Kỹ năng người lao động cần trang bị thời AI: ĐH điều chỉnh chương trình đào tạo

Trước những yêu cầu đặt ra của thị trường lao động trong thời kỳ của trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ lên ngôi, các trường ĐH đã có sự thay đổi, điều chỉnh chương trình đào tạo nhằm đáp ứng thực tế.
Tích hợp các kiến thức về AI, công nghệ
PGS-TS Trần Viết Long, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật (ĐH Huế), nhận định: "Hiện nay, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục đóng vai trò then chốt trong chuyển đổi số và hội nhập. Các trường ĐH cần nhanh chóng thích ứng, bám sát chủ trương, chính sách của Nhà nước, đưa vào đào tạo các học phần về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, quản lý vận hành điện tử và số hóa dữ liệu".
Theo đó, PGS-TS Long cho rằng sinh viên cần được trang bị khối kiến thức, kỹ năng nhằm khai thác và làm chủ công nghệ ngay trong nhà trường. Các chương trình đào tạo phải liên tục cập nhật, tích hợp nội dung về dữ liệu lớn, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, đồng thời phát triển kỹ năng mềm, kỹ năng tư duy phản biện và khả năng ứng dụng công nghệ vào nghề nghiệp. Đây là nền tảng để sinh viên làm chủ công việc, nâng cao năng lực cạnh tranh và định vị thương hiệu cá nhân trong kỷ nguyên số.
"Trường ĐH Luật, ĐH Huế luôn chú trọng rà soát và cập nhật chương trình đào tạo, thường xuyên lấy ý kiến của nhà tuyển dụng, cựu sinh viên, giảng viên, sinh viên, đồng thời phân tích xu hướng thị trường lao động để điều chỉnh chương trình đào tạo có tính ứng dụng cao. Các học phần mới, có tính thời sự, kết hợp giữa lý thuyết, kỹ năng thực hành và công nghệ được ưu tiên bổ sung, đặc biệt giữa pháp luật và công nghệ. Các em được trang bị năng lực làm việc độc lập, khả năng thích ứng và cạnh tranh trong môi trường số hóa", ông Long thông tin.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khả, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, cho rằng sinh viên cần ý thức sâu sắc về tác động, ảnh hưởng to lớn của cuộc cách mạng công nghệ. "Cuộc cách mạng này sẽ tạo ra động lực mới để thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ chuyển sang nền kinh tế tri thức, sang xã hội "thông minh". AI sẽ là trợ lý ảo thay thế một phần trong công việc của con người. Vì thế, sinh viên phải chủ động cập nhật kịp thời và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất của thế giới vào học tập, công tác và cuộc sống", tiến sĩ Khả cho hay.
Cùng với đó, khả năng ngoại ngữ sẽ mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên. Đặc biệt, kỹ năng mềm sẽ là yếu tố quan trọng quyết định bạn là ai, làm việc thế nào, là thước đo hiệu quả cao trong công việc, quyết định tới 75% thành công, trong khi kỹ năng cứng (kiến thức, trình độ chuyên môn) chỉ chiếm 25%.
"Doanh nghiệp còn yêu cầu tuyển dụng ứng viên có kinh nghiệm. Chính vì thế, sinh viên cần trải nghiệm nghề nghiệp từ khi còn ở trường ĐH. Các kỳ kiến tập, thực tập với thái độ nghiêm túc sẽ giúp các em không bị ngỡ ngàng sau khi tốt nghiệp đi làm. Về phía trường ĐH, chương trình đào tạo phải luôn được thay đổi, cập nhật và ứng dụng kiến thức thực tiễn liên tục để phù hợp với sự thay đổi công nghệ trong thời kỳ kỷ nguyên số", tiến sĩ Khả chia sẻ.
Trang bị tư duy số và khả năng học tập liên tục
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, nhấn mạnh yêu cầu bắt buộc để người lao động có thể thích nghi và đáp ứng trong bối cảnh thị trường lao động sắp tới là khả năng cập nhật kiến thức, kỹ năng mới.
"Những năm gần đây trường ĐH đã thay đổi phương pháp đào tạo, liên tục cập nhật chương trình. Tuy nhiên thời gian ĐH chỉ 4 - 5 năm, trong khi các em làm việc suốt những năm sau khi tốt nghiệp. Chính vì vậy trường ĐH chỉ cung cấp cho các em kiến thức nền tảng cốt lõi; phương pháp tiếp cận, nghiên cứu; những kỹ năng cơ bản, còn khi đi làm các em phải có khả năng tự học tập, chủ động cập nhật kiến thức, kỹ năng mới để thích ứng", tiến sĩ Nhân đưa ra lời khuyên.
Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cũng cho rằng kiến thức chuyên ngành là cần, nhưng chưa đủ. Điều mà sinh viên cần trang bị hơn là khả năng thích ứng nhanh, kỹ năng phân tích, tư duy số và thái độ học tập liên tục.
"Trường hiện có 3 thay đổi cốt lõi trong đào tạo. Thứ nhất, kiến thức chuyên môn không còn tách biệt. Ngay cả sinh viên học luật, kinh tế hay xã hội học cũng cần hiểu công nghệ, dữ liệu và cách vận hành của thế giới số. Sinh viên được rèn luyện khả năng sử dụng công nghệ như một công cụ. Chúng tôi tích hợp yếu tố liên ngành, cập nhật nội dung đào tạo thường xuyên, gắn sát thực tiễn", thạc sĩ Tư thông tin.
Thứ hai, theo thạc sĩ Tư, là đào tạo cho sinh viên kỹ năng phân tích, giải quyết vấn đề, giao tiếp tiếng Anh và làm việc trong môi trường quốc tế thông qua các chương trình, hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp... trong và ngoài nước.
"Thứ ba, trường kết nối mạnh với mạng lưới doanh nghiệp và các trường ĐH quốc tế, tổ chức các chương trình thực tập, nghiên cứu khoa học, hội thảo chuyên đề cùng chuyên gia để sinh viên được trải nghiệm bối cảnh thật. Hoạt động nghiên cứu khoa học cũng được trường khuyến khích và tổ chức hằng năm. Việc tham gia nghiên cứu khoa học từ năm nhất cũng giúp sinh viên rèn tư duy logic và khả năng giải quyết vấn đề thực tế, vốn là những kỹ năng rất khó thay thế bởi máy móc", thạc sĩ Tư chia sẻ thêm.