Kỳ thị xe máy điện

"Nhưng sau một năm, tôi phải bán xe. Xe không có vấn đề gì, nhưng người đi bị kỳ thị quá", Quỳnh, 30 tuổi, ở Hà Nội chia sẻ.
Mọi chuyện bắt đầu từ nửa cuối năm 2023, sau loạt vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội, tâm lý sợ xe điện bùng lên. Dù kết luận điều tra xác định nguyên nhân do chập điện từ một chiếc xe xăng, nhiều người vẫn không tin và đổ lỗi cho xe điện. Kể từ đó, những nơi trông giữ xe máy ở khắp thành phố "quy hoạch" khu vực riêng, tách biệt xe điện và ra quy định về thời gian sạc pin để bảo đảm an toàn.
Nhiều chủ trọ từ chối khách có xe điện thuê phòng hoặc cấm sạc. Nhiều người dùng không biết đi đâu, về đâu với chiếc phương tiện của mình.
Chủ trọ của Quỳnh cũng tương tự. Xe của cô phải sạc qua đêm mới đầy nhưng liên tục chủ nhà hoặc ai đó rút phích cắm. Nhiều hôm sáng ra chiếc xe vẫn hết pin, dẫn tới lỡ dở công việc. Một số lần khác họ ám chỉ chiếc xe của cô có thể gây hỏa hoạn, sau cùng cô bị đuổi.
Hành trình tìm nơi ở mới đầy gian nan. "Cứ nghe đến xe điện là chủ trọ lắc đầu", Quỳnh kể. Các khu tập thể cũ không có chỗ để xe an toàn, bãi gửi công cộng lại thiếu mái che và khu sạc đảm bảo.
Sau hai tháng lặn lội, Quỳnh thuê được một căn phòng ở quận Thanh Xuân, cách chỗ làm 8 km. Tại đây, mỗi lần cắm sạc, cô đều cảm giác như làm việc vụng trộm vì bị soi mói.
"Mỗi lần tôi dắt chiếc xe của mình là người khác lo lắng, né như F0 hồi dịch Covid", cô gái kể. Sau quá nhiều phiền phức, cô đành bán xe.
Dùng xe điện hai năm nay, chị Minh, 27 tuổi, sống tại một chung cư ở phường Vĩnh Tuy cho biết nơi ở có quy hoạch khu sạc riêng và ngắt điện sau 23h để đảm bảo an toàn. Ổ điện thì ít, xe ngày càng nhiều, mỗi chiếc lại cần sạc 6-8 tiếng. Không ít lần xe cô bị người khác rút ra cắm xe họ.
"Phiền phức nhất là khu vực xe điện đặt gần bốt bảo vệ. Từ căn hộ tôi đi đến đó phải qua hai tòa nhà, quãng đường 300 mét. Buổi sáng cập rập, một tay bế con nhỏ, một tay lỉnh kỉnh đồ đạc, rất phiền", cô nói.
Trên mạng xã hội, nhiều người dùng xe điện khác cũng chia sẻ trải nghiệm tương tự.
Trong một bài thảo luận "Những điều khó chịu nhất khi dùng xe điện" trên một diễn đàn xe hôm 22/7, hàng trăm bình luận bày tỏ tình trạng "Bị bảo vệ mấy tòa nhà, trung tâm thương mại kỳ thị", "Bị chê ngu", "Vào mấy quán cà phê người ta nói có tiền cũng không mua xe điện", "Tôi vào siêu thị đậu xe dưới mái che, lát ra thấy xe nằm giữa trời nắng", "Ở chung cư em còn không cho gửi xe điện".
Không chỉ là cảm giác cá nhân, nhiều người đang thực sự bị hạn chế quyền sử dụng loại phương tiện này. Khảo sát với 2.500 độc giả VnExpress cho thấy, 48% cảm thấy từng bị kỳ thị khi đi xe điện; trong đó, 42% bị gây khó khăn khi sạc pin và 6% bị từ chối nhận gửi xe.
Tâm lý dè chừng cũng có thể khiến người dân ngại mua xe điện. Một khảo sát khác với gần 13.000 độc giả cho thấy, nếu xe máy xăng bị cấm, chỉ 24% cân nhắc chuyển sang xe điện. Đa số ưu tiên phương tiện công cộng (34%) hoặc xe ôm, taxi công nghệ (29%).
Nỗi sợ cháy nổ là lý do chính khiến xe điện bị kỳ thị. Ông Lê Hùng, chủ một dãy trọ năm tầng ở quận Cầu Giấy, đã ngừng nhận khách thuê đi xe điện gần hai năm nay. "Tôi biết như vậy là hơi bất công với họ, nhưng phòng còn hơn chống. Hệ thống điện ở đây đã cũ, nhỡ có chuyện gì, tôi không gánh nổi", ông nói.
Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng, phó chủ tịch Hội ôtô - máy động lực TP HCM nhận định "kỳ thị xe điện" là thực tế đang diễn ra, đặc biệt trong bối cảnh chính phủ thúc đẩy phương tiện sạch tại đô thị nhưng hạ tầng và nhận thức xã hội chưa theo kịp.
"Tâm lý e dè không phải vô cớ. Nó bắt nguồn từ nỗi lo cháy nổ, thiếu chỗ sạc và cảm giác bị 'ép buộc' chuyển đổi mà không có hỗ trợ đồng bộ", ông Dũng nói.
Theo ông, hạ tầng trạm sạc hiện còn rất hạn chế, khiến người dùng lo ngại hết pin giữa đường, dù có khi chỉ di chuyển 20-50 km mỗi ngày. Thời gian sạc kéo dài, pin lại chiếm tới 40-60% giá trị xe, khiến giá thành cao hơn xe xăng cùng phân khúc.
Tại nhiều chung cư, sạc xe điện bị cấm. Sau các vụ cháy liên quan đến xe điện chất lượng kém năm 2023-2024, nhiều ban quản lý càng thắt chặt hơn.
"Pin lithium-ion - loại dùng phổ biến trên xe điện - có thể cháy nếu bị đoản mạch, sạc sai cách hoặc gặp nước. Dù thống kê cho thấy nguy cơ cháy thấp hơn xe xăng khoảng 10 lần, tâm lý e ngại vẫn tồn tại vì loại cháy này khó dập", chuyên gia nói.
Đồng quan điểm, anh Trần Thiên, người có hơn 30 năm đào tạo sửa xe máy, 16 năm gắn bó với xe điện ở Đồng Nai, cho rằng nỗi lo lớn nhất khiến nhiều người dè dặt với xe điện vẫn là nguy cơ cháy nổ.
Anh thừa nhận xe điện khó dập khi cháy, nhưng khẳng định phần lớn sự cố bắt nguồn từ việc độ chế, lắp phụ kiện ngoài, sạc sai cách, hoặc dùng hàng trôi nổi, lắp ráp thủ công, không kiểm định an toàn.
"Nỗi sợ đang bị khuếch đại do tâm lý e dè với cái mới. Thực tế, mỗi ngày vẫn có không ít vụ cháy xe xăng, nhưng vì xe xăng quá quen thuộc nên ít ai để ý còn xe điện mới xuất hiện, nên cứ cháy là bị quy kết ngay", anh lý giải.
Nhìn ở tầm vĩ mô, phó giáo sư Dũng cho rằng đây là giai đoạn chuyển tiếp tất yếu. "Xe điện nội đô giúp giảm khí thải và tiếng ồn, phù hợp với đô thị đông đúc như Hà Nội, TP.HCM. Khi tỷ lệ xe điện thay thế được xe xăng, chắc chắn tình trạng ô nhiễm sẽ giảm", ông nói.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi, chuyên gia này kiến nghị triển khai mô hình trạm sạc tích hợp tại hầm chung cư, như các trụ sạc chậm (AC) với công suất 3-7kW, kết hợp hệ thống quản lý thông minh qua app để phân bổ thời gian sạc và thu phí.
Các nhà sản xuất cũng nên sử dụng pin LFP (Lithium Iron Phosphate) thay vì lithium-ion thông thường, vì loại này ít cháy nổ hơn và bền hơn với tuổi thọ 20.000 chu kỳ. Thiết kế pin với lớp cách ly chống cháy và tích hợp cảm biến tự ngắt khi quá nhiệt. Người dùng nên dùng sạc chính hãng, tránh sạc qua đêm nếu không có chức năng tự ngắt và kiểm tra định kỳ tại gara chuyên dụng.
Ông cũng cảnh báo đến năm 2050, Việt Nam có thể đối mặt với hàng triệu pin xe điện hết hạn. Nếu không có chính sách xử lý phù hợp, đây sẽ là nguy cơ môi trường lớn do pin chứa kim loại nặng và chi phí tái chế cao. Vì thế, có thể áp dụng mô hình tái sử dụng pin cũ (second-life) cho lưu trữ năng lượng mặt trời, trước khi đưa vào tái chế hoàn toàn.
Dù phía chính quyền đã có chính sách hỗ trợ như trợ giá 3-5 triệu đồng mỗi xe và miễn thuế, chuyên gia cho rằng cách triển khai hiện tại vẫn thiếu lộ trình cụ thể, gây ra mâu thuẫn trên thực tế.
"Một bên là mục tiêu môi trường, bên kia là cuộc sống thực tế của người dân. Nếu không giải quyết thấu đáo, chính tâm lý kỳ thị sẽ trở thành lực cản lớn nhất với quá trình chuyển đổi này", phó giáo sư Dũng nhấn mạnh.
Quỳnh Dương