Kỳ họp thứ Nhất của Quốc hội khóa mới có thể khai mạc sớm hơn

TPO - Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết, luật sửa đổi hướng đến khả năng rút ngắn thời gian, có thể tổ chức kỳ họp đầu tiên sớm nhất là chỉ sau 22 ngày kể từ ngày bầu cử.
Tạo điều kiện để kịp thời kiện toàn nhân sự
Ngày 21/5, tại phiên tiếp thu, giải trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND), Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh yêu cầu chính trị quan trọng trong lần sửa đổi luật lần này là rút ngắn thời gian thực hiện quy trình bầu cử.
Theo bà Nguyễn Thanh Hải, việc điều chỉnh thời gian là nhằm thu hẹp khoảng cách từ khi bế mạc Đại hội Đảng toàn quốc đến khi khai mạc kỳ họp thứ Nhất của Quốc hội và HĐND các cấp. Điều này sẽ tạo điều kiện để kịp thời kiện toàn nhân sự nhà nước và địa phương, đồng thời nhanh chóng đưa nghị quyết của Đại hội Đảng các cấp vào thực tiễn.
![]() |
Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải. (Ảnh: Như Ý) |
Một trong những điểm điều chỉnh đáng chú ý là rút ngắn thời gian từ lúc nộp hồ sơ ứng cử đến khi tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai còn 2 ngày. Tuy nhiên, bà Hải lưu ý, đây chỉ là hạn cuối cùng, còn người ứng cử hoàn toàn có thể nộp hồ sơ sớm hơn.
Theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc nộp hồ sơ có thể thực hiện sau hội nghị hiệp thương lần thứ hai (sau ngày 15/12/2025).
Dự thảo hiện đề xuất ngày 2/2/2026 là hạn cuối nộp hồ sơ để kịp cập nhật kết quả nhân sự của Đại hội Đảng, đặc biệt là các vị trí cấp cao và nhân sự địa phương.
Những trường hợp còn lại vẫn thực hiện theo cơ cấu, danh sách nhân sự đã được phê duyệt từ trước.
Rút ngắn thời gian khai mạc kỳ họp thứ nhất
Bà Hải cho biết, hiện chưa xác định cụ thể ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XVI. Theo luật hiện hành, kỳ họp đầu tiên được tổ chức muộn nhất 60 ngày sau ngày bầu cử.
Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi hướng đến khả năng rút ngắn thời gian này, có thể tổ chức kỳ họp chỉ sau 22 ngày kể từ ngày bầu cử.
Liên quan đến khu vực bỏ phiếu, bà Nguyễn Thanh Hải cho biết, đang nghiên cứu theo hướng “trung gian”: việc xác định khu vực bỏ phiếu sẽ do UBND cấp xã quyết định; trong trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền điều chỉnh.
Đồng thời, dự thảo sẽ bổ sung khái niệm rõ ràng về "trường hợp cần thiết" để tránh áp dụng không thống nhất giữa các địa phương.
Về nội dung khiếu nại, tố cáo, bà Hải nói, trên thực tế, khiếu nại về kết quả bầu cử rất ít, gần như không có, còn khiếu nại liên quan đến ứng viên nhiều hơn.
Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu cho hay, trường hợp không đủ thời gian xem xét, việc giải quyết sẽ được chuyển giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa sau, như hiện đang thực hiện.