Kinh tế tư nhân sẽ an tâm kinh doanh hơn với nghị quyết 68

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - đã đánh giá như vậy khi nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân vừa được Bộ Chính trị ban hành.
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, theo ông Nguyễn Đình Cung, việc không hình sự hóa quan hệ kinh tế được Đảng nhận ra từ lâu, cách đây 20 năm. Tại một số văn bản, lãnh đạo Chính phủ cũng có nêu vấn đề này.
Song lần này, nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã nêu rất cụ thể với những điểm mới chưa từng có.
Đó là sai phạm đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước, cho phép doanh nghiệp, doanh nhân được khắc phục sai phạm, thiệt hại, có cơ hội sửa sai.
Ưu tiên xử lý khắc phục hậu quả kinh tế trước nếu có sai phạm
Tại sao ông cho rằng doanh nghiệp, doanh nhân sẽ an tâm hơn sau khi Bộ Chính trị ban hành nghị quyết 68?
Lâu nay nhiều doanh nghiệp có chung nỗi lo là nguy cơ kinh doanh trái quy định. Và điều này khiến doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính và cả bị xử lý hình sự nữa. Khi đã bị truy cứu hình sự, họ không chỉ mất tài sản mà mọi sự nghiệp đều dang dở. Nên người kinh doanh rất sợ.
Nhưng nội dung của nghị quyết 68 nhấn mạnh việc sửa đổi các quy định về pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự để đảm bảo nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế thì ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại. Đây là điều mà ai cũng mong chờ.
Thêm nữa, nghị quyết cũng nêu rõ trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự.
Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo.
Điều này rất quan trọng với doanh nhân. Khi người kinh doanh sai phạm thì ưu tiên xử lý kinh tế trước sau đó mới xét đến có phạt tù hay không. Hay nói cách khác là pháp luật vẫn tạo cơ hội cho người ta có cơ hội được làm lại.
Một điểm nữa là nghị quyết cũng phân biệt rõ giữa thể nhân và pháp nhân, tức là phân biệt rõ giám đốc và doanh nghiệp.
Giám đốc vi phạm là trách nhiệm của cá nhân chứ không kéo doanh nghiệp vào. Niêm phong tài sản của cá nhân chứ không niêm phong tài sản, trụ sở doanh nghiệp. Sẽ không còn câu chuyện niêm phong cả nhà máy làm vật chứng của vụ án.
Điều này giúp tránh thiệt hại cho cá nhân, doanh nghiệp. Những điều này rất mới, tạo sự an tâm lớn cho doanh nhân hoạt động.
Trước hết phải loại bỏ những bức xúc mà doanh nghiệp kêu lâu nay
Nghị quyết nêu rõ năm 2025, hoàn thành việc rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, chồng chéo, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, cắt giảm ít nhất 30% số điều kiện kinh doanh, 30% chi phí tuân thủ pháp luật. Theo ông, giải pháp nào để thực hiện việc này?
Để thực hiện chỉ đạo này, theo tôi, câu hỏi đặt ra hiện nay có bao nhiêu điều kiện kinh doanh? Số điều kiện kinh doanh nằm ở luật nào, nghị định nào…? Tiêu chí nào để phân loại điều kiện kinh doanh đó là cần thiết, không cần thiết? Tổng chi phí tuân thủ hiện nay là bao nhiêu?
Mặt khác, cơ quan nào sẽ rà soát điều kiện kinh doanh, trường hợp các bộ rà soát thì có khách quan không? Họ có bỏ những thủ tục, điều kiện kinh doanh mà doanh nghiệp mong muốn phải bỏ không hay?
Trước hết, theo tôi có thể làm được ngay trong năm nay là chỉ cần xử lý dứt điểm những khó khăn, rào cản mà doanh nghiệp phản ánh lâu nay, như câu chuyện hoàn thuế giá trị gia tăng, thủ tục về phòng cháy chữa cháy…
Đây là những điểm nghẽn khiến doanh nghiệp điêu đứng, cần phải loại bỏ ngay. Nếu làm được việc này thì là những khởi đầu quan trọng, có tính bước ngoặt thay đổi quan trọng so với khi có nghị quyết và chưa có nghị quyết.
Hay một dự án đầu tư kéo dài về mặt thủ tục đến 3-4 năm thì làm gì còn cơ hội kinh doanh nữa. Nên cần phải sửa đổi ngay. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến kinh doanh nên tính bằng giờ, chứ không tính bằng ngày, bằng tháng, năm như lâu nay.