Là người duy nhất dẫn vợ con đi họp lớp: Về đến nhà đọc tin nhắn nhóm, tôi quyết không bao giờ quay lại nữa

Tôi quyết định không bao giờ đi họp lớp nữa.
Nhiều người từng mong chờ những buổi họp lớp để ôn lại kỷ niệm cũ. Nhưng càng lớn, càng ít người muốn tham gia - vì đơn giản, tính chất của nó không còn như xưa. Thay vì niềm vui gặp lại, họp lớp đôi khi lại trở thành nơi để so đo, đánh giá nhau.
Tôi vừa trải qua một buổi họp lớp cấp ba như thế. Tưởng là dịp vui, ai ngờ ra về trong tâm trạng nặng trĩu.
Hôm đó, lớp trưởng nhắn trong nhóm: “Tối thứ bảy họp lớp, ai đi thì xác nhận nhé.” Một vài bạn hỏi có được dẫn theo con không, lớp trưởng trả lời: “Thoải mái, ai tiện thì cứ mang theo.”
Tôi nghĩ đơn giản, đưa vợ và con trai 4 tuổi đi cùng cũng không sao. Nhưng khi đến nơi, tôi phát hiện mình là người duy nhất đưa gia đình theo. Mọi người đều đi một mình, không có ai dẫn theo người thân cả.
Khi vừa ngồi xuống, bạn Minh cười nói: “Ông chăm con ghê ha, đi họp lớp cũng không rời được.”.Tôi đáp lại: “Cuối tuần thì tranh thủ cho con đi chơi luôn.”
Chưa đầy 10 phút sau, một bạn nữ tên Lan nói nhỏ nhưng đủ để ai cũng nghe thấy: “Mang vợ con đi họp lớp, thấy hơi kỳ kỳ. Không khí nó khác hẳn luôn.”
Một bạn nữ khác tiếp lời: “Đúng rồi, họp lớp là để bạn bè trò chuyện thoải mái chứ có phải buổi dã ngoại đâu.”
Tôi nghe thấy hết, nhưng cố làm ngơ. Bữa ăn kết thúc sớm, chỉ hơn một tiếng. Vợ tôi cũng thấy hơi lạc lõng, nhưng vẫn vui vẻ. Chúng tôi chào mọi người ra về trong im lặng.
Nhưng chưa đầy một tiếng sau, tôi thấy trong nhóm chat lớp ồn ào hẳn lên. Mấy bạn nữ vừa dự họp lớp đăng tin nhắn công khai:
– “Họp lớp mà mang vợ con theo, thiếu tinh tế ghê!”
– “Tưởng chỉ có mấy ông thích thể hiện giàu sang, ai dè giờ tới cả việc ‘khoe’ gia đình nữa.”
– “Đi như thế mất cả không khí bạn bè cũ.”
Tôi đọc mà nóng mặt. Lớp trưởng thì im lặng. Không ai bênh. Tôi nhắn lại: “Nếu hôm đó không được đưa gia đình theo, đáng lẽ nên nói rõ. Còn đã đồng ý rồi thì mong mọi người tôn trọng nhau. Tôi không khoe khoang gì cả, chỉ nghĩ họp lớp là dịp thân tình.”
Ngay lập tức, Lan đáp lại: “Thân tình thì nên hiểu ý nhau. Ai cũng mang vợ con tới, thì khác gì họp mặt gia đình đa thế hệ?”
Một vài người im lặng, vài người phụ hoạ theo. Tôi bực quá, rời nhóm luôn trong đêm. Vợ tôi nhìn tôi, chỉ khẽ nói: “Thôi anh, người ta không thật lòng vui, thì mình đến cũng chẳng để làm gì.”
Từ câu chuyện này, tôi cũng nhận ra một bài học rất rõ: Giá trị của một con người không nằm ở việc họ nói gì trong bữa tiệc, mà nằm ở cách họ sống bên ngoài nó. Có những người không cần nói ra mình thành công, chỉ cần nhìn vào cách họ trân trọng gia đình là đủ hiểu. Tài sản quý nhất của một người không phải chiếc xe họ đi hay chức danh họ mang, mà là người thân đồng hành cùng họ mỗi ngày.
Theo Kknews