Kỷ luật bằng hình thức đuổi học: Có trường hợp học sinh không trở lại trường

Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh, trong đó bãi bỏ hình thức nặng nề nhất là 'đuổi học với học sinh vi phạm'.
Như vậy dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh không còn hình thức kỷ luật đuổi học với học sinh. Thông tư hiện hành có 5 hình thức kỷ luật với học sinh tùy theo mức độ vi phạm: Khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học 1 tuần và đuổi học 1 năm.
Xung quanh vấn đề dự thảo bỏ hình thức kỷ luật "không còn hình thức đuổi học với học sinh" vi phạm, hiện có hai luồng ý kiến trái chiều nhau: đồng tình và phản đối.
Mục tiêu của các hình thức giáo dục kỷ luật tích cực là cảm hóa học sinh
Là giáo viên giảng dạy có thời gian được phân công kiêm nhiệm phụ trách Ban nền nếp của trường, bản thân tôi đã nhiều lần tham mưu cho hiệu trưởng ra quyết định tạm dừng học tập có thời gian đối với học sinh vi phạm nền nếp nội quy của nhà trường. Phải nói việc tạm dừng học tập có thời gian đối với học sinh vi phạm cũng có tác động giáo dục ý thức ngăn chặn hành vi vi phạm của học sinh, ít nhiều đem lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên cá biệt cũng có trường hợp đáng tiếc xảy ra mà tôi và nhiều thầy cô cảm thấy ân hận về trách nhiệm chưa đủ đầy của mình.
Còn nhớ năm học 2015-2016, N.H.D học sinh lớp 8/2 Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa, thường xuyên vi phạm nội quy của trường như không đeo khăn quàng, không bỏ áo vào trong quần, để tóc dài… đặc biệt là đánh bạn gây thương tích. Tuy được giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở, cho viết kiểm điểm nhưng em vẫn tiếp tục vi phạm nội quy nhà trường. Cô chủ nhiệm đề nghị Ban nền nếp trường xử lý, chúng tôi tham mưu thầy hiệu trưởng quyết định cho em N.H.D nghỉ học thời gian 3 ngày, trong thời gian nghỉ học em phải mượn vở bạn chép bài đầy đủ trước khi đến lớp. Rất tiếc sau đó em N.H.D đã nghỉ học luôn.
Như vậy có thể nói việc xử lý kỷ luật học sinh với hình thức cho nghỉ học (đuổi học) có thời gian, không đáp ứng được việc giáo dục học sinh như trường hợp em N.H.D nói trên.
Mục tiêu của các hình thức giáo dục kỷ luật tích cực là cảm hóa học sinh vi phạm nội quy bằng sự cảm thông, tình yêu thương, lòng bao dung chứ không phải bằng các hình thức trách phạt mang tính nặng nề như đuổi học làm cho học sinh sợ hãi, xấu hổ để không tái phạm.
Cần phân loại cụ thể các đối tượng vi phạm theo mức độ
Trong nhà trường, việc học sinh vi phạm nội quy là điều không sao tránh khỏi, tình huống vi phạm cũng không lường hết: nói tục, chửi thề, đánh nhau, vô lễ với thầy cô… Do vậy việc xử lý học sinh vi phạm cũng không có một công thức chung nào cả.
Đối với những học sinh vi phạm nội quy của nhà trường một cách có hệ thống, ở mức độ nặng nếu chỉ xử lý bằng hình thức yêu cầu viết bản tự kiểm điểm hoặc bắt các em lên thư viện đọc sách và viết cảm nhận thì vẫn chưa đủ sức răn đe như một số trường hiện nay áp dụng. Do vậy, để việc áp dụng kỷ luật tích cực đối với học sinh vi phạm nội quy thực sự hiệu quả, cần phân loại cụ thể các đối tượng vi phạm theo mức độ để lựa chọn cách thức phù hợp; cùng với đó phải thực hiện đồng bộ, kết hợp giữa nhiều phương pháp với sự nhẫn nại và tấm lòng bao dung của người thầy.
Khi các em nhận thức đúng vi phạm sẽ chuyển biến thành hành động đúng, "tâm phục khẩu phục" với cách xử lý của thầy cô để rồi không phạm phải sai lầm. Nói cách khác, với hình thức xử phạt đúng đối tượng, đúng lỗi vi phạm thì sẽ có hiệu quả tích cực. Ngược lại nếu hình thức xử lý không phù hợp sẽ có tác dụng ngược có thể đánh mất tương lai các em khi còn độ tuổi học sinh.
Trong nhà trường nếu học sinh vi phạm nội quy là các em chỉ có phạm lỗi, tùy theo mức độ phạm lỗi nhà trường căn cứ vào các hình thức xử lý đúng theo qui định với 3 hình thức: nhắc nhở, phê bình và yêu cầu viết bản tự kiểm điểm là hợp lý, hợp tình.
Nhà trường nên lấy giáo dục "giơ cao đánh khẽ", lấy tình thường để cảm hóa các em vi phạm nhận ra sai lầm của mình để tu thân dưỡng tính chính là mục đích cao cả của giáo dục. Việc bỏ hình thức đuổi học có ý nghĩa nhân văn cao cả cần được thực hiện, xét cho cùng không có hình thức kỷ luật nào là tối ưu, nếu có chỉ là sự phán xét của lương tâm mỗi người.