Kỳ nghỉ lễ 30/4 giúp 'thử tải' du lịch Việt

![]() |
Lượng khách tăng vọt nhưng hạ tầng không theo kịp khiến nhiều điểm đến rơi vào hỗn loạn. |
Lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết trong dịp lễ 30/4-1/5, ngành du lịch ước tính phục vụ khoảng 10,5 triệu lượt khách, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2024.
Nhiều điểm đến ghi nhận mức tăng trưởng vượt kỳ vọng như TP.HCM đón 1,9 triệu lượt khách, Thanh Hóa đón 1,6 triệu lượt, Khánh Hòa và Quảng Ninh đều đón trên 1 triệu lượt, Hà Nội đón khoảng 875.000 lượt…
Tại miền Trung, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam tiếp tục khẳng định sức hút với tổng cộng hơn 1,1 triệu lượt khách. Trong khi đó, các tỉnh vùng núi phía Bắc như Lào Cai, Sơn La, Hà Giang ghi nhận mức tăng trưởng mạnh cả về lượng khách lẫn doanh thu.
Khách tăng, dịch vụ quá tải
Tuy nhiên, tình trạng quá tải vẫn tái diễn tại nhiều điểm đến nổi tiếng. Các thành phố du lịch biển như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long… đồng loạt xảy ra tình trạng hết phòng khách sạn từ sớm, giá phòng tăng cao, dịch vụ ăn uống quá tải.
Ùn tắc giao thông trở thành nỗi ám ảnh tại các trục đường huyết mạch như cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 18 đi Hạ Long, quốc lộ 6 đi Mộc Châu. Nhiều du khách chia sẻ, phải mất gấp đôi thời gian di chuyển so với bình thường.
Anh Nguyễn Hải Long (Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi đi Mộc Châu bằng ôtô riêng. Đoạn quốc lộ 6 từ Hòa Bình lên Sơn La bị ùn tắc liên tục, chúng tôi phải dừng nghỉ giữa đường tới ba lần, mất gần 10 tiếng cho quãng đường chỉ khoảng 200 km”.
Chị Vũ Thị Phượng (Bắc Ninh) bức xúc: “Chúng tôi định đi Hạ Long chơi 2 ngày, nhưng mất hơn 6 tiếng mới tới được, trong khi bình thường chưa đến 3 tiếng. Quốc lộ 18 tắc từ đoạn qua Đông Triều, xe cứ dồn cục lại rồi đứng yên”.
Không chỉ tắc đường và quá tải lưu trú, nhiều địa phương còn đối mặt với tình trạng thiếu nhân sự dịch vụ du lịch, quá tải bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng và các điểm check-in. Hệ thống vệ sinh môi trường tại các bãi biển, khu danh lam thắng cảnh bị quá tải nặng nề trong những ngày cao điểm.
Anh Lê Quốc Bình, hướng dẫn viên du lịch tuyến Bắc Trung bộ, chia sẻ, kỳ nghỉ 30/4 dẫn đoàn 45 khách đi Đà Nẵng và Hội An, thực sự là một cuộc vật lộn. Các điểm check-in như cầu Rồng, phố cổ hay bãi biển Mỹ Khê đều ken đặc người, chụp một tấm ảnh không dính hình người khác gần như bất khả thi. Xe đến nơi thì vòng tới vòng lui vì bãi đỗ quá tải, có lúc phải thả khách rồi đi gửi xe ở cách điểm tham quan cả cây số.
Không dừng ở đó, theo anh Bình, hệ thống nhà vệ sinh công cộng luôn trong tình trạng chờ đợi, thậm chí có nơi phải xếp hàng tới 15 phút.
![]() |
Từ những kỷ lục lượng khách của kỳ nghỉ lễ 30/4, có thể hình dung mùa hè năm nay sẽ còn sôi động hơn nữa. |
“Du khách than rất nhiều về chuyện rác ở bãi biển không được dọn kịp, còn dịch vụ ăn uống thì đông đến mức nhân viên không kịp bê đồ, nhiều bàn chờ cả tiếng vẫn chưa có món”, anh nói. “Tôi làm nghề hơn chục năm, nhưng chưa thấy năm nào cao điểm lễ lại mệt như năm nay. Không phải vì khách đông, mà vì dịch vụ không theo kịp”, anh nói thêm.
Chuyên gia phân tích thị trường du lịch Phạm Thành Trung nhận định hiện tượng tăng trưởng “nóng” không đi kèm năng lực phục vụ khiến chất lượng trải nghiệm của du khách sụt giảm. “Kỳ nghỉ lễ là thời điểm kiểm tra sức bền hạ tầng du lịch. Nếu chỉ mừng vì con số hàng triệu lượt khách mà bỏ qua áp lực chất tải thì hè 2025 sẽ lặp lại kịch bản cũ, thậm chí nghiêm trọng hơn”, ông nói.
Kịch bản cho mùa hè 2025
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, ngành du lịch bước vào mùa cao điểm hè, giai đoạn kéo dài liên tục từ đầu tháng 6 đến giữa tháng 8. Nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng đây là mùa bội thu nếu chuẩn bị kỹ, nhưng cũng là giai đoạn dễ khiến hệ thống vận hành “đứt gãy” nếu tiếp tục chạy theo số lượng mà không kiểm soát chất lượng.
Ông Phạm Anh Vũ, Phó TGĐ Công ty Du lịch Việt, nhìn nhận rõ sự cần thiết của chuyển đổi số trong khâu điều tiết. Các địa phương nên cập nhật lượng khách theo giờ, qua đó điều phối luồng di chuyển, hạn chế dồn ứ. Cần mạnh dạn triển khai mô hình đặt vé tham quan theo khung giờ cố định, giảm xe cá nhân vào trung tâm, bổ sung bãi đỗ tạm thời và phương tiện công cộng tăng cường.
Một số địa phương như Huế, Hội An hay Đà Lạt bắt đầu áp dụng mô hình đặt giờ tham quan, nhưng quy mô còn khiêm tốn. Ông Vũ cho rằng, đây là lúc để mở rộng mô hình này tại các điểm “nóng” như Tràng An, Hạ Long, Đền Hùng...
“Chỉ cần một hệ thống đặt vé đơn giản, có xác nhận qua email là đã giúp phân luồng đáng kể. Vấn đề không phải công nghệ cao siêu, mà là sự quyết tâm và đồng thuận từ chính quyền và doanh nghiệp”, ông Vũ nói.
“Không phải chỉ là chỗ ngủ hay ăn uống, mà là cả chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch đang quá tải. Chúng tôi từng phải huỷ tua phút chót vì biết điểm đến không còn khả năng tiếp nhận thêm đoàn nào nữa”, bà Lê Hải Anh, đại diện Flamingo Redtours, chia sẻ.
Từ góc nhìn tổng thể, chuyên gia Phạm Trung Thành đề xuất cần lập bản đồ số thông minh về du lịch mùa hè, tích hợp số liệu về mật độ khách, lưu trú, giao thông và thời tiết trên một nền tảng dễ tiếp cận.
“Không thể bắt doanh nghiệp, du khách tự xoay xở mãi. Chúng ta cần một công cụ chung để cùng vận hành”, ông nói.
Nhiều người đánh đồng du lịch với ăn nhậu
TS Lê Ngọc Minh, chuyên gia nghiên cứu hành vi du lịch, nhận định một đặc điểm khá rõ nét trong hành vi tiêu dùng du lịch của người Việt là xu hướng đặt nặng yếu tố ẩm thực, đặc biệt là các hoạt động ăn nhậu theo nhóm. Không hiếm thấy những bãi biển, bãi cỏ ven hồ hay công viên gần khu du lịch bị “biến hình” thành những bữa tiệc ngoài trời, trải nghiệm thiên nhiên nhường chỗ cho âm thanh của loa kéo và mùi khói từ vỉ nướng.
Điều này xuất phát từ văn hóa cộng đồng gắn bó và nhu cầu “giải tỏa tập thể” sau những ngày làm việc căng thẳng. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, nếu không được định hướng và quản lý tốt, hành vi này dễ dẫn đến quá tải môi trường, mất mỹ quan và làm giảm chất lượng trải nghiệm của chính du khách. Ở nhiều bãi biển nổi tiếng như Sầm Sơn, Cửa Lò, Hạ Long, cảnh tượng chật kín người vừa tắm biển vừa tổ chức ăn uống là quá quen thuộc. Nhưng phía sau những buổi “làm vài ly” là một bãi cát lấm tấm rác, vỏ lon, xương cá. Đó là dấu hiệu đáng báo động.
Ông Minh nhấn mạnh, thay vì cấm đoán, các địa phương nên quy hoạch rõ các khu ăn uống công cộng, tăng cường dịch vụ hậu cần, đặc biệt là khuyến khích lối du lịch có trách nhiệm. “Du lịch không nên bị rút gọn thành vài mâm nhậu. Nếu không thay đổi thói quen này, chúng ta đang tự làm tổn thương những điểm đến mà mình yêu quý”, ông Minh nói.
Du lịch là để tận hưởng hay sống ảo?
Theo TS Đặng Hoàng Giang - tác giả cuốn sách Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường - việc chạy theo những gì được cho là đẹp theo tiêu chuẩn số đông đang phá vỡ sự nguyên sơ, gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái tự nhiên.
Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu nội dung buổi chia sẻ của tác giả Đặng Hoàng Giang về quan điểm du lịch đang khiến con người quên đi việc tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên.
> Đọc tiếp: Hệ luỵ của du lịch 'sống ảo'