, Mai Thị Hiệp, theo Chiến dịch Không vận Trẻ em (Operation Babylift) - một chương trình di tản trẻ em Việt Nam do Mỹ thực hiện, dù nhiều em trong số đó không thực sự là trẻ mồ côi.

Thất lạc giữa hòa bình ảnh 1

Người con gái Mỹ gốc Việt Heidi Bub (tên khai sinh Mai Thị Hiệp) và người mẹ ruột Mai Thị Kim. Ảnh: PBS

Heidi được nhận nuôi bởi một người mẹ đơn thân nghiêm khắc tại Pulaski, Tennessee - một thị trấn mang nặng lịch sử phân biệt chủng tộc và là nơi khai sinh của tổ chức cổ xúy thuyết người da trắng thượng đẳng Ku Klux Klan. Tại đây, mẹ nuôi của Heidi đặt cho cô cái tên mới, buộc cô chối bỏ nguồn gốc Việt Nam và tự giới thiệu bản thân rằng cô được - sinh ra ở South Carolina”.

Heidi lớn lên với giọng miền Nam Hoa Kỳ đặc sệt và đã bị “Mỹ hóa 101%” đúng theo mong đợi của mẹ nuôi. Nhưng đằng sau lớp vỏ hòa nhập ấy vẫn luôn là một khoảng trống - nỗi khao khát tình yêu vô điều kiện và sợi dây kết nối với người mẹ chỉ còn tồn tại như một quá khứ đầy mơ hồ trong cô. Sự xóa sổ văn hóa mà Heidi - Mai Thị Hiệp phải trải qua phản ánh sự lãng quên rộng lớn hơn đối với những đứa trẻ lai Mỹ-Việt trong xã hội Mỹ hậu chiến - một khoảng trống mà ít phim tài liệu nào khám phá.

Năm 1997, sau hơn hai thập kỷ chia cách, Heidi trở về Đà Nẵng để gặp lại mẹ ruột. Các nhà làm phim đồng hành cùng cô trong chuyến đi này đã ghi lại những khoảnh khắc vui mừng nhưng cũng đầy xót xa. Cuộc gặp gỡ đầu tiên tại sân bay Đà Nẵng diễn ra tựa như một cơn bão xúc cảm bị kìm nén của một người mẹ đã bị lạc mất con trong 22 năm. Bà Kim bật khóc nức nở ôm lấy người con gái nay đã 29 tuổi từng thân thuộc nhưng cũng đầy xa lạ. Trong khi Heidi vẫn còn chút bối rối cố gắng tiếp nhận cơn sóng cảm xúc của người mẹ.

Thất lạc giữa hòa bình ảnh 2

Heidi (giữa) với hai người chị cùng mẹ khác cha của cô

Ban đầu, cuộc gặp gỡ có vẻ như một phép màu trong mơ. Nhưng những rạn nứt sớm xuất hiện chỉ sau một tuần Heidi về thăm gia đình ruột thịt. Vì bất đồng ngôn ngữ, bà Kim và những anh chị em trong nhà hầu như chỉ nói được câu “mẹ thương con” hay “chị Hiền thương em Hiệp”. Đây là một nỗ lực có phần bất lực để bày tỏ tình cảm vượt qua rào cản ngôn ngữ với một người khi ra đi chỉ là một cô bé 7 tuổi mà khi gặp lại đã là mẹ của hai đứa con thơ.

Để lấp lại khoảng cách này, gia đình Việt Nam của Heidi bày tỏ tình thương thông qua những cái ôm và nụ hôn. Nhưng thứ ngôn ngữ tình yêu này sớm trở thành một cực hình đối với cô: “Tôi không được nuôi dạy trong một gia đình có nhiều tình thương và ôm ấp, còn ở đây dường như mọi người họ hàng luôn muốn chạm vào người tôi”. Vốn quen với lối sống chủ nghĩa cá nhân của Mỹ và sự thiếu tình thương gia đình của mẹ nuôi, cô cảm thấy ngột ngạt trước sự gần gũi quá mức của gia đình mẹ ruột.

Thất lạc giữa hòa bình ảnh 3

Cuộc hội ngộ sau 22 năm chia lìa đầy nước mắt của hai mẹ con tại sân bay Đà Nẵng

Xung đột của bộ phim đạt đỉnh điểm vào ngày cuối của Heidi tại Đà Nẵng. Trước khi về lại Mỹ, những người anh của cô đã bày tỏ mong muốn Heidi phụng dưỡng mẹ già: “Trong thời gian 22 năm, mẹ không biết tin tức của em. Anh với các chị của em đã lo cho mẹ cuộc sống như vậy. Giờ biết em rồi nên anh mong em có trách nhiệm của người con đối với mẹ”. Anh mong cô có thể đưa mẹ mình sang Mỹ để chăm sóc, nếu không được thì có thể hằng tháng gửi tiền về nhà để nuôi mẹ. Nghe thấy vậy, Heidi vỡ òa trong trong cơn sốc khi một cuộc đoàn tụ với mục đích đi tìm lại tình thương bị cướp mất của cô lại nhanh chóng trở thành một trách nhiệm vật chất đè nặng lên vai.

Thất lạc

Hành trình gắn kết ruột thịt sau 22 năm bị chia cắt bắt đầu với những giọt nước mắt vui sướng tột cùng, lại có cái kết thấm đẫm những giọt nước mắt ân hận và tủi đau của cả bà Kim và Heidi.

Sự rạn nứt này không đến từ lỗi lầm của cá nhân nào, và các đạo diễn cũng không đổ lỗi cho bất kì ai. Thay vào đó, họ cho thấy cách mà các chuẩn mực văn hóa đã ăn sâu vào mỗi người, ảnh hưởng đến cách họ nhìn nhận tình cảm và bổn phận. Heidi không phải là một người Mỹ ích kỷ bị thất vọng với cảnh nghèo khó của gia đình mẹ ruột, mà là sản phẩm của một xã hội đề cao chủ nghĩa cá nhân.

Tương tự, gia đình bà Kim không phải là những người cơ hội mà là những người sống theo giá trị truyền thống Việt Nam, nơi sự nương tựa trong tập thể là một lối sống lâu đời. Bi kịch thật sự của phim nằm ở sự bất lực của cả hai bên trong việc thu hẹp khoảng cách này - một lỗi lầm không bắt nguồn từ ác ý mà từ những vết thương chưa lành của một cuộc đời ly biệt.

Thất lạc giữa hòa bình ảnh 4

Heidi cùng đại gia đình bên ngoại của cô

Sức mạnh của Daughter from Danang nằm ở cái kết không trọn vẹn. Giấc mơ của Heidi về một bức tranh được ghép lại hoàn chỉnh vẫn dang dở, cũng như mong muốn đoàn tụ của bà Kim tan biến vào những bức thư dở dang không nhận được lời hồi đáp từ con. Bóng ma của chiến tranh len lỏi vào từng khoảnh khắc, không phải trên chiến trường, mà trong những mảnh đời rạn nứt mà nó để lại.

Chiến dịch Không vận Trẻ em, dù được ca ngợi như một hành động nhân đạo, lại trở thành biểu tượng của những hệ lụy không lường trước: những đứa trẻ bị cắt đứt khỏi cội nguồn, những người mẹ mang mặc cảm tội lỗi suốt đời, và một di sản của sự chia cắt kéo dài qua nhiều thế hệ. Đẩy nhiều người Mỹ gốc Việt như Heidi vào những cuộc đấu tranh kéo dài suốt đời với danh tính và nỗi đau không được thừa nhận.

Thất lạc giữa hòa bình ảnh 5

Bộ phim khiến tôi liên tưởng đến quyển tiểu thuyết bán tự truyện Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian của nhà văn trẻ người Mỹ gốc Việt Ocean Vương. Tác phẩm được viết dưới dạng những bức thư nhân vật chính là cậu bé nhập cư tại Mỹ viết cho người mẹ mù chữ của mình, kể lại về lịch sử gia đình - một lịch sử hằn sâu nỗi đau của bạo lực, mất mát, xung đột và sự xa lạ - trong bối cảnh chiến tranh tại Việt Nam. Người mẹ này là con gái của một phụ nữ Việt Nam và một lính Mỹ. Vì thế, cậu nhìn nhận bản thân như một đứa con của chiến tranh. Đó là một cuộc chiến không chỉ chia cắt quốc gia mà còn xé nát con người và danh tính của họ. Khiến Ocean Vương phải thốt lên “Khi nào thì một cuộc chiến mới kết thúc? Khi nào con có thể gọi tên mẹ mà nó chỉ đơn thuần là tên mẹ, chứ không phải tất cả những gì mẹ đã bỏ lại phía sau?”.

Đã 50 năm trôi qua kể từ ngày Thống nhất đất nước, và 23 năm kể từ khi Daughter from Danang được công chiếu - một khoảng thời gian tương đương với thời gian bị chia cắt của Heidi và bà Kim, song mối quan hệ hiện tại giữa cô và người mẹ ruột vẫn còn là một bí ẩn. Sau những bức thư không được hồi âm ở cuối phim, liệu Heidi và bà Kim có đủ can đảm và lòng thấu cảm để gặp lại nhau lần nào nữa không? Hay họ vẫn để lạc mất nhau, ngay trong câu chuyện họ tự kể cho chính mình và con cháu sau này.

“Tôi muốn về nhà, trốn thoát khỏi thế giới này để trở về với nơi thân thuộc với tôi. Đôi khi tôi ước rằng tôi có thể quay ngược thời gian và xóa mọi điều đã xảy ra. Tôi ước tôi có thể giữ nguyên những kí ức vui tươi. Tôi ước chuyến đi này chưa từng diễn ra bởi vì giờ đây tôi sẽ phải sống cùng với những kí ức và cảm xúc tồi tệ này”.

Heidi nói trong nước mắt

Hành trình của Heidi - giằng xé giữa bản sắc Mỹ và di sản Việt Nam - phản chiếu trải nghiệm chung của nhiều thế hệ người Việt hải ngoại: một cuộc tìm kiếm không ngừng nghỉ về cảm giác được thuộc về, nơi mà “quê hương” chỉ còn là ký ức hoặc một ảo ảnh xa vời. Bộ phim buộc người xem phải đối diện với những sự thật đau đớn: rằng tình yêu và nỗi đau thường đan xen, và rằng sự hàn gắn đôi khi đòi hỏi ta phải bước qua những hố sâu nội tâm rộng hơn cả một đại dương.

Kinh Quốc
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn